Limitless customization options & Elementor compatibility let anyone create a beautiful website with Valiance.

Liên hệ

NV 31, Khu đô thị Trung Văn, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội +024-3556-4001 contact@nature.org.vn Mở cửa: 8:00 - 17:30 Thứ Hai - Thứ Sáu

Những tháng cuối năm 2011, nhiều sự kiện và chính sách quan trọng liên quan đến bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đang ngày càng khan hiếm đã được bàn luận và quyết định. Ở phạm vi toàn cầu, Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 17 (COP-17) tổ chức tại Durban, Nam Phi từ ngày 28/11 đến ngày 11/12 được xem là một trong những sự kiện nóng bỏng và gay gắt nhất trong lịch sử. Ở Việt Nam, Chính phủ đã ban hành các chiến lược quan trọng về ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) và quản trị tài nguyên khoáng sản. Tháng 12/2011 đã ghi nhận sự kiện quan trọng về cuộc họp cấp Hội đồng của Ủy hội sông Mê-kông (MRC) của Bộ trưởng tài nguyên và môi trường các nước Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam tại Siem Reap (Campuchia) với quyết định trì hoãn xây đập Xayaburi tại Lào để nghiên cứu sâu hơn tác động của phát triển thủy điện trên dòng chính, hướng tới phát triển và quản lý bền vững sông Mê-kông, đáp lại nguyện vọng của người dân sống trong lưu vực.

Hội nghị COP-17 đã phải kéo dài thêm hai ngày so với kế hoạch dự kiến, tuy nhiên các kết quả đạt được rất hạn chế, thể hiện qua văn kiện tổng kết có tiêu đề Durban Platform for Enhanced Action (Tạm dịch: Khung hành động Durban). Theo đó, COP-17 tuyên bố tất cả các quốc gia đều phải tuân thủ cam kết về một hiệp định ràng buộc pháp lý đối với việc cắt giảm lượng phát thải dự kiến sẽ được thông qua năm 2015 và bắt đầu có hiệu lực từ năm 2020. Khung hành động Durban đã làm hài lòng nhiều quốc gia có mức độ phát thải lớn. Hoa Kỳ, quốc gia phát triển duy nhất không tham gia Nghị định thư Kyoto, đã lý giải cho sự vắng mặt của mình là mọi nỗ lực hạn chế phát thải chung sẽ không thành công khi thiếu vắng hai nước lớn và Trung Quốc và Ấn Độ. Còn Trung Quốc và Ấn Độ khẳng định không hy sinh mục tiêu phát triển kinh tế cho việc cắt giảm phát thải khí nhà kính ít nhất cho tới năm 2020. Bên cạnh đó, Nga, Canada và Nhật Bản lại tuyên bố không tham gia giai đoạn 2 của Nghị định thư Kyoto do những khó khăn về tài chính và đòi hỏi khắt khe của việc cắt giảm khí thải trong bối cảnh kinh tế phục hồi chậm chạp sau khủng hoảng. Như vậy, chỉ còn lại Liên minh Châu Âu (EU) đơn thương độc mã trong cuộc chiến cắt giảm phát thải khí nhà kính. Do đó, COP-17 đã lựa chọn giải pháp mềm dẻo là tiếp tục dành 4 năm (2012 – 2015) để thảo luận về khung cam kết mới và 5 năm tiếp theo (2016-2020) để ký thông qua khung pháp lý này trước khi chính thức đưa vào thực hiện sau năm 2020.

Trong bối cảnh mức độ cam kết của các quốc gia phát triển về giảm phát thải trở nên lỏng lẻo, thì Việt Nam tiếp tục khẳng định nỗ lực và quyết tâm của mình về ứng phó với BĐKH. Ngày 05/12/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 2139/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Quốc gia về Biến đổi khí hậu, bao hàm các quan điểm, mục tiêu và nhiệm vụ chiến lược và lộ trình các giai đoạn thực hiện từ 2011 đến 2050, kèm theo các chương trình, đề án ưu tiên xác định cho giai đoạn 2011-2015. Mười nhiệm vụ chiến lược đã được xác định như chủ động ứng phó với thiên tai và giám sát khí hậu; đảm bảo an ninh lương thực và tài nguyên nước; ứng phó tích cực với nước biển dâng phù hợp các vùng dễ bị tổn thương; bảo vệ và phát triển bền vững rừng; giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; tăng cường vai trò chủ đạo của nhà nước trong ứng phó với BĐKH, …

Trong lĩnh vực quản trị tài nguyên khoáng sản, nhà nước tiếp tục can thiệp và ban hành các chính sách nhằm tăng cường hiệu quả quản lý hoạt động khoáng sản. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2427/QĐ-TTg ngày 22/12/2011 phê duyệt Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Nghị quyết 103/NQ-CP ngày 22/12/2011 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-TW ngày 25/04/2011 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Ngoài ra, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết về Thành lập Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường. Mục đích của Đoàn giám sát là nhằm đánh giá những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản và đề xuất các giải pháp thực hiện tốt hơn các chính sách và pháp luật liên quan. Theo dự kiến, Đoàn giám sát có trách nhiệm tổ chức thực hiện kế hoạch giám sát và báo cáo kết quả giám sát với Ủy ban thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 8 năm 2012. Chi tiết các chính sách quan trọng nói trên được trình bày trong các phần tiếp theo của Bản tin Chính sách này.

Tải Bản tin Chính sách Quý 4 năm 2011 (File PDF, 4,07MB)

Leave A Comment

Cập nhật

Cùng tham gia "Bớt củi - Giữ rừng"
Tham gia