Limitless customization options & Elementor compatibility let anyone create a beautiful website with Valiance.

Liên hệ

NV 31, Khu đô thị Trung Văn, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội +024-3556-4001 contact@nature.org.vn Mở cửa: 8:00 - 17:30 Thứ Hai - Thứ Sáu

Để nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, tăng nguồn thu cho Nhà nước, đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng, theo các chuyên gia, cần thiết sửa đổi Luật Khoáng sản…

Theo đó, đánh giá về Luật Khoáng sản sau 13 năm thực thi, không ít ý kiến cho rằng, một số quy định của pháp luật về khoáng sản không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước, trong đó tình trạng thất thoát tài nguyên khoáng sản vẫn xảy ra. Do vậy, việc sửa đổi, ban hành Luật Địa chất và Khoáng sản là nhiệm vụ then chốt nhằm bắt kịp thực tiễn để nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, tăng nguồn thu cho Nhà nước; đảm bảo môi trường sống tốt hơn cho cộng đồng, người dân.

Đánh giá về Luật Khoáng sản sau 13 năm thực thi, không ít ý kiến cho rằng, một số quy định của pháp luật về khoáng sản không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước (Ảnh minh họa: ITN)

Góp ý về vấn đề đã nêu, nhiều ý kiến nhìn nhận, sau 13 năm Luật Khoáng sản 2010 đi vào cuộc sống, hoạt động khai khoáng đã mang lại giá trị kinh tế không nhỏ cho đất nước. Trong đó, riêng cấp quyền khai thác khoáng sản, trong giai 10 năm qua, Nhà nước đã phê duyệt khoảng trên 52.000 tỷ đồng. Trong đó, Nhà nước đã thu vào ngân sách khoảng 29.659 tỷ đồng; trung bình mỗi năm, Nhà nước thu từ 4.300-4.500 tỷ đồng từ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Tuy nhiên, bên cạnh các mặt tích cực, Luật Khoáng sản 2010 cũng đang nảy sinh những nội dung bất cập, không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Như về mặt quản lý, hiện khoáng sản vẫn chưa được quản lý chặt chẽ ở tất cả các khâu, điển hình như việc thăm dò, đánh giá ở đâu có mỏ, trữ lượng khoáng sản ở dưới lòng đất còn bao nhiêu, trên thực tế vẫn chưa làm tốt.

Chưa kể, việc không đảm bảo công nghệ để khai thác đã gây ra những hậu họa, ảnh hưởng đến tính mạng của người dân.

Theo các chuyên gia, cần thiết sửa đổi Luật Khoáng sản (Ảnh minh họa: ITN)

Theo PGS.TS Bùi Thị An – Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khóa XIII, hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản trên còn kéo theo khai thác lậu, buôn bán lậu. Vấn đề này cho thấy về mặt chính sách cũng chưa đồng bộ, chưa chặt chẽ. Vì lẽ đó, việc sửa đổi Luật Khoáng sản 2010 là điều vô cùng cấp thiết để hướng tới “lấp đầy” những khoảng trống còn bất cập.

“Nếu không sửa được luật này, tôi nghĩ chúng ta lại tiếp tục thất thoát và sẽ còn mất mát những cái lớn hơn,” bà An bày tỏ.

Từ nhận định đã nêu, một số chuyên gia cho rằng, để nâng cao hiệu quả quản lý cũng như tránh bỏ soát những lỗ hổng gây thất thoát tài nguyên khoáng sản, việc sửa đổi Luật Khoáng sản 2010 thành Luật Địa chất và Khoáng sản tới đây cần phải quy định cụ thể, rõ ràng hơn về khâu quản lý, đặc biệt là việc thăm dò, đánh giá trữ lượng khoáng sản.

Cùng theo các chuyên gia, một khu vực mỏ khoáng sản, khi cấp phép cần phải được đề cập cụ thể về việc xác định trữ lượng, loại trữ lượng tĩnh hay động (ví dụ cát sông, nay khai thác nhưng mai có thể cát từ nơi khác lại trôi tới). Vì thế, vấn đề này, Luật cần phải quy định rõ ràng, để không gây thất thoát khoáng sản.

Vì vậy, không ít ý kiến cho rằng, vấn đề quan trọng đối với Luật Địa chất và Khoáng sản tới đây là cần xác định cụ thể việc “không đánh đổi môi trường lấy kinh tế”. Cụ thể, khi khai thác được một đồng từ việc bán quặng thì cần phải đảm bảo không làm mất một đồng về môi trường.

Đặc biệt, trong quá trình sửa luật nên có nghiên cứu phân chia tỷ lệ hợp lý đối với các khoản chi phí dành cho đầu tư sản xuất; dành cho địa phương để phục vụ vấn đề an sinh xã hội, làm cho môi trường tự nhiên trong lành trở lại. Cùng với đó, chi phí dành cho môi trường xã hội về hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục cũng cần được tính toán cụ thể, để người dân sinh sống tại các khu vực có mỏ bị hoặc được khai thác, họ cảm thấy cuộc sống được tốt hơn.

Bên cạnh những vấn đề đã nêu, nhiều ý kiến cũng lưu ý, Luật Địa chất và Khoáng sản thay thế Luật Khoáng sản 2010 tới đây cần phải thể hiện được các quy định theo tinh thần của Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về “Định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Trong đó, cần làm sao để vừa đảm bảo hoạt động khai thác khoáng sản, quản lý tốt, vừa làm lợi cho dân sinh như 3 trụ cột về phát triển bền vững: Phát triển kinh tế, xã hội và môi trường được đảm bảo.

Theo Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên – ông Trịnh Lê Nguyên, tài nguyên khoáng sản là tài sản công thuộc quyền sở hữu của toàn dân. Như vậy, với bất kỳ mỏ khoáng sản ở địa phương nào thì người dân ở khu vực đó có quyền được biết thông tin cụ thể về mỏ, loại khoáng sản gì và sẽ được Nhà nước, chính quyền địa phương giao cho ai khai thác; lợi ích mà Nhà nước, doanh nghiệp cũng như cộng đồng dân cư được thừa hưởng thế nào?

“Khi xây dựng dự án Luật Địa chất và Khoáng sản, cơ quan soạn thảo cần dự báo được những phương án có thể xảy ra để quản lý tốt hơn, đồng thời sẽ bắt kịp được nhu cầu từ thực tiễn để có những sự điều chỉnh về quy định pháp luật để quản lý hiệu quả hơn”, vị chuyên gia này bày tỏ.

Nguồn: Diễn đàn Doanh nghiệp

Cập nhật

Cùng tham gia "Bớt củi - Giữ rừng"
Tham gia