Phương pháp thực hiện

EN.METHODOLOGY.MAINCONTENT.PARTIAL Các bước xây dựng khung nội dung RESI được thực hiện như sau:
  • Bước 1: Tổng quan tài liệu xác định các hợp phần/khía cạnh/lĩnh vực chính
  • Bước 2: Tổ chức tọa đàm, tham vấn ý kiến chuyên gia xác định các chỉ số thành phần trong các lĩnh vực chính
  • Bước 3: Cụ thể hóa các chỉ số thành phần dưới dạng các tiêu chí, thông tin cần thu thập (chỉ tiêu thành phần)
Sau khi khung nội dung được hoàn thiện, bộ công cụ để tiến hành áp dụng chỉ số RESI được thiết kế:
  • Bước 4: Cụ thể hóa các tiêu chí, thông tin cần thu thập dưới dạng các câu hỏi (trong các bộ công cụ)
Điểm mạnh và cũng là nguyên tắc nền tảng của bộ công cụ của RESI là quá trình tham vấn và thu thập bằng chứng/số liệu có sự tham gia của các bên liên quan chính trong các hoạt động quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và REDD+ từ cấp tỉnh đến cấp cộng đồng. Danh sách cơ quan tham vấn chi tiết trong Phụ lục 2 của báo cáo này. Các văn bản hướng dẫn cấp tỉnh, quy hoạch, kế hoạch, dự án và báo cáo hoạt động và các tài liệu thứ cấp khác thu thập trong quá trình tham vấn cũng được sử dụng như một nguồn dữ liệu đầu vào, nhằm diễn giải cho các lựa chọn trả lời trong các bảng hỏi của bộ công cụ RESI.
  • Bước 5: Cho điểm và đánh giá kết quả

Mỗi chỉ số được cụ thể hóa dưới dạng các câu hỏi thu thập thông tin. Mỗi câu hỏi sẽ có 5 lựa chọn trả lời (a-e), và cho theo thang điểm 100, với 04 mức chính là (0 – 33 – 67 – 100), phản ánh mức độ sẵn sàng và thích hợp cho việc thực hiện REDD+.
Tất cả các câu hỏi đều được tính điểm vào kết quả đầu ra của RESI cấp tỉnh. Trọng số của tất cả các chỉ số thành phần đều bằng nhau và bằng 1. Tất cả các câu hỏi đều có lựa chọn trả lời “không thích hợp” (e) và các câu hỏi có lựa chọn trả lời này sẽ không được tính điểm.
Điểm số cuối cùng là điểm trung bình của tất cả các câu hỏi cụ thể.

Xếp hạng các tỉnh theo điểm số
Căn cứ vào kết quả cuối cùng của chỉ số RESI, tác giả xác định 03 nhóm các tỉnh mà xếp hạng liên quan đến điểm số tương ứng của từng tỉnh:

Sẵn sàng cao (điểm trung bình: 100 – 67): những tỉnh trong nhóm này có tương đối đầy đủ các điều kiện về chính sách, thể chế, tổ chức thực hiện cũng như các điều kiện môi trường, xã hội thích hợp để thực khi REDD+.

Sẵn sàng (điểm trung bình: 66 - 34): những tỉnh thuộc nhóm này đã có những điều kiện nhất định, nhưng vẫn còn những hạn chế trong điều kiện của một hoặc nhiều hợp phần chính: chính sách, thể chế, môi trường và xã hội để có thể thực hiện REDD+.

Chưa sẵn sàng (điểm trung bình: 33 - 0): Những tỉnh thuộc nhóm này đang ở mức thấp nhất, chưa có/hoặc không có những điều kiện cơ bản cần thiết để có thể thực hiện triển khai REDD+.

Kết quả chỉ số RESI rất khác biệt giữa các địa phương, bộ câu hỏi cũng rất hữu ích trong việc chỉ rõ những ưu thế/nhược điểm ở từng khía cạnh cụ thể liên quan đến tiến trình triển khai và thực hiện REDD+ trong tương lai tại cấp tỉnh. Đây cũng là tiền đề giúp đưa ra được các khuyến nghị sửa đổi, nâng cao năng lực,...để giúp các địa phương cụ thể sẵn sàng cho REDD+. Nói cách khác, bộ chỉ số RESI sẽ giúp ích rất nhiều trong quá trình xây dựng Kế hoạch hành động REDD+ cấp tỉnh, vốn được xác định là trong tâm trong Kế hoạch hành động REDD+ quốc gia, giai đoạn 2016-2020; cũng như cung cấp hệ thống cơ sở dữ liệu về REDD+, giúp nâng cao nhận thức và năng lực kỹ thuật về REDD+ cho cán bộ địa phương (2011-2015), theo nội dung của Chương trình hành động quốc gia về REDD+ của Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 (Quyết định 799/2011/QĐ-TTg, ngày 27/06/2011).