Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) vừa chính thức kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi luật, quản trị rừng, thương mại gỗ và sản phẩm gỗ (VPA/FLEGT) vào ngày 18.11.
Đây được xem là cơ hội lớn cho ngành gỗ Việt Nam trong đẩy mạnh xuất khẩu, xây dựng thương hiệu trên thị trường EU và toàn cầu.
Ông Trần Thiên, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Hòa (Bình Định) chuyên thu mua và nhập khẩu gỗ nguyên liệu về phân phối cho các doanh nghiệp chế biến, cho biết so với 10 năm trước, nhìn chung nguồn gỗ chế biến của Việt Nam hiện nay đã sạch hơn rất nhiều. “Đơn cử trước đây chúng tôi chỉ có 50% sản phẩm có chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) thì nay đã tăng đến 90%. Khi tham gia VPA/FLEGT, sản phẩm có chứng chỉ sẽ bán được giá cao hơn và không phải mất thời gian chứng minh nguồn gốc sản phẩm khi xuất hàng qua đó. Đây là thuận lợi rất lớn cho doanh nghiệp, là cơ hội để sản phẩm gỗ của chúng ta có vị thế cao và cạnh tranh tốt hơn trên thị trường EU nói riêng và thế giới nói chung. Các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có khả năng cạnh tranh trong sân chơi này”, ông Thiên nhận định.
Công ty TNHH Trường Sơn (Bình Định) chuyên sản xuất sản phẩm bàn ghế gỗ ngoài trời phục vụ thị trường EU nên lãnh đạo doanh nghiệp này cũng quan tâm đến Hiệp định VPA/FLEGT từ rất sớm. Ông Bùi Bảo Tín, Phó giám đốc công ty, cho biết EU là một thị trường khó tính và yêu cầu cao về chất lượng. Bên cạnh đó, thị trường này còn hướng tới việc sử dụng các sản phẩm ít gây tác động đến môi trường và bảo đảm xu hướng phát triển bền vững. Họ chỉ chấp nhận những sản phẩm rừng trồng có nguồn gốc rõ ràng. “Chúng tôi tin tưởng Hiệp định VPA/FLEGT sẽ tạo cơ hội cho sản phẩm gỗ Việt Nam vào EU thuận lợi hơn vì không phải mất thêm thời gian chứng minh nguồn gốc. Còn những doanh nghiệp chưa quen sẽ thấy khó khăn, vì có thể phát sinh thêm một số loại giấy tờ so với các thị trường khác”, ông Tín nói.
Cũng nhìn thấy được những cơ hội mà VPA/FLEGT mang lại, ông Phạm Văn Quế, Phó giám đốc Công ty MDF VINAFOR Gia Lai – một đơn vị sản xuất ván ép từ rừng trồng và sản phẩm trung gian của nhiều mặt hàng gỗ xuất khẩu của Việt Nam, cho biết nhà máy của công ty có công suất 54.000 m3 sản phẩm/năm, trong đó 50% sản phẩm có chứng chỉ FSC. Tuy nhiên, do giá bán cao hơn gỗ thường một chút nên rất khó có đầu ra, nhiều lúc công ty phải bán bằng giá với gỗ thường. Nay Hiệp định VPA/FLEGT sẽ là lối mở để thúc đẩy sản xuất mở rộng thị trường.
Để chuẩn bị cho Hiệp định VPA/FLEGT, từ giữa năm 2014 Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT), Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) và Trung tâm con người và thiên nhiên (PanNature) cùng tiến hành khởi động dự án “Tiếp cận chung tới tiến trình VPA tại Việt Nam”. Dự án nhằm hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong tiến trình đàm phán và góp phần đưa ngành chế biến xuất khẩu gỗ Việt Nam phát triển bền vững, phù hợp với quy định quốc tế. Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc dự án thuộc WWF, nói: “Thị trường EU chiếm 13% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam. Hiệp định được ký kết sẽ giúp Việt Nam xây dựng thương hiệu gỗ không chỉ ở riêng thị trường châu Âu mà cả trên bình diện quốc tế. Đó cũng là một cam kết của Việt Nam về việc sản xuất và kinh doanh gỗ bền vững, đảm bảo vấn đề về môi trường. Đây là xu hướng của thế giới, vì không chỉ Việt Nam mà có đến 9 nước sản xuất gỗ lớn trên thế giới đàm phán với EU về vấn đề này. Trước Việt Nam, Indonesia là nước đầu tiên ký kết hiệp định với EU và vừa mới xuất những lô hàng đầu tiên sang thị trường này”.
Tất nhiên, bên cạnh những thuận lợi cũng có một số khó khăn. Theo nhận định của một số hiệp hội gỗ ở các địa phương, số doanh nghiệp hiểu về Hiệp định VPA/FLEGT chưa nhiều. Đại diện các hiệp hội cũng kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước cần có giải pháp để tránh phát sinh các loại giấy tờ, thủ tục gây phiền hà và phát sinh chi phí cho doanh nghiệp.
Báo cáo của Bộ NN-PTNT cho biết xuất khẩu gỗ tính đến hết tháng 11 ước đạt 6,2 tỉ USD, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2015. Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc là 3 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, chiếm 69% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Nhập khẩu mặt hàng này trong 11 tháng đạt 1,6 tỉ USD, giảm 17,3% so với cùng kỳ năm 2015. Thị trường nhập khẩu chính của mặt hàng này là Trung Quốc và Mỹ.