Limitless customization options & Elementor compatibility let anyone create a beautiful website with Valiance.

Liên hệ

NV 31, Khu đô thị Trung Văn, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội +024-3556-4001 contact@nature.org.vn Mở cửa: 8:00 - 17:30 Thứ Hai - Thứ Sáu

Chiều 7/12/2016, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức “Sự kiện Gặp gỡ 2016 vì Hợp tác và Phát triển” nhằm giới thiệu và ghi nhận các mô hình phát triển bền vững do các tổ chức khoa học và công nghệ thực hiện.

Ông Trịnh Lê Nguyên – Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên nhận thư ghi nhận từ lãnh đạo VUSTA
Mô hình Ban tự quản lâm nghiệp Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn – Ngổ Luông được trao tặng danh hiệu Mô hình phát triển bền vững tiêu biểu 2016

Trong số 12 sáng kiến được vinh danh Mô hình Phát triển bền vững tiêu biểu năm 2016 có Mô hình “Ban tự quản lâm nghiệp bảo vệ rừng đặc dụng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn – Ngổ Luông”  do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) thực hiện.

Mô hình này hoạt động theo hướng huy động cộng đồng tham gia bảo vệ rừng và phát triển đời sống thông qua thành lập Ban tự quản lâm nghiệp ở thôn, chịu trách nhiệm tổ chức cộng đồng phối hợp với Ban quản lý Khu bảo tồn tuần tra bảo vệ rừng và điều hành Quỹ cộng đồng cho vay hỗ trợ sản xuất nông nghiệp. Mô hình gắn kết giữa bảo vệ rừng với phát triển kinh tế của các hộ trong thôn bản, nâng cao quyền tự chủ của người dân, liên kết cộng đồng trong nỗ lực bảo vệ rừng và phát triển đời sống thông qua một tổ chức đại diện do cộng đồng bầu ra.

Theo đó, mỗi thôn được hỗ trợ 50 triệu đồng dùng làm quỹ cho Ban tự quản lâm nghiệp để hỗ trợ công tác tuần tra rừng và cho các hộ vay phát triển trồng trọt hoặc chăn nuôi. Các hộ dân trong thôn khi tham gia góp ngày công tuần tra bảo vệ rừng luân phiên (mỗi hộ 1-2 công hàng tháng) và được vay vốn mua giống cho sản xuất nông nghiệp, trả vào cuối vụ thu hoạch. Người dân tự bỏ công sản xuất, trả lãi theo từng vụ. Chính quyền xã và Ban quản lý Khu bảo tồn hỗ trợ về mặt kỹ thuật và thực thi công tác tuần tra cộng đồng. Mở cơ chế cho phép cộng đồng được hưởng lợi theo phần trăm từ tiền xử phạt vi phạm lâm luật và tiền thanh lý các tang vật vi phạm. Số tiền thu được này gộp vào Quỹ của Ban tự quản, dùng với mục đích chung cho cộng đồng.

Mô hình nằm trong khuôn khổ dự án “Sự tham gia của các tổ chức bảo tồn địa phương trong quản lý và bảo vệ rừng đặc dụng” do Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Ford tài trợ, do PanNature và Tổ chức bảo tồn động thực vật hoang dã thế giới (FFI) triển khai tại 03 khu bảo tồn ở Hòa Bình, Yên Bái và Hà Giang. Tại Hòa Bình, PanNature cùng các đối tác thực hiện tại Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn – Ngổ Luông, trên phạm vi 5 thôn của 4 xã thuộc hai huyện Lạc Sơn và Tân Lạc của tỉnh Hòa Bình, với khoảng 400 hộ dân tham gia. Hiện mô hình đã được chuyển giao lại cho Ban quản lý Khu bảo tồn, trong đó Ban tự quản lâm nghiệp ở 5 thôn thí điểm vẫn được duy trì, thậm chí trong năm 2014, Khu bảo tồn Ngọc Sơn -Ngổ Luông còn mở rộng mô hình ra hai thôn khác.

Sau thời gian thực hiện, mô hình đã đạt được những thành quả nhất định:

Đời sống kinh tế của người dân được cải thiện: Những hộ dân tham gia mô hình, có cam kết bảo vệ rừng được vay vốn ưu đãi một cách dễ dàng để mua phân và giống đầu vụ sản xuất, trả tiền vào cuối vụ. Nhờ đó nhiều hộ đã có cơ hội để mở rộng diện tích/số lượng nuôi trồng, đầu tư thêm vào những cây trồng vật nuôi mới có giá trị cao hơn thông thường; tiết kiệm được chi phí sản xuất so với việc phải vay từ các doanh nghiệp buôn bán vật tư nông nghiệp.

Nâng cao năng lực nhận thức cho người dân: Do mô hình có sự tham gia rộng rãi của toàn bộ các hộ trong cộng đồng thông qua tổ chức đại diện của mình là Ban tự quản lâm nghiệp nên năng lực và nhận thức của người dân về bảo vệ rừng và về cải thiện đời sống được tăng lên, thông qua những hoạt động cụ thể về tuần tra và về sản xuất nông nghiệp. Năng lực của cộng đồng cũng được tăng lên do có sự tổ chức và phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng về bảo vệ rừng. Nhận thức của các hộ dân trong cơ chế cộng đồng cùng bảo vệ rừng đã có những thay đổi đáng kể.

Tác động về chính sách: Mô hình đầu tư và tổ chức cộng đồng vùng đệm theo Ban tự quản lâm nghiệp đã đáp ứng ngay được chính sách của nhà nước ban hành trong Quyết định 24/2012/TTg về hỗ trợ mỗi thôn bản trong vùng đệm 40 triệu đồng/năm. Việc thực hiện mô hình cũng làm thay đổi nhận thức và thái độ của chính quyền địa phương và ban quản lý khu bảo tồn đối với vai trò của người dân trong quản lý bảo vệ rừng, nâng cao sự phối hợp và quan hệ hợp tác giữa chính quyền và người dân trong lĩnh vực này. Mô hình cũng là thí điểm cho việc thúc đẩy chính sách về đồng quản lý và chia sẻ lợi ích trong rừng đặc dụng, một chính sách đang được Bộ NN&PTNT chịu trách nhiệm xây dựng.

Góp phần bảo vệ rừng: Rừng trong địa bàn các xã thực hiện mô hình được bảo vệ tốt hơn, số vụ vi phạm rừng giảm đáng kể (tới 80%) khi thực hiện mô hình.

Với những giá trị và đóng góp mang lại, mô hình đã được nhiều đơn vị, tổ chức tới tham quan, học hỏi như: VQG Bidoup- Núi Bà. Hiện Khu bảo tồn Ngọc Sơn Ngổ Luông đang nỗ lực phát triển và nhân rộng ra các thôn bản thuộc phạm vi Khu bảo tồn.

Leave A Comment

Cập nhật

Cùng tham gia "Bớt củi - Giữ rừng"
Tham gia