Limitless customization options & Elementor compatibility let anyone create a beautiful website with Valiance.

Liên hệ

NV 31, Khu đô thị Trung Văn, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội +024-3556-4001 contact@nature.org.vn Mở cửa: 8:00 - 17:30 Thứ Hai - Thứ Sáu

Thứ hai tuần tới (ngày 19/06), Ủy ban Liên hợp Ủy hội sông Mê Kông (MRC) sẽ tổ chức phiên họp đặc biệt nhằm thảo luận về quy trình Tham vấn trước đối với đập Pak Beng và về quan điểm của các quốc gia thành viên MRC được phản hồi trong mẫu báo cáo chính thức. Cuộc họp đánh dấu sự kết thúc 6 tháng đầu tiên của quy trình Tham vấn trước đối với dự án Pak Beng.

Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều quan ngại sâu sắc về đến chất lượng các nghiên cứu và thông tin nền được sử dụng trong suốt quá trình Tham vấn trước nhằm đánh giá và nhận thức về các tác động xã hội và môi trường của dự án này đối với sông Mê Kông, bao gồm quan ngại về tác động xuyên biên giới tại Thái Lan và các quốc gia láng giềng, cùng các tác động cộng hưởng với những dự án thủy điện đã được xây dựng và đang được đề xuất trên lưu vực sông Mê Kông. Bên cạnh đó là những lo ngại về chất lượng của các cuộc tham vấn cấp quốc gia và sự tham gia của cộng đồng trong quy trình Tham vấn trước.

Khu vực dự kiến xây dựng đập Pak Beng, đập thủy điện thứ 3 trong chuỗi 11 con đập trên dòng chính hạ nguồn sông Mê Kông (Ảnh chụp tháng 3/2017, nguồn: PanNature)

Quy trình Tham vấn trước cần thêm thời gian để đơn vị phát triển dự án có thể tiến hành thêm các nghiên cứu nền. Đồng thời, các quốc gia thành viên cần được cung cấp thêm thông tin để có thể đánh giá một cách có ý nghĩa tác động tiềm tàng của con đập Pak Beng. Theo Hiệp định Mê Kông 1995 và Quy trình Thông báo, Tham vấn trước và Thỏa thuận (PNPCA), quyết định kéo dài thời gian Tham vấn trước hoàn toàn thuộc phạm vi quyền hạn của Ủy ban Liên hợp. Đồng thời, Ủy ban Liên hợp cũng có trách nhiệm phản hồi lại quan ngại của các bên trong quá trình Tham vấn trước.

Dự thảo Báo cáo Rà soát Kỹ thuật của MRC về các văn bản dự án đập Pak Beng, bao gồm Đánh giá Tác động Môi trường (ĐTM) cùng các văn bản dự án khác, đã chỉ ra những lỗ hổng nghiêm trọng trong dữ liệu được cung cấp về nguồn cá, thủy văn và phù sa, đồng thời kết luận rằng tác động xuyên biên giới của dự án vẫn chưa được đánh giá đầy đủ. Một báo cáo rà soát độc lập khác về ĐTM của đập Pak Beng do Tổ chức Sông ngòi Quốc tế (IR) chủ trì thực hiện cũng đã kết luận rằng thông tin từ đơn vị phát triển dự án chưa đầy đủ để có thể đánh giá toàn diện các tác động, dẫn đến hạn chế tính khả thi của các biện pháp giảm thiểu tác động được đề xuất. Phân tích Đánh giá Tác động tích lũy và Xuyên biên giới cho thấy không có sự tham gia thực chất của cộng đồng trong quá trình chuẩn bị nghiên cứu, đồng thời các cộng đồng sẽ bị ảnh hưởng bởi dự án cũng không hề được tham vấn.

Ở cấp quốc gia, các tổ chức xã hội dân sự và cộng đồng địa phương vô cùng lo lắng trước những hạn chế của các cuộc tham vấn tổ chức tại Campuchia, Thái Lan và Việt Nam. Điểm chung của những cuộc tham vấn này là thiếu tính đại diện, đặc biệt là từ phía các cộng đồng bị ảnh hưởng, cũng như hạn chế thông tin được cung cấp và phạm vi thảo luận. Đơn vị phát triển dự án không hề tham dự các cuộc tham vấn cấp quốc gia, vì vậy không thể phản hồi lại các nghi vấn từ phía những người tham dự. Tại Thái Lan, những quan ngại đối với các tác động xuyên biên giới của đập Pak Beng, cùng những hạn chế trong các cuộc tham vấn quốc gia và chia sẻ thông tin đã khiến cộng đồng ven sông Mê Kông Thái Lan đâm đơn kiện Ủy ban sông Mê Kông Thái Lan tới Tòa Hành chính của quốc gia này.

Các cộng đồng Thái Lan vô cùng lo ngại trước những tác động xuyên biên giới của đập Pak Beng. Với vị trí sát biên giới Thái Lan, việc đánh giá đầy đủ những tác động này là vô cùng cần thiết. Hơn thế nữa, việc ra quyết định cần có sự tham gia của các cộng đồng địa phương, bởi sinh kế và nguồn lương thực của họ sẽ bị tác động bởi dự án Pak Beng. Đó là những cộng đồng sống dọc khắp Hạ lưu vực sông Mê Kông, cuộc sống gắn liền với con sông và đang đối mặt với những rủi ro từ việc xây dựng đập.

Ban thư ký MRC đã khẳng định quy trình Tham vấn trước là bước quan trọng nhằm giảm thiểu và hạn chế tối đa những tác động tiêu cực từ đập Pak Beng. Tuy nhiên, trong điều kiện thiếu dữ liệu nền và các đánh giá tác động cần thiết, việc phát triển các giải pháp giảm thiểu khả thi và phù hợp là nhiệm vụ bất khả thi, đặc biệt trong một hệ sinh thái đa dạng và phức tạp như sông Mê Kông. Đập Xayaburi và Don Sahong đã được xây dựng mà không có các nghiên cứu nền cần thiết. Kể cả khi thiết kế của các dự án này đã được cải tiến, việc công bố thông tin về tiến độ thực hiện của các nghiên cứu cũng như hoạt động giám sát tác động là rất hạn chế.

Thủy điện Pak Beng không nên đi theo lối mòn của đập Xayaburi và Don Sahong. Chính phủ các quốc gia Mê Kông cần thúc đẩy thực hiện các nghiên cứu dự án một cách đầy đủ trước khi đưa ra quyết định tiến hành xây dựng con đập, và trước khi các hợp đồng được ký kết và dự án được khởi công.

Thời hạn Tham vấn trước đối với đập Pak Beng cần phải được kéo dài để các quốc gia thành viên MRC có đủ thời gian đánh giá các nghiên cứu bổ sung. Đồng thời, quy trình Tham vấn trước cũng cần cân nhắc những kết luận cuối cùng của Nghiên cứu Hội đồng MRC dự kiến được hoàn thiện vào tháng 12/2017 tới đây. Quá trình đưa ra quyết định cần được sự đồng thuận chung, mang tính khu vực và dựa trên các nghiên cứu khoa học chất lượng cùng nhận thức và hiểu biết sâu rộng hơn về các tác động xuyên biên giới và tích lũy của các dự án đập trên dòng chính sông Mê Kông.

Thông tin liên hệ:

Ông Teerapong Pomun, Giám đốc Viện Cộng đồng Mê Kông, E: teary88@hotmail.com, T: +66 814477969

Ông TEK Vannara, Giám đốc điều hành, Diễn đàn các tổ chức phi chính phủ tại Campuchia, E: vannara@ngoforum.org.kh, T: 85523214429

Ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc, Trung tâm Con người và Thiên nhiên, E: nguyen@nature.org.vn, T: 84435564001

Bà Maureen Harris, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á, Tổ chức Sông ngòi Quốc tế, E: mharris@internationalrivers.org, T: +66 618902602

Leave A Comment

Cập nhật

Cùng tham gia "Bớt củi - Giữ rừng"
Tham gia