Limitless customization options & Elementor compatibility let anyone create a beautiful website with Valiance.

Liên hệ

NV 31, Khu đô thị Trung Văn, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội +024-3556-4001 contact@nature.org.vn Mở cửa: 8:00 - 17:30 Thứ Hai - Thứ Sáu
  • Comments Off on Hội thảo Bảo tồn ĐDSH và Phát triển bền vững ở KV Miền Trung và Tây nguyên lần II

Hội thảo quốc tế lần thứ 2 với chủ đề: “ Đồng quản lý Tài nguyên thiên nhiên – Những mô hình tốt và đề xuất chính sách” nhằm tạo ra diễn đàn cho cộng đồng và các tổ chức xã hội chia sẻ những mô hình, bài học tốt về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

Hội thảo quốc tế lần thứ 2 với sự tham gia của hơn 150 đại biểu trong và ngoài nước diễn ra vào ngày 29 – 30/6/2019 tại Đà Nẵng, với chủ đề: “ Đồng quản lý Tài nguyên thiên nhiên – Những mô hình tốt và đề xuất chính sách”. Hội thảo được phối hợp tổ chức bởi Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP. Đà Nẵng; Trung tâm Bảo tồn ĐDSH Nước Việt Xanh (GreenViet) TP. Đà Nẵng; Trung tâm Con người & Thiên nhiên (PanNature), TP. Hà Nội; Nhóm Nghiên cứu – Giảng dạy “Môi trường & tài nguyên sinh vật”, Đại học Đà Nẵng (DN_EBR).

Hội thảo nhằm tạo ra diễn đàn cho cộng đồng và các tổ chức xã hội chia sẻ những mô hình, bài học tốt về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên (TNTN) ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Các đại biểu bao gồm các Tổ chức xã hội, Chủ rừng, Cộng đồng dân cư, Nhà Khoa học, Chính quyền, Trường Đại học, Cao đẳng từ tất cả các tỉnh thành trong nước và người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam, tham gia trình bày và trao đổi tại hội thảo về các mô hình đa dạng về bảo vệ và quản trị tài nguyên thiên nhiên ở miền Trung và Tây Nguyên; Nêu lên những vai trò quan trọng của người dân trong giám sát quản trị tài nguyên thiên nhiên; Chia sẻ các thông tin về du lịch sinh thái hướng đến thúc đẩy phát triển bền vững.

Ths. Nguyễn Đức Tố Lưu – Trưởng phòng Quản trị tài nguyên, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) với bài tham luận về “Đồng quản lý rừng ở Việt Nam – Những cách tiếp cận và thực tiễn” đã đưa ra các mục tiêu, yêu cầu rõ ràng về tính hiệu quả , hiệu suất, bền vững và công bằng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững rừng đặc dụng, cũng như đảm bảo được lợi ích thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, bài tham luận đưa ra góc nhìn từ nhu cầu sinh kế người dân địa phương để thấy  được nguyên nhân gốc rễ của vấn đề dẫn đến tác động đến tài nguyên rừng. Sau các nhận xét về các khía cạnh tiếp cận sinh kế đó và phân tích quá trình thay đổi trong chế độ quản lý rừng, các bài học kinh nghiệm về đồng quản lý bảo vệ rừng được đưa ra để hỗ trợ cho hai mục tiêu về nâng cao sinh kế và bảo tồn rừng.

Mô hình đồng quản lý mặt nước tại hồ Lắk – tỉnh Đắk Lắk được ThS Phạm Diệu My thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Xã hội (CSRD) chia sẻ tại buổi hội thảo cũng đã đưa ra các kết quả và bài học kinh nghiệm, từ các phân tích về thực trạng về đa dạng sinh học, tình hình quy hoạch và khai thác tài nguyên tại khu vực dự án. Đưa ra các hoạt động có tính hợp lý, khả thi hướng đến phát triển bền vững như:  Lựa chọn, phục hồi và nâng cao năng lực cho chi hội nghề cá hồ Lắk, đã đạt được một số kết quả tích cực về việc phổ biến và tập huấn về tài nguyên thiên nhiên, kỹ năng lãnh đạo, làm việc nhóm, lập kế hoạch sản xuất. Từ những phân tích về thách thức và ưu điểm của mô hình đồng quản lý, dự án đã đưa ra kiến nghị phù hợp với môi trường pháp lý Thủy sản của vùng dự án; Tư cách pháp nhân của nhóm cộng đồng và phụ thuộc vào năng lực cộng đồng, tài chính và cách vận hành. Quy chế được thảo luận và đồng thuận bao gồm cả cách thức phối hợp và trách nhiệm của các bên liên quan.

Các phân tích và mô hình bền vững khác được chia sẻ cho thấy “Đồng quản lý tài nguyên thiên nhiên” chính là công cụ hỗ trợ hài hòa các mối quan hệ giữa bảo tồn Đa dạng Sinh học và cải thiện phát triển kinh tế xã hội. Như tại tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An hiện có các mô hình điểm đang được triển khai như: Mô hình đồng quản lý rác thải; Mô hình đồng quản lý hệ sinh thái rạn san hô; Mô hình đồng quản lý hệ sinh thái rừng dừa nước. Ông Lê Ngọc Thảo đã chia sẻ khung nghiên cứu và xây dựng mô hình thí điểm này, cho thấy các nội dung, hình thức của các mô hình phụ thuộc vào từng đối tượng khác nhau để tạo ra hướng hoạt động du lịch sinh thái phù hợp và bền vững, tạo ra thu nhập cho người dân địa phương. Bên cạnh các bài học kinh nghiệm, các khuyến nghị về sự chuẩn bị, tận dụng tài nguyên địa phương, năng lực cộng đồng vào các sản phẩm, hoạt động sinh thái cũng được đề xuất tại hội thảo.

Bên cạnh các mô hình trong nước còn có các chia sẻ từ đại biểu quốc tế như phần trình bày về “Trường hợp nghiên cứu về Đồng quản lý tài nguyên thiên nhiên xung quanh hồ Biwa ở Nhật Bản” của PGS.TS. Yoshika Yamamoto – Đại học Helan Jogakuin, Nhật Bản. Các phân tích về các khía cạnh về kinh tế, môi trường và các tác nhân xã hội về cách quản lý trong việc bảo tồn thiên nhiên quanh hồ Biwa.

Tại tỉnh Gia Lai, mô hình “Tổ lâm nghiệp cộng đồng” nhằm mục tiêu tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong công tác bảo vệ và phát triển bền vững được triển khai tại 4 đơn vị chủ rừng ở xã Đăk Rong (VQG Kon Ka Kinh, Khu BTTN Kon Cha Rang, Công ty LN Đăk Rong, Công ty Trạm Lập) Ông Bùi Văn Tuấn – Trưởng phòng nghiên cứu Khoa học và bảo tồn thiên nhiên, Trung tâm GreenViet đã chia sẻ và đưa ra các bài học kinh nghiệm từ mô hình này.

Các khu vực rừng được triển khai mô hình đều có tính đa dạng sinh học cao, nhưng đang bị áp lực từ khai thác tự nhiên và lấn chiếm đất rừng làm đất sản xuất vì đời sống của người dân Banah nơi đây chủ yếu phụ thuộc vào tài nguyên rừng. Chính vì thế, tổ LNCĐ được thành lập với chức năng tham mưu cho chính quyền địa phương và chủ rừng về các nội dung đã thảo luận cùng các hộ dân để đảm bảo quyền lợi hợp lý cho người dân; Tuyên truyền vận động các hộ dân tham gia công tác bảo vệ và phát triển rừng tại làng và khu vực. Đặc biệt, mọi hoạt động của tổ chức LNCĐ đều là tự nguyện nguyện vì lợi ích chung cho cộng đồng và được UBND xã công nhận.

Ngoài các chia sẻ về mô hình đồng quản lý tài nguyên thiên nhiên (TNTN) và bài học kinh nghiệm, các kiến nghị cụ thể về mặt chính sách cũng được đề cập qua phần trình bày bởi TS. Nguyễn Đình Anh, Sở KHCN Đà Nẵng. Bài trình bày đã chỉ ra các vấn đề về tình trạng khan hiếm, suy giảm TNTN so với sự tăng trưởng kinh tế xã hội. Mặc dù tiềm năng về nguồn lực nhân lực, tài lực và vật lực dồi dào,  nhưng các chính sách về quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên ở Việt Nam chưa hiệu quả dẫn đến tình trạng TNTN và môi trường bị tác động trầm trọng và gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, thất thu ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, năng lực khai thác tài nguyên còn hạn chế, thiếu đồng bộ, sử dụng nguồn lực tài chính chưa hiệu quả.


Và một số bài tham luận phân tích và chia sẻ các mô hình đồng quản lý TNTN khác.

Qua hai ngày diễn ra, hội thảo thảo quốc tế lần thứ 2  với chủ đề: “ Đồng quản lý Tài nguyên thiên nhiên – Những mô hình tốt và đề xuất chính sách” đã đạt được mục tiêu ban đầu và Trung tâm GreenViet cũng đã học hỏi được những kinh nghiệm, ý tưởng đóng góp từ các đại biểu và hướng đến sự duy trì kết nối này qua những hội thảo tiếp theo với các nội dung đa dạng khác.

Nguồn: GreenViet

Cập nhật

Cùng tham gia "Bớt củi - Giữ rừng"
Tham gia