Một cách tiếp cận mới trong phương thức ứng phó với biến đổi khí hậu, là sử dụng cơ chế tài chính với mục tiêu “giảm” chứ không phải “ngừng” phát thải một cách hiệu quả về chi phí. Đó là cơ chế giảm phát thải nhà kính do mất rừng và suy thoái rừng (REDD).
Ý tưởng này bắt đầu được thảo luận năm 2007 trong Công ước Khung của Liên Hợp Quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (UNFCCC), hội nghị các bên (COP 13) tại Bali và được tiếp tục phát triển thành REDD+ nhờ bổ sung các mục tiêu “quản lý rừng bền vững”, “bảo tồn” và “tăng trữ lượng carbon rừng”.
Một thập niên hành động
Năm 2009, Việt Nam là 1 trong 9 quốc gia đầu tiên được lựa chọn thí điểm Chương trình REDD+ của LHQ (UNREDD) và cũng là một trong những quốc gia đầu tiên nhận được phê duyệt cho đề xuất Sẵn sàng thực hiện REDD+ (R-PIN) thuộc Quỹ đối tác Carbon trong Lâm nghiệp (FCPF) của Ngân hàng Thế giới. Bên cạnh các chương trình quốc gia, nhiều hoạt động dự án REDD+ khác cũng được các tổ chức quốc tế và trong nước thực hiện ở nhiều địa phương với mục tiêu đảm bảo cho sự sẵn sàng tham gia và thực hiện REDD+ của Việt Nam trong tương lai.
Theo báo cáo từ Văn phòng REDD+ Việt Nam, sau 10 năm thí điểm, Việt Nam đã đạt được những bước tiến trong việc tăng cường năng lực cho các bên tham gia, thiết kế chia sẻ lợi ích, đảm bảo an toàn và giám sát, báo cáo, thẩm định. Đặc biệt, cuối năm 2018, Việt Nam là quốc gia đầu tiên của khu vực châu Á – Thái Bình Dương được công nhận đủ điều kiện thanh toán cho các nỗ lực giảm phát thải dựa trên kết quả trong chương trình REDD+.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, REDD+ Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức và tồn tại như: Việc lồng ghép các nội dung REDD+ và kết nối các hợp phần của hệ thống chính sách ngành lâm nghiệp, việc đảm bảo hài hòa mục tiêu REDD+ với các mục tiêu kinh tế – xã hội khác, hay sự phối kết hợp giữa các bên liên quan để đạt được mục tiêu chung…
Tăng sinh kế từ rừng
Gần đây, các quốc gia thực hiện REDD+ (gồm cả Việt Nam) đều có những thay đổi trong cách tiếp cận thiết kế và thực hiện REDD+. Đáng chú ý là sự xuất hiện của cách tiếp cận cảnh quan cấp vùng sinh thái (Regional Landscape Approach) và quản trị chia sẻ thích ứng (Adaptive Collaborative Management Approach – ACMA) thuộc Chương trình Giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (FCPF/REDD+). Cách tiếp cận mới này đặt ra yêu cầu không chỉ đối với các cơ quan Nhà nước, ban quản lý dự án mà cả các tổ chức xã hội dân sự khi tham gia vào tiến trình REDD+ cần phải thảo luận để thống nhất cách hiểu chung và thiết kế được cách tiếp cận tổng thể, phù hợp với tính chất đa ngành, đa lĩnh vực như REDD+ trong bối cảnh Việt Nam.
Trước thực tế cấp bách này, Tổng cục Lâm nghiệp, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam và Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) đã phối hợp tổ chức hội thảo “Thực hiện REDD+ Việt Nam: 10 năm nhìn lại và định hướng tương lai” nhằm tạo diễn đàn chia sẻ, học hỏi giữa các bên, đồng thời tạo điều kiện để các tổ chức xã hội cùng đại diện người dân tham gia, đóng góp cho tiến trình xây dựng, thực hiện REDD+ tại Việt Nam.
Tại hội thảo, ông Ngô Trí Dũng – đại diện Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn quản lý tài nguyên (CORENARM) cho rằng: Năng lực điều phối, quản lý của hệ thống tổ chức thực hiện REDD+ ở nước ta hiện nay còn thiếu và yếu. Ngoài ra những thách thức, khó khăn còn đến từ việc thiếu cơ chế phối hợp đồng bộ và động lực thu hút cộng đồng tham gia vào các hoạt động bảo vệ rừng
Ông Đặng Đức Nghĩa từ Trung tâm Vì sự phát triển bền vững miền núi (CSDM) cho biết: CSDM đã thực hiện dự án về biến đổi khí hậu, thúc đẩy sự tham gia của người dân tộc thiểu số trong REDD+, tăng cường quản lý rừng và sinh kế bền vững tại Thanh Hóa… Qua đó, góp phần nâng cao năng lực và hỗ trợ cho người dân trong bảo vệ rừng, phát triển sinh kế bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến thẳng thắn nhìn nhận những cơ chế, chính sách hiện nay chưa thực sự thu hút sự tham gia của cộng đồng và người dân vào các hoạt động quản lý và bảo vệ rừng. Ông Đặng Đức Nghĩa kiến nghị, trong giai đoạn tiếp theo cần thiết phải nâng cao nhận thức cho người dân và cán bộ địa phương về REDD+; tạo sinh kế bền vững, đặc biệt chú ý giải quyết kể cả những nhu cầu nhỏ nhưng cấp bách của người dân…
Những thách thức chính của Việt Nam chính là các yêu cầu về kỹ thuật, thể chế chính sách và năng lực tổ chức mà chúng ta phải đáp ứng khi thực hiện REDD+. Đó là những vấn đề cấp bách mà chính sách lâm nghiệp của Việt Nam phải giải quyết để thực sự hưởng lợi từ REDD+ và đạt được mục tiêu giảm phát thải thông qua giảm suy thoái rừng và mất rừng mà các quốc gia đang hướng tới.
Nguồn: Dân Việt