Limitless customization options & Elementor compatibility let anyone create a beautiful website with Valiance.

Liên hệ

NV 31, Khu đô thị Trung Văn, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội +024-3556-4001 contact@nature.org.vn Mở cửa: 8:00 - 17:30 Thứ Hai - Thứ Sáu
  • Comments Off on Những “nông dân chống trời”

Ở các làng nông nghiệp ứng phó biến đổi khí hậu của Tây Bắc xa xôi có những nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào đồng ruộng, chuyển đổi phương pháp canh tác thích ứng với thời tiết, khí hậu khắc nghiệt thành công. Họ được gọi vui là “nông dân chống trời” khi liên tiếp có những vụ mùa bội thu.

Chuyển đổi nhận thức về bảo vệ môi trường

Nà Cà, làng nông nghiệp ứng phó biến đổi khí hậu tại xã Bình Lư (huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) trải rộng trước tầm mắt du khách những nương chè xanh ngút ngát, thoảng hương chè. Bên đồi chè rộng hơn 1.000 m2 của mình, chị Lò Thị Đôi mỉm cười đầy tự hào: “Đồi chè này được gây dựng 5 năm nay, nhờ nó mà tôi nuôi ba con ăn học khôn lớn”. Song ít ai biết, đằng sau nụ cười là những giọt mồ hôi chắt chiu suốt cả quá trình thay đổi cách thức canh tác để thích nghi với “sự đỏng đảnh” của ông trời.

Ở bản Nà Cà, hầu hết các hộ đều lấy nông nghiệp làm kế mưu sinh. Ngô và lúa đã từng là hai loại cây trồng chủ đạo, nhưng đứng trước thách thức của biến đổi khí hậu, người dân dần dần chuyển đổi sang canh tác chè vì hứa hẹn cho nguồn thu tốt hơn. Hồi ấy, cũng như nhiều người trồng chè khác, chị Đôi không thoát được việc dùng thuốc bảo vệ thực vật để thúc cây chè sinh trưởng. Điều này đẩy hoạt động canh tác nông nghiệp của chị vào vòng luẩn quẩn không bền vững của ô nhiễm-thoái hóa đất-biến đổi khí hậu nặng nề hơn-kinh tế bấp bênh hơn. Thế rồi, các nhà khoa học xuất hiện tại Nà Cà, hỗ trợ nông dân chuyển đổi sang canh tác sạch, thay thế từng phần việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Điều khiến cho những nông dân như chị Đôi cảm thấy bất ngờ, chính là thứ thay thế vốn dĩ có sẵn trong đời sống địa phương. Cứ như thế, mô hình ủ phân từ các phế phẩm nông nghiệp như rơm, rạ, lõi ngô có chỗ trong tập quán canh tác mới…

Từ đây những đồi chè tại Nà Cà xuất ra thị trường sản phẩm chè sạch, có chất lượng cao. Để giải quyết bài toán đầu ra, các nhà khoa học cùng chính quyền địa phương kết nối nhà nông trồng chè với doanh nghiệp. Các doanh nhân bắt đầu tìm đến cam kết đầu tư chăm sóc, hướng dẫn kỹ thuật, thu hái và bao tiêu sản phẩm cho 100% số hộ trồng chè. Đổi lại, trong quá trình canh tác, nông dân Nà Cà phải tuân thủ nghiêm ngặt để sản phẩm chè có thể vào được những thị trường đòi hỏi chất lượng cao như châu Âu, Đài Loan (Trung Quốc). “Ở Nà Cà, giờ đây người nông dân đã ý thức được sản xuất nông nghiệp cũng là một nguồn gây phát thải khí nhà kính. Nhờ đó, nhiều người dân đã hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không đốt rơm rạ”, chị Đôi vui vẻ nói.

Nhân tố cốt lõi của làng ứng phó

Cách đây ba năm, dự án VOF của Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) cùng các đối tác đã xây dựng các làng nông nghiệp ứng phó biến đổi khí hậu tại sáu địa bàn thuộc hai tỉnh Lai Châu và Sơn La. Tại đây, các nhóm nông dân ứng phó biến đổi khí hậu được thành lập như một nhân tố cốt lõi của mỗi làng nông nghiệp ứng phó.

Bản Lang là xã vùng cao của huyện Phong Thổ có đặc sản lúa nếp tan thơm ngon nổi tiếng. Tuy nhiên, từ lâu bà con dân bản vẫn trồng lúa theo phương pháp truyền thống, tự để giống, cấy mạ già, cấy nhiều dảnh dẫn đến sâu, bệnh phá hại nhiều, phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, gây ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường, cho năng suất và chất lượng thấp. Nhóm nông dân ứng phó gồm 10 thành viên tại bản Hợp 1 đã mạnh dạn chuyển đổi sang kỹ thuật SRI, giảm lượng phân bón vô cơ, thân thiện với môi trường. Chỉ sau hơn một năm áp dụng với năm héc-ta đầu tiên, các nông dân trong nhóm thu về năng suất cao, chất lượng hạt tốt. Đến nay mô hình của nhóm đã thu hút 38 hộ gia đình trong bản tham gia, nâng diện tích lúa nếp tan áp dụng phương pháp mới lên 30 ha.

Ông Nguyễn Đức Tố Lưu, điều phối viên dự án VOF, nhiều năm đồng hành cùng nông dân bản Nà Cà, bản Hợp 1, chia sẻ: “Làm nông nghiệp sạch phải sử dụng đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ, liều lượng, và phải đúng cách; bảo đảm được an toàn cho người sản xuất, an toàn cho người tiêu dùng; phải giảm được phát thải khí nhà kính. Và cuối cùng, nông nghiệp sạch sẽ giúp tăng giá trị của sản phẩm nhờ có chuỗi cung ứng cho mặt hàng sạch, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Thực hiện được các điều này chính là góp phần làm chậm quá trình biến đổi khí hậu”.

Điều đáng mừng, như ông Phàn A Tỏn, Chủ tịch UBND xã Bản Lang cho biết: “Giống lúa nếp tan được người dân gieo cấy hợp với khí hậu, thu hoạch cho năng suất, giá trị kinh tế cao gần gấp đôi so với các giống lúa thường và thị trường tiêu thụ dễ dàng hơn”. Vụ mùa năm 2021, năng suất lúa nếp tan của mô hình đạt 6,8-7,8 tấn/ha, trong khi trồng lúa theo phương pháp truyền thống chỉ đạt 5,8-6,4 tấn/ha, qua đó cho thấy sản xuất lúa cải tiến SRI cho năng suất cao hơn so với cấy lúa truyền thống trung bình 1,2 tấn/ha. Sản phẩm nếp tan của nhóm nông dân bản Hợp 1 được đóng gói bao bì, từng bước đăng ký sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP và đưa vào bán tại các hệ thống siêu thị trong và ngoài tỉnh Lai Châu, giúp hàng chục hộ nông dân tham gia chuỗi liên kết sản xuất có thu nhập ổn định.

Thực tế tại các làng nông nghiệp ứng phó ở vùng cao Tây Bắc đang cho thấy một hướng đi thiết thực cho xu thế sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường. Một cơ chế các bên cùng có lợi được tạo nên khi người nông dân được chia sẻ, đồng hành, khi nhà khoa học dấn thân vào thực tế, nhà doanh nghiệp cam kết đồng hành và đầu tư xứng đáng… Những sản phẩm nông nghiệp sạch mang đến sự an lành của trời đất cho cộng đồng, tạo nên thương hiệu nông nghiệp bền vững.

Hiệu quả từ các mô hình nông dân làm nông nghiệp ứng phó biến đổi khí hậu thành công đã phần nào chứng minh được định hướng đúng đắn và kỳ vọng sẽ được nhân rộng ra nhiều địa phương trong tương lai.

Dự án “Tăng cường tiếng nói và năng lực của các nhóm nông dân người dân tộc dễ bị tổn thương đối với BĐKH ở Tây Bắc Việt Nam” (VOF) hướng tới hỗ trợ đồng bào người dân tộc tăng cường khả năng phục hồi trước tác động của BĐKH tại vùng Tây Bắc Việt Nam thông qua việc thúc đẩy nông nghiệp thông minh, thích ứng với khí hậu và sự tham gia của người dân vào quá trình ra quyết định. Dự án được thực hiện tại 6 huyện thuộc 2 tỉnh Sơn La và Lai Châu trong giai đoạn 2019-2022.

Dự án do Hiệp hội Tổ chức Xã hội Dân sự Đan Mạch (CISU) tài trợ thông qua Tổ chức Phát triển Nông nghiệp Đan Mạch Châu Á (ADDA). PanNature là đơn vị điều phối các hoạt động, phối hợp thực hiện cùng với Hội Nông dân tỉnh Sơn La và Lai Châu.

Nguồn: Hiếu Dân/Báo Nhân Dân

Cập nhật

Cùng tham gia "Bớt củi - Giữ rừng"
Tham gia