Limitless customization options & Elementor compatibility let anyone create a beautiful website with Valiance.

Liên hệ

NV 31, Khu đô thị Trung Văn, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội +024-3556-4001 contact@nature.org.vn Mở cửa: 8:00 - 17:30 Thứ Hai - Thứ Sáu
  • Comments Off on Xây dựng thương hiệu và thúc đẩy sản phẩm tiếp cận thị trường để ứng phó BĐKH

Ngày 28/11/2021, Hội Nông dân Lai Châu tổ chức Hội nghị kết nối, giới thiệu các sản phẩm OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) và hướng dẫn xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Sự kiện này nằm trong khuôn khổ Dự án VOF nhằm tăng cường tiếng nói và năng lực của các nhóm nông dân người dân tộc thiểu số dễ bị tổn thương đối với biến đổi khí hậu (BĐKH) ở Tây Bắc Việt Nam.

Được tổ chức với kỳ vọng tạo ra một diễn đàn chung giữa cán bộ địa phương, doanh nghiệp và người dân, Hội nghị là dịp để các bên trao đổi kinh nghiệm xây dựng thương hiệu OCOP, từ đó xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường và kích cầu tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh. 

Hội nghị có sự tham dự của 80 đại biểu, gồm lãnh đạo các sở ban ngành địa phương, đại diện các Doanh nghiệp, Hợp tác xã, cá nhân có sản phẩm OCOP của tỉnh hoặc đang trong quá trình đề nghị Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm, các chuyên gia cùng Ban Quản lý Dự án VOF và nông dân tại hai bản Nà Cà (xã Bình Lư, huyện Tam Đường) và Hợp 1 (xã Bản Lang, huyện Phong Thổ).

Toàn cảnh Hội nghị

Từ năm 2019, khi bắt đầu triển khai Dự án VOF tại Lai Châu, PanNature đã làm việc cùng Hội Nông dân tỉnh để thúc đẩy thành lập hai Nhóm nông dân ứng phó (NDƯP) BĐKH, mỗi nhóm gồm 10 thành viên tại Nà Cà và Hợp 1, nhằm mục tiêu xây dựng các Làng nông nghiệp ứng phó (NNƯP) BĐKH ở đây. Khác với các dự án chỉ tập trung cải tiến kỹ thuật canh tác và chăn nuôi, mô hình này hướng tới thúc đẩy người nông dân sản xuất nông nghiệp trong mối quan hệ hài hòa với điều kiện tự nhiên, tư liệu sản xuất, chính sách và thị trường. Nhóm NDƯP được trực tiếp thảo luận để lựa chọn mô hình nông nghiệp phù hợp với điều kiện tự nhiên và thị trường của từng địa phương, cũng là những người học và trải nghiệm các lớp tập huấn nông nghiệp thông minh, thân thiện với môi trường ngay tại ruộng đồng. Trên hết, các Nhóm được thúc đẩy tham gia lập kế hoạch sản xuất và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, cũng như tìm kiếm thị trường và trở thành đầu mối liên kết dân làng với doanh nghiệp tiêu thụ theo chuỗi cung ứng.

Tham gia Hội nghị, thành viên của hai Nhóm NDƯP tự hào mang tới các sản phẩm khác nhau, là thành quả của sự hợp tác giữa Nhóm và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Canh tác sạch, tuân theo các hướng dẫn kỹ thuật nghiêm ngặt, bản Nà Cà đã có những búp chè được Công ty CP Đầu tư & Phát triển Chè Tam Đường định hướng xuất khẩu châu Âu. Nhờ ký kết hợp tác với Công ty TNHH MTV Giống Vật tư Nông nghiệp Tây Bắc, sản phẩm nếp tan của Nhóm NDƯP bản Hợp 1 được đóng gói bao bì, từng bước đăng ký sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP và đưa vào bán tại các hệ thống siêu thị trong và ngoài tỉnh.

Sản phẩm nông nghiệp canh tác theo phương pháp bền vững, có thể thích ứng với và giảm thiểu tác động của BĐKH sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn cho người dân trong việc tiếp cận thị trường.

Rõ ràng, việc ứng phó BĐKH trong lĩnh vực nông nghiệp không chỉ là vấn đề chuyển đổi sang phương pháp canh tác giúp thích ứng tốt hơn trong điều kiện thời tiết, khí hậu khắc nghiệt và giảm thiểu phát thải gây hiệu ứng nhà kính. Đó còn là câu chuyện thị trường tiêu thụ nông sản, động lực chính giúp người dân thay đổi để có nguồn thu nhập và sinh kế tốt hơn. Nông sản sạch, sản xuất theo những tiêu chuẩn của thị trường và vì lợi ích, sức khỏe của người tiêu dùng, mới có thể tiêu thụ được giá cao và lâu dài, bền vững trước những dao động của nguồn cung và nhu cầu. Xuất phát từ thực tiễn đó, Dự án VOF không chỉ tạo điều kiện cho nông dân áp dụng nông nghiệp thông minh mà còn sử dụng sự chuyển đổi về chất này để tạo ra những nông sản có chất lượng cao, hướng đến những thị trường nông sản sạch với giá trị gia tăng cao.

Dự án “Tăng cường tiếng nói và năng lực của các nhóm nông dân người dân tộc dễ bị tổn thương đối với BĐKH ở Tây Bắc Việt Nam” (VOF) hướng tới hỗ trợ đồng bào người dân tộc tăng cường khả năng phục hồi trước tác động của BĐKH tại vùng Tây Bắc Việt Nam thông qua việc thúc đẩy nông nghiệp thông minh, thích ứng với khí hậu và sự tham gia của người dân vào quá trình ra quyết định. Dự án được thực hiện tại 6 huyện thuộc 2 tỉnh Sơn La và Lai Châu trong giai đoạn 2019-2022.

Dự án do Hiệp hội Tổ chức Xã hội Dân sự Đan Mạch (CISU) tài trợ thông qua Tổ chức Phát triển Nông nghiệp Đan Mạch Châu Á (ADDA). PanNature là đơn vị điều phối các hoạt động, phối hợp thực hiện cùng với Hội Nông dân tỉnh Sơn La và Lai Châu.

Cập nhật

Cùng tham gia "Bớt củi - Giữ rừng"
Tham gia