Để chống dịch SARS-CoV-2, giới chuyên gia bảo tồn kiến nghị cần xóa bỏ thị trường “chợ đen” về buôn bán các loài động vật hoang dã và quy trách nhiệm đối với lãnh đạo các địa phương để xảy ra vi phạm.
Theo các nghiên cứu trên thế giới, khoảng 70% bệnh truyền nhiễm từ động vật lây sang người hiện nay đều có nguồn gốc từ động vật hoang dã. Không nằm ngoài những cảnh báo trên, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus SARS-CoV-2 (COVID-19) chắc chắn cũng sẽ gây thiệt hại đáng kể cho Việt Nam.
Không thể chủ quan, thời gian qua, các bộ, ngành và các tổ chức phi lợi nhuận hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn dã đã liên tiếp có văn bản gửi Ủy ban Nhân dân các tỉnh đề nghị tăng cường kiểm tra và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ các hành động để giải quyết các mối đe dọa từ buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.
Tuy nhiên, bất chấp nỗi lo dịch bệnh cũng như các chỉ đạo, kiến nghị cấp thiết trên, tại nhiều “điểm đen” về nuôi nhốt, tàng trữ, buôn bán, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã quý hiếm ở trên cả nước, điển hình như chợ nông sản Thạnh Hóa (tỉnh Long An), hoạt động buôn bán bất hợp pháp động vật trong “sách đỏ” vẫn xảy ra.
Để làm rõ hơn về thực trạng trên, phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) – đại diện 14 tổ chức phi lợi nhuận hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã vừa có thư ngỏ gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kiến nghị 7 hành động để đóng cửa “thị trường động vật hoang dã,” phòng chống dịch SARS-CoV-2.
Vẫn còn nhiều “chợ đen” buôn bán động vật hoang dã
– Trên phương diện là tổ chức hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn, ông đánh giá thế nào về tình hình buôn bán “động vật sách đỏ” tại Việt Nam trong những năm gần đây, đặc biệt là thời điểm dịch SARS-CoV-2 đang diễn biến phức tạp hiện nay?
Ông Trịnh Lê Nguyên: Tình hình buôn bán trái phép các loài động thực vật hoang dã tại Việt Nam trong những năm gần đây vẫn diễn ra khá sôi động và phức tạp.
Số liệu mới nhất do Cơ quan Điều tra Môi trường (EIA) công bố năm 2019 cho thấy trong khoảng 15 năm gần đây, trong số các vụ bắt giữ buôn bán động vật hoang dã tại Việt Nam hoặc liên quan đến Việt Nam có ít nhất 105,72 tấn ngà voi (khoảng 15.779 cá thể); 1,69 tấn sừng tê giác (ước tính từ khoảng 610 cá thể tê giác); da, xương từ ít nhất 228 cá thể hổ, và cơ thể và vảy của 65.510 cá thể tê tê.
Trước đó, thống kê của Hiệp hội Bảo tồn Động vật hoang dã – Chương trình Việt Nam và Cục Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin cũng khẳng định trong thời gian 5 năm (1/2013 – 12/2017), có đến 1.504 vụ việc vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã bị phát hiện, ngăn chặn và xử lý; 41.328 kg cá thể và sản phẩm bị thu giữ; 1.461 đối tượng vi phạm và 432 bị cáo bị đưa ra xét xử.
Trong bối cảnh dịch SARS-CoV-2 tiếp tục bùng phát mạnh và diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, các cơ quan chức năng ở Việt Nam cũng đã có các thông báo, chỉ thị cho chính quyền địa phương nhằm thắt chặt kiểm tra, kiểm soát hoạt động buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã để ngăn ngừa dịch bệnh.
Việc thừa nhận các mối đe dọa từ buôn bán động vật hoang dã, đặc biệt là khả năng lây truyền dịch bệnh từ động vật hoang dã sang người được xem là lời cảnh tỉnh cho xã hội, cộng đồng và các cá nhân đã, đang, sẽ lựa chọn, sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã. Đây cũng là cơ hội để các quốc gia rà soát, sửa đổi và thực thi nghiêm các quy định pháp luật liên quan đến bảo tồn động vật hoang dã và ngăn chặn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.
Tuy nhiên, trên cả nước, hiện nay vẫn còn tồn tại rất nhiều địa điểm, chợ buôn bán động vật hoang dã quy mô lớn nhỏ khác nhau; trong đó không ít điểm buôn bán cả những loài động vật nguy cấp, quý, hiếm, được ưu tiên bảo vệ. Bên cạnh đó, các nhà hàng đặc sản tiêu thụ các loài động vật hoang dã vẫn lén lút hoạt động và nguồn cung cấp vẫn được duy trì dù không còn nhộn nhịp, công khai như trước.
Điều tra của báo chí và một số tổ chức bảo tồn thiên nhiên cũng cho thấy nhiều trang trại nhân nuôi động vật hoang dã đang được sử dụng làm bình phong để hợp pháp hóa các loài săn bắt ngoài tự nhiên, đưa vào buôn bán.
– Như ông chia sẻ, thời gian qua, trên cả nước xuất hiện rất nhiều điểm buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp, trong đó có những khu chợ buôn bán các loài động vật “sách đỏ” tồn tại tới hàng chục năm như chợ Thạnh Hóa (tỉnh Long An) nhưng đến nay vẫn chưa được “xóa sổ.” Nguyên nhân ở đây là gì?
Ông Trịnh Lê Nguyên: Để diễn ra hiện trạng này, nguyên nhân cơ bản đầu tiên là sự thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương, thiếu chỉ đạo, kiểm tra, đốc thúc các cơ quan chắc năng thuộc quyền thực hiện nhiệm vụ của mình.
Hiện nay, bên cạnh cơ quan kiểm lâm còn có cảnh sát môi trường, quản lý thị trường và một số cơ quan khác có thẩm quyền, nhiệm vụ xử lý các vụ việc liên quan buôn bán động vật hoang dã. Hệ thống văn bản pháp luật quy định, hướng dẫn cũng đã được ban hành khá đầy đủ. Do đó, công tác thực thi pháp luật là yếu tố căn bản để đảm bảo hiện trạng buôn bán động vật hoang dã đã xử lý rốt ráo.
Trong một số trường hợp, các bằng chứng từ điều tra báo chí cũng đã cho thấy có hiện tượng bảo kê, dung túng cho sai phạm của một số cán bộ thực thi pháp luật. Tuy nhiên, điều đáng bàn là sau khi có phản ánh của báo chí, chính quyền địa phương không thực sự xử lý đến nơi đến chốn. Thậm chí, có biểu hiện bao che lẫn nhau.
Đơn cử như trường hợp chợ Thạnh Hóa (tỉnh Long An), chính quyền địa phương và cơ quan chức năng đã thể hiện sự thờ ơ đến lạ thường của cả một khu buôn bán động vật hoang dã trái phép, bất chấp phản ánh nhiều lần, liên tục của người dân và các cơ quan báo chí. Thậm chí khi có sự giám sát trực tiếp tại hiện trường của nhà báo, họ vẫn không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ thực thi pháp luật của mình.
Quy trách nhiệm, phân công nhiệm vụ rõ ràng
– Vậy theo ông, để xử lý dứt điểm tình trạng buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp hiện nay, chúng ta cần có giải pháp gì?
Ông Trịnh Lê Nguyên: Trong thư ngỏ gửi Thủ tướng Chính phủ của 14 tổ chức bảo tồn thiên nhiên mới đây, chúng tôi cũng đã kiến nghị các biện pháp cụ thể để tiến hành đóng cửa thị trường buôn bán động vật hoang dã trái phép, cũng như kiểm soát chặt chẽ, xử lý các hành vi liên quan.
Trước hết, để thực hiện được mục tiêu này, từ cấp cao nhất của Chính phủ cần thể hiện quyết tâm và có chỉ đạo quyết liệt cho phía chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng thực hiện đúng và đầy đủ nhiệm vụ của mình. Lãnh đạo các địa phương phải chịu trách nhiệm cao nhất khi để xảy ra các vụ việc liên quan đến buôn bán động vật hoang dã trái phép trên địa bàn mình.
Đối với các cơ quan thực thi pháp luật, cần có biện pháp kỷ luật nghiêm khắc, thích đáng đối với các trường hợp tiếp tay, bảo kê cho buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã trên địa bàn mình quản lý.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần đánh giá lại chính sách cho phép nhân nuôi động vật hoang dã, cũng như rà soát việc triển khai trên thực tế để đảm bảo những cơ sở này tuân thủ các yêu cầu, không bị biến thành bình phong cho việc hợp pháp hóa nguồn động vật hoang dã trái phép, áp dụng các biện pháp quản lý, giám sát, phòng ngừa dịch bệnh một cách hiệu quả.
Đặc biệt là cần đóng cửa và xử lý nghiêm các cơ sở lợi dụng chính sách này để tham gia vào thị trường buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã trái phép.
– Bên cạnh việc quy trách nhiệm, chúng ta cần có cơ chế giám sát, phối hợp, xử lý thế nào giữa các bộ, ngành và địa phương trước vấn nạn buôn bán động vật hoang dã trái phép vốn “biết rồi, khổ lắm, nói mãi,” thưa ông?
Ông Trịnh Lê Nguyên: Đúng là vấn đề phối hợp, hợp tác giữa các cơ quan chức năng là một khía cạnh cần cải thiện để nâng cao hiệu quả các hoạt động bảo vệ động vật hoang dã. Đấy cũng là một điểm trong khuyến nghị của Thư ngỏ.
Trong thời gian vừa qua, khi ứng phó với tình huống dịch SARS-CoV-2, nhiều cơ quan chức năng cùng tham gia, đóng góp vào công tác ngăn ngừa lây lan, phòng chống dịch. Tuy nhiên, nên có một cơ quan đầu mối, hoặc ít nhất phải có sự phối hợp, thống nhất để đảm bảo có nhiều văn bản chỉ đạo về cùng một nội dung, dẫn đến gây ra lúng túng cho phía địa phương.
Thực tế Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn toàn có thể ra văn bản liên bộ, hoặc tham mưu cho Chính phủ ra văn bản chỉ đạo để đảm bảo tính thống nhất, có sự phối hợp giữa các các cơ quan chức năng.
Về lâu dài, chúng tôi cho rằng cần có sự phân công chức năng, nhiệm vụ rõ ràng hơn về quản lý, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo tồn thiên nhiên và các loài hoang dã giữa hai bộ này để giảm thiểu chồng chéo, tăng cường tính hiệu quả trong việc xây dựng và thực thi chính sách, sử dụng nguồn lực con người và tài chính hiệu quả hơn.
– Nếu Việt Nam quyết liệt “đóng cửa” thị trường buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp như kiến nghị của các tổ chức bảo tồn, các tổ chức phi lợi nhuận hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn sẽ tham gia vào “cuộc chiến” này thế nào?
Ông Trịnh Lê Nguyên: Những năm vừa qua, chúng tôi – các tổ chức quốc tế và Việt Nam đã hợp tác với các cơ quan chức năng trong việc nâng cao năng lực, nghiên cứu, thực hiện các sáng kiến, hỗ trợ thực thi pháp luật, đóng góp vào quá trình xây dựng chính sách, bảo tồn các loài hoang dã khỏi nguy cơ tuyệt chủng…
Thời gian tới, chúng tôi cùng các tổ chức phi lợi nhuận trong nước và quốc tế vẫn sẽ tiếp tục các hoạt động này, cũng như đồng hành với Chính phủ để thực hiện, giám sát và hỗ trợ các nỗ lực nhằm loại trừ vĩnh viễn các hoạt động buôn bán, sử dụng động vật hoang dã trái phép tại Việt Nam.
Trân trọng cảm ơn ông!