Limitless customization options & Elementor compatibility let anyone create a beautiful website with Valiance.

Liên hệ

NV 31, Khu đô thị Trung Văn, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội +024-3556-4001 contact@nature.org.vn Mở cửa: 8:00 - 17:30 Thứ Hai - Thứ Sáu
  • Comments Off on Liên minh Cứu sông Mê Kông ra thông cáo về thủy điện Sanakham

Ngày 2/6/2020 Liên minh Cứu sông Mê Kông đã ra thông cáo gửi tới Ủy hội sông Mê Kông (MRC) và Chính phủ các nước hạ nguồn sông Mê Kông, kêu gọi dừng dự án thủy điện Sanakham. 

Thông cáo này được đưa ra trong bối cảnh ngày 11/5/2020, Ủy hội sông Mê Kông (MRC) thông báo đề xuất dự án thủy điện Sanakham tại Lào sẽ trải qua quy trình tham vấn trước (PNPCA)[1]. Đây là đề xuất dự án thứ sáu trên dòng chính hạ lưu sông Mê Kông.

Theo StM, dự án đập Sanakham tốn kém, không cần thiết và rủi ro, do đó nên bị hủy bỏ. Đập có công suất lắp đặt 684 megawatt (MW), ước tính tiêu tốn hơn 2 tỷ USD và xây dựng trong tám năm. Như vậy, nếu tính trung bình trong hơn tám năm, đập Sanakham sẽ cung cấp 90 MW điện mỗi năm. Điều này kém hiệu quả hơn so với việc tăng cường các dự án năng lượng bền vững vốn đang được triển khai trong khu vực. Đơn cử, từ tháng 4 đến tháng 7 năm 2019, Việt Nam đã sản xuất thêm 4.400 MW điện từ năng lượng mặt trời[2], gấp sáu lần công suất lắp đặt của đập Sanakham.

Tron g khi đó, theo StM, bối cảnh thay đổi nhanh chóng về công nghệ và đầu tư ngành điện làm dấy lên nguy cơ rằng các dự án thủy điện lớn như đập Sankham, vốn phải mất vài năm để xây dựng và tiêu tốn nguồn tài chính lớn từ trước, sẽ lâm vào bế tắc. Biến đổi khí hậu và các dự án thủy điện hiện có ở thượng nguồn khiến dòng chảy và mực nước biến động khó lường, từ đó tác động trở lại lượng điện được tạo ra từ Sanakham và các đập khác trên dòng chính.

Dự kiến, hầu hết nguồn điện tạo ra từ đập Sanakham được xuất khẩu sang Thái Lan. Tuy nhiên, lượng thặng dư điện của Thái Lan hiện tại lớn, thậm chí còn tăng nhiều hơn khi nền kinh tế suy giảm vì đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, đại dịch cũng cho thấy giá trị quan trọng của đất canh tác, rừng, sông, đầm lầy và vùng đánh bắt thủy sản khu vực sông Mê Kông như một mạng lưới an sinh trong thời kỳ khủng hoảng. Việc người dân địa phương tiếp tục tiếp cận các dòng sông và tài nguyên thiên nhiên đóng vai trò quan trọng để đảm bảo một sự phục hồi lành mạnh và công bằng hơn hậu Covid-19.

Hơn nữa, mặc dù đập Sanakham được đề xuất xây dựng trên dòng chính sông Mê Kông, cách biên giới Thái Lan – Lào khoảng hai km về phía thượng lưu nhưng không có các đánh giá cẩn trọng cũng như các tham vấn thực chất về tác động xuyên biên giới của dự án này. Hầu hết nội dung trong Đánh giá tác động môi trường và xã hội xuyên biên giới của đập Sanakham và Đánh giá tác động tích lũy (TBESIA/CIA)[3] đều lỗi thời và sao chép nội dung từ bản đánh giá đập Pak Lay. Ví dụ, các chương về Sự tham gia của người dân, Kết luận và Khuyến nghị đều giống dữ liệu TBESIA/CIA của Pak Lay. Điểm khác biệt duy nhất giữa hai bản đánh giá này chỉ là tên dự án. TBESIA/CIA không tham khảo các nghiên cứu về sông Mê Kông và tác động của thủy điện được công bố trong mười năm qua[4]. Đối với một dự án tác động lên dòng sông xuyên biên giới mà hàng triệu người dựa vào, điều này không thể chấp nhận được, theo StM.

Thay vì tiếp tục tiến hành một quy trình tham vấn sai lầm khác, StM kêu gọi hủy bỏ dự án đập Sanakham và các kế hoạch xây dựng các đập khác trên dòng chính của sông Mê Kông. StM đề nghị chính phủ các nước ở hạ lưu sông Mê Kông và Ủy hội Sông Mê Kông (MRC):

Giải quyết các mối quan ngại bức thiết về tác động của các đập hiện có: Các đập được xây dựng tại khu vực sông Me Kông cùng các nhánh của nó gây ra tác động tích lũy đến môi trường và cộng đồng ven sông, bao gồm các vùng biên giới. Tuy nhiên, các vấn đề hiện tại bao gồm tác động xuyên biên giới, mất sinh kế, ảnh hưởng đến đất đai và sự sống vẫn chưa được giải quyết[5]. 

Thực hiện đánh giá các phương án năng lượng toàn diện, có sự tham gia, ưu tiên chuyển đổi năng lượng: Các đập trên dòng chính của sông Mê Kông là không cần thiết cho nhu cầu năng lượng và nước của khu vực. Thái Lan, nơi được cho là mua nhiều điện từ các đập trên dòng chính, có mức độ dự trữ lớn. Tháng Tư/2020, Bộ Năng lượng Thái Lan cho biết mức dự trữ điện trong năm 2020 của nước này có thể lên tới 40%, tương đương khoảng 18.000 MW.[6] Con số này cao hơn đáng kể so với tổng cộng công suất lắp đặt của tất cả các đập trên dòng chính hạ lưu sông Mê Kông. Trong khi đó, tháng 3 năm 2020, Campuchia tuyên bố dừng kế hoạch xây dựng đập Sambor và Stung Treng trong ít nhất 10 năm.[7] Vì vậy, theo StM, thay vì sử dụng ngân sách vào quy trình tham vấn trước còn nhiều lỗ hổng, các nguồn lực nên trực tiếp đầu tư vào việc đánh giá các phương án năng lượng toàn diện có sự tham gia nhằm định hình tương lai năng lượng bền vững hơn, công bằng hơn và đảm bảo lợi ích kinh tế cho các nước thành viên trong khu vực. Đánh giá này nên ưu tiên vào vấn đề chuyển dịch năng lượng. Cần đảm bảo rằng không có sự thay đổi nghiêm trọng nào đến nguồn tài nguyên khi phát triển, sản xuất, phân phối và tiêu thụ năng lượng nhằm bảo vệ môi trường và quyền lợi của người dân.

Giải quyết các mối quan tâm hàng đầu về quá trình tham vấn trước: StM đã nhiều lần cảnh báo những sai sót nghiêm trọng trong các quy trình tham vấn trước[8]. Những băn khoăn và kiến nghị của xã hội dân sự, chính phủ các nước thành viên MRC và các đối tác phát triển, bao gồm việc kêu gọi cung cấp thêm thông tin và các nghiên cứu liên quan, hiện vẫn chưa được giải quyết. Ngoài ra, không có động thái nào được triển khai để xác thực về chất lượng thông tin được gửi đến quy trình tham vấn trước. Nội dung TBESIA/CIA của Sanakham được sao chép phần lớn từ báo cáo đánh giá đập Pak Lay.

Với tất cả những phân tích trên đây, StM khuyến cáo rằng dự án StM cũng như các dự án dòng chính sông Mê Kông khác phải bị hủy bỏ và khu vực cần hướng tới sự chuyển dịch năn g lượng bền vững, không ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên thiết yếu cũng như nguồn sống của các cộng đồng ven sông. 

Toàn văn Bản thông cáo: Tiếng Anh và tiếng Việt


Tài liệu tham khảo:

[1] Xem thông cáo báo chí của MRC, ngày 11 tháng 5 năm 2020, ‘Laos to undertake prior consultation for Sanakham hydropower project’ (Lào triển khai tham vấn cho dự án thủy điện Sanakham)
[2] Xem ‘Update Vietnam Power Sector’ (Cập nhật về năng lượng Việt Nam), bài phát biểu tại Cuộc họp của Ủy ban Điều phối thương mại năng lượng lần thứ 26, Hà Nội, tháng 11/2019
[3] Xem thông tin về dự án thủy điện Sankaham, ‘Transboundary Environmental and Social Impact Assessment and Cumulative Impact Assessment’ (Đánh giá tác động tích lũy và tác động Môi trường xã hội xuyên biên giới, tháng 10/2018.
[4] Những nghiên cứu này bao gồm nhưng không giới hạn: Báo cáo Đánh giá kỹ thuật dự án dòng chính đề xuất cho tham vấn trước; kết quả và khuyến cáo của Đánh giá Môi trường chiến lược của Thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông năm 2010; kết quả và khuyến cáo của Nghiên cứu Hội đồng của MRC v.v… đã được công bố trên trang web của MRC.
[5] Tham khảo: Lao dam disaster: UN rights experts call for justice two years on (Thảm họa vỡ đập ở Lào: Các chuyên gia Liên hiệp quốc kêu gọi công lý trong 2 năm qua), ngày 29 tháng 4 năm 2020
[6] Công suất lắp đặt của Thái Lan tương đương 45.000MW; 40% là 18.000MW
[7] https://www.theguardian.com/world/2020/mar/20/cambodia-scraps-plans-for-mekong-hydropower-dams
[8] Xem tuyên bố của Liên minh Cứu sông Mê Kông hồi tháng 5/2017 (đập Pak Beng), tháng 7 và tháng 8/2018 (đập Pak Lay); và tháng 10/2019 (đập Luang Prabang)  

Cập nhật

Cùng tham gia "Bớt củi - Giữ rừng"
Tham gia