Theo thống kê chưa đầy đủ của Trung tâm Con người và Thiên nhiên (thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kĩ thuật Việt Nam), tính đến nay, cả nước hiện có 268 thủy điện lớn, vừa và nhỏ đã đi vào vận hành, 205 dự án đang được xây dựng.
Ngoài đáp ứng nhu cầu quan trọng về năng lượng quốc gia thì việc phát triển quá nhanh, quá nóng nếu không nói là đang rơi vào tình trạng phát triển ồ ạt của thủy điện hiện nay đang bộc lộ những bất cập. Trong đó đáng chú ý nhất là việc tác động đến môi trường, sinh thái, an sinh và xã hội.
Đáng chú ý nhất về việc bất cập, mất nhiều hơn được này phải kể đến một số lượng lớn đất lâm nghiệp, nông nghiệp và các loại đất khác đã mất đi vì “nhường phần” cho thủy điện. Theo ước tính của Bộ Công thương từ năm 1995 đến nay đã có khoảng 50.000ha đất vĩnh viễn mất đi trong “cơn sốt” thủy điện.
Đất mất, sự xuất hiện của thủy điện còn làm biến dạng các dòng chảy tự nhiên, giảm sút lượng phù sa bồi đắp hàng năm cho các khu vực hạ lưu. Vấn đề này đã làm chi phí về đầu tư trồng trọt của người dân tăng lên, giảm sự phong phú của các nguồn cá tôm.
Theo thống kê tại 21 dự án thủy điện ở 12 tỉnh đã làm ảnh hưởng đến khoảng 75.000 hộ dân khiến họ phải di cư, ảnh hưởng đến sinh kế, đời sống và văn hóa.
An sinh và thủy điện chưa bao giờ được đặt ra, gây sự chú ý như trong thời gian này, giữa hai mặt được và mất của nó. Ngay tại tỉnh đầu nguồn Hà Giang, trong “cơn sốt” thủy điện những năm qua, với thời gian ngắn đã có tới 72 thủy điện lớn nhỏ ra đời.
Thủy điện phát triển ở Hà Giang, lợi cũng có nhưng kéo theo đó là việc mất đất, mất nhà, sạt lở đường sá… đã xảy ra ở nhiều nơi. Và đặc biệt, sự ra đời của thủy điện tại khu vực này đã đem đến con số nợ đến gần 60 tỷ đồng tiền phí dịch vụ môi trường rừng. Để đến nỗi nhiều người dân phải thốt lên rằng: Thủy điện chưa cho dân được cái gì nhưng đã ăn của dân nhiều thứ quá.
Phải chăng, đã đến lúc cần có cái nhìn kĩ lưỡng hơn nữa về một vấn đề – đó là thủy điện!