Trong hai ngày 29 – 30/05/2008, tại Lương Sơn (Hòa Bình), Trung tâm Con người và Thiên Nhiên (PanNature) đã tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm với báo chí với chủ đề “Phát triển và đánh đổi lợi ích môi trường trong bối cảnh Việt Nam”. Tại đây, các chuyên gia môi trường và nhà báo đã gặp gỡ, trao đổi và khẳng định “đừng đánh đổi lợi ích môi trường vì lợi ích kinh tế”. Tham dự hội thảo có 24 nhà báo đến từ nhiều cơ quan báo chí trong cả nước. Bên cạnh những chia sẻ kinh nghiệm của các nhà báo, hội thảo cũng đã trao đổi cùng các chuyên gia và những người quan tâm đặc biệt đến vấn đề môi trường như nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Mai Ái Trực, GS. Phạm Duy Hiển – nguyên Viện trưởng Viện hạt nhân Đà Lạt, ông Phạm Quang Tú – Viện trưởng Viện tư vấn phát triển (CODE), nhà văn Nguyên Ngọc và đại diện của Cục cảnh sát môi trường. Gần một năm qua, PanNature đã tổ chức nhiều chuyến điền dã với các nhà báo trong cả nước về nhiều vấn đề liên quan tới bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Hội thảo cũng là dịp tổng kết và chia sẻ kinh nghiệm từ những chuyến đi này. Các vấn đề như rừng ngập mặn và nuôi trồng thủy sản ở các tỉnh ven biển Tây Nam Bộ; khai thác tài nguyên rừng – lợi nhuận thuộc về ai; di dân tự do – những hệ quả xã hội và môi trường; những bất cập trong vấn đề quy hoạch các công trình thủy điện vừa và nhỏ…, đã được các nhà báo đưa ra trình bày và thảo luận sôi nổi. Trong đó, vấn đề phá rừng ngập mặn để nuôi tôm được nhiều đại biểu quan tâm nhất. Nghề nuôi tôm phát triển rầm rộ và đem lại đời sống khấm khá hơn cho nông dân ở Tây Nam Bộ nhưng lại đang tàn phá rừng nghiêm trọng. Chỉ trong vòng hơn 20 năm nuôi tôm, diện tích rừng ở Cà Mau đã giảm hơn 1/3, tỉnh Bạc Liêu mất 1.726 ha, Sóc Trăng mất 3.000 ha. Bàn đến vấn đề “lợi ích môi trường và những đánh đổi trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội hiện nay”, GS. Phạm Duy Hiển đã phát biểu: “Thời gian qua, công nghiệp hóa đã làm mất cân bằng hệ sinh thái vốn trường tồn hàng triệu năm. Điều này đã gây ra tình trạng biến đổi khí hậu. Nhiệt độ trái đất đã tăng lên 0,7oC trong hai thế kỷ qua và cứ đà này, nhiệt độ trái đất sẽ tăng lên 5oC vào cuối thế kỷ 21 gây ra thảm họa cho toàn cầu. Một trong những vấn đề mấu chốt để giải quyết tình trạng này là giải quyết triệt để các loại khí thải nhà kính, đặc biệt là khí CO2”. GS Hiển cũng nhấn mạnh: “Để duy trì lợi ích môi trường cho tương lai thì chúng ta cần phải thay đổi tư duy. Trong đó các nhà lãnh đạo phải xác định đường lối phù hợp, nghiên cứu tỷ mỉ những hậu quả có thể xảy ra do sự phát triển từ đó đề ra các chính sách, đường lối để phát triển bền vững. Còn bản thân mỗi chúng ta cần thay đổi các thói quen sử dụng, chi tiêu, tránh lãng phí”. Nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Mai Ái Trực chia sẻ: “Có thể thấy rằng, phát triển kinh tế sẽ luôn đi kèm với vấn đề chuyển đổi sử dụng đất, khai thác tài nguyên, gây thoái hóa và mất an ninh về tài nguyên môi trường. Do đó, trong quá trình phát triển các ngành kinh tế phải cân nhắc kĩ lưỡng để duy trì được lợi ích của tài nguyên, nhằm khai thác được lâu dài và hiệu quả”.
Hội thảo cũng tổ chức một buổi điền dã cho các nhà báo tại hai sân Golf Phượng Hoàng (Lương Sơn, Hòa Bình) và hồ Văn Sơn (Chương Mỹ, Hà Tây) để tìm hiểu vấn đề liên quan giữa các dự án sân golf với quy hoạch môi trường. Kết thúc hội thảo, nhiều đại biểu đã cùng chung nhận định: tăng trưởng kinh tế cần phải đi đôi với việc đảm bảo lợi ích môi trường. Nếu không, hậu quả về lâu dài sẽ vô cùng tai hại và hiểm họa trước mắt là tình trạng biến đổi khí hậu. Trong đó, Việt Nam được nhận định là 1 trong 5 nước sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất.