Bangkok, Thái Lan, ngày 15 tháng 10 năm 2014 – Liên Minh Cứu Sông Mê Kông (StM) ủng hộ việc Mạng Lưới Người Thái thuộc tám tỉnh trên lưu vực sông Mê Kông (dưới đây gọi là Mạng lưới) ngày hôm nay đã gửi tới Tòa án Hành chính Thái Lan lời kêu gọi ra phán quyết đình chỉ Hợp đồng mua bán điện (PPA) từ con đập Xayaburi, con đập đầu tiên được xây dựng hạ nguồn dòng chính sông Mê Kông.
“Phán quyết này sẽ là động thái tiếp nối quyết định của Tòa án Hành chính Tối cao của Thái lan ngày 24 tháng 6 năm 2014 chấp nhận đơn kiện của Mạng lưới về tính pháp lý của PPA tại Thái Lan, mặc dù dự án được triển khai tại Lào – Luật sư Sor. Rattanamanee Polkla, điều phối viên của Trung tâm Community Resource cho biết. “Với những rủi ro môi trường và xã hội xuyên biên giới liên quan đến dự án, toàn bộ việc xây dựng con đập và các khâu đầu tư tiếp theo phải dừng lại đến khi tòa án đưa ra phán quyết cuối cùng.”
Cơ quan điện lực Thái Lan (EGAT) đã ký kết PPA năm 2011 mua 95% lượng điện do dự án thủy điện Xayaburi tạo ra và hợp đồng này đã được các cơ quan chức năng của chính phủ Thái Lan phê chuẩn. Nếu không có PPA này, dự án Xayaburi sẽ không khả thi về mặt kinh tế. Tuy nhiên EGAT gần đây đã công khai thừa nhận rằng họ không cần đến lượng điện được tạo ra bởi dự án. Các nghiên cứu độc lập kết luận EGAT đã dự tính quá mức nhu cầu điện năng của Thái Lan và cơ quan này cũng không nghiên cứu các phương án phát điện có tiềm năng rẻ hơn hoặc xanh hơn.
Thừa nhận các tác động xuyên biên giới tiềm ẩn của đập Xayaburi, Tòa án hành chính tối cao Thái Lan đã đưa ra phán quyết rằng: “Dự án Xayaburi có thể gây ảnh hưởng đến môi trường, chất lượng nước, lưu lượng dòng chảy và sự cân bằng sinh thái của lưu vực sông Mê Kông cũng như các tác động xuyên biên giới khác đối với các nước ven sông, đặc biệt là với các cộng đồng địa phương tại các tỉnh ven sông của Thái Lan, những cộng đồng có thể sẽ phải chịu những tác động sâu rộng về chất lượng môi trường, sức khỏe cộng đồng, vệ sinh, sinh kế, và các lợi ích cộng đồng khác”. EGAT đã không thực hiện đánh giá tác động môi trường (EIA) tại Thái Lan cho đập Xayaburi, cũng như chưa tiến hành tham vấn công khai một cách đầy đủ.
Hơn nữa, Tòa án cũng phán quyết rằng các cộng đồng thuộc Mạng lưới của Thái Lan “có quyền tham gia quản lý, bảo tồn và khai thác các tài nguyên thiên nhiên và môi trường (bao gồm cả đa dạng sinh học của dòng sông) một cách cân bằng và bền vững, để họ có thể sống một cuộc sống bình yên trong một môi trường không ảnh hưởng tới sức khỏe, phúc lợi và chất lượng cuộc sống của họ. ”
Dự án này cũng đang gây ra sự bất đồng quan điểm giữa các nước láng giềng lưu vực sông Mê Kông. Các khuyến nghị của chính phủ hai nước Campuchia và Việt Nam đã kêu gọi hoãn các quyết định tiếp theo liên quan đến đập dòng chính Mê Kông, bao gồm cả đập Xayaburi, cho đến khi các nghiên cứu của Ủy hội sông Mê Kông và của Việt Nam được hoàn thành. Tại Hội nghị Cấp cao Mê Kông lần thứ hai vào tháng Tư năm nay, Campuchia và Việt Nam cũng lặp lại những khuyến nghị trong Đánh giá môi trường chiến lược của MRC năm 2010, kêu gọi đình chỉ 10 năm việc xây dựng tất cả các con đập trên dòng chính sông Mê Kông. Kiến nghị đó cho thấy rằng quyết định về tương lai của các con đập trên dòng chính sông Mê Kông phải được dựa trên nghiên cứu và những hiểu biết toàn diện về tác động đối với tất cả các quốc gia Mê Kông.
“Chúng tôi khẳng định quyền của các cộng đồng trên sông Mê Kông trong việc nghiên cứu sâu hơn các tác động, tiếp cận với các thông tin và các tham vấn công khai. Chúng tôi lên án hành vi vi phạm các quyền này của chính phủ Thái Lan trong việc ký kết PPA – Luật sư Đặng Đình Bách, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát Luật và Chính sách Phát triển Bền Vững nói. “Vụ kiện này đặt ra một tiền lệ cho các quyết định trong các hợp đồng năng lượng với những tác động xuyên biên giới, với trách nhiệm tiến hành tham vấn một cách có ý nghĩa và đánh giá tác động xuyên biên giới. Chúng tôi kỳ vọng rằng vụ kiện này sẽ là vụ kiện đầu tiên trong số những vụ kiện tiếp theo và chúng tôi kêu gọi Tòa án hành chính Thái Lan nhanh chóng đưa ra quyết định rằng PPA của dự án Xayaburi là bất hợp pháp. ”
Cứu sông Mê Kông (Save the Mekong) là một liên minh tập hợp các tổ chức phi chính phủ, người dân địa phương, các viện nghiên cứu, các nhà báo, nghệ sĩ và những người dân từ các nước lưu vực Mekong và quốc tế, hoạt động vì mục đích giữ gìn một dòng chảy tự do cho các thế hệ hiện tại và tương lai. Để biết thêm thông tin vui lòng truy cập: www.savethemekong.org. |