Ngành công nghiệp khai khoáng không chỉ được kỳ vọng mang lại nguồn thu phục vụ phát triển kinh tế của mỗi quốc gia mà còn là công cụ để cải thiện đời sống của người dân thông qua việc thu hút lao động địa phương và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư các công trình giao thông, hoàn thiện cơ sở hạ tầng đặc biệt tại nhưng điểm mỏ vùng sâu nơi điều kiện kinh tế còn khó khăn. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều dự án khai thác khoáng sản khi đi vào hoạt động đã xảy ra xung đột giữa người dân và doanh nghiệp bởi vấn đề ô nhiễm môi trường, gia tăng tệ nạn xã hội hoặc đền bù đất không thỏa đáng.
Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 khoáng sản (sau đây gọi tắt là Chiến lược) được xây dựng nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 căn cứ theo Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị. Hiện nay, Chính Phủ giao cho Bộ Tài Nguyên và Môi trường, cụ thể là Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam chủ trì xây dựng Chiến lược.
Theo đó, sáng ngày 9/9/2022 tại Văn phòng Tổng cục Địa Chất và khoáng sản Việt Nam Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường – Ông Trần Quý Kiên chủ trì Hội thảo lấy ý kiến các Bộ, Ngành, Viện nghiên cứu, chuyên gia nhằm góp ý cho dự thảo “Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Hội thảo thu hút sự tham gia của 41 đại biểu, bao gồm chuyên viên tư vấn, đại diện PanNature, đại diện Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Trị, nhóm cộng đồng 2 xã: xã Hải Sơn huyện Hải Lăng và xã Gio Mỹ huyện Gio Linh tỉnh Quảng Trị. Tại hội thảo, Ban soạn thảo nhận được 14 đóng góp ý kiến của các đại biểu tham dự và kỳ vọng sẽ tiếp thu thêm các ý kiến đóng góp qua văn bản hoặc thư điện tử để sớm hoàn thiện trình Chính phủ phê duyệt vào cuối năm nay.