Trong thời kỳ phát triển kinh tế mạnh mẽ hiện nay, Trung Quốc và các quốc gia Asean đều đang phải giải quyết mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế và bảo vệ các hệ sinh thái, vì thế hai bên đang thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ trên cả phương diện nghiên cứu và bảo tồn đa dạng sinh học nhằm đảm bảo quá trình kinh tế phải đi đôi với bảo tồn đa dạng sinh học chung cho cả khu vực. Đó là phát biểu của Tiến sĩ Trương Phong Xuân (Trung tâm Nghiên cứu Đa dạng sinh học thuộc Viện Môi trường Trung Quốc) tại Hội nghị Quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học của khu vực do Chương trình Bảo vệ môi trường toàn cầu và Chương trình phát triển Liên Hợp quốc tài trợ tổ chức.
Hội nghị diễn ra từ ngày 18-20/10, tại thành phố Nam Ninh (Trung Quốc) với sự tham gia của hơn 80 chuyên gia và đại diện các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực môi trường từ ba quốc gia Trung Quốc, Việt Nam và Thái Lan.
Phát biểu tại hội thảo, ông Trương Phong Xuân (Zhangfeng Chun) cho hay, qua nhiều năm phát triển, công tác bảo tồn đa dạng sinh học của Trung Quốc đã có nhiều thành tựu đáng kể. Hiện tại, Trung Quốc đã thành lập khoảng 2740 khu bảo tồn, hơn 90% các hệ sinh thái trên cạn và 90% các loài động thực vật hoang dã trọng điểm đã được bảo tồn nhờ hệ thống khu bảo tồn quốc gia.
Ông Trương Phong Xuân cho rằng, các quốc gia trong khu vực ASEAN có những khác biệt lớn trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học, hệ thống quản lý bảo tồn của các quốc gia cũng chưa được kiện toàn. Vì vậy, Trung Quốc và khối ASEAN có nhiều cơ hội và cần hợp tác nhiều hơn nữa trong lĩnh vực này.
Ông Trương Dĩnh Dật (Zhang Ying Yi), đại diện Quỹ Quốc tế Bảo tồn động thực vật hoang dã (WWF) tại Trung Quốc nhận định: khu vực biên giới của Việt Nam và hai tỉnh Vân Nam, Quảng Đông (Trung Quốc) là khu vực trọng điểm về đa dạng sinh học, tập trung nhiều các quần thể động thực vật đặc hữu và là “vành đai thực vật” quan trọng của Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á.
Năm 2005, Trung Quốc và Ngân hàng Phát triển Châu Á đã hợp tác đề xuất: “Chương trình môi trường trọng điểm và sáng kiến hành lang bảo tồn đa dạng sinh học (CEP-BCI) khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng với sự tham gia của 6 quốc gia là: Trung Quốc, Việt Nam, Myanmar, Lào và Thái Lan. Tính tới thời điểm hiện tại, chương trình này vẫn đang phát triển thuận lợi.
Ông Hoàng Xuân Thủy, Phó giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) chia sẻ: “Việt Nam đang trên đà suy giảm đa dạng sinh học nghiêm trọng. PanNature đang tích cực hợp tác với các tổ chức bảo vệ môi trường quốc tế để tìm ra những biện pháp bảo tồn đa dạng sinh học hiệu quả.”
Ông Thủy cũng bày tỏ: “Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển kinh tế mạnh mẽ, cùng lúc phải giải quyết hai với vấn đề lớn là giảm nghèo và bảo vệ môi trường. Trung Quốc là quốc gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học, hy vọng trong tương lai Trung Quốc có thể giúp đỡ Việt Nam về nhân lực, kỹ thuật, nguồn vốn và tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước trong công tác ngăn chặn tội phạm vềđộng thực vật hoang dã xuyên biên giới.”
Trung tâm Nghiên cứu động thực vật hoang dã Đông Nam Á do Viện Khoa học Trung Quốc cùng Cơ quan Bảo vệ môi trường và tài nguyên Myanmar thành lập đã chính thức hoạt động, đưa việc hợp tác trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và nghiên cứu đa dạng sinh học của Trung Quốc và các quốc gia ASEAN lên một tầm cao mới.