Kính gửi Quý anh chị,
Với thành công của chương trình Ngày môi trường – Ta đi trồng cây năm 2022 (với khoảng 80 người tham gia, trồng phục hồi được hơn 6000 cây bản địa) và Vá rừng trên núi đá năm 2023 (với sự tham gia của gần 200 người, trồng phục hồi được 10ha rừng) tổ chức ở Vân Hồ, Sơn La, năm 2024, PanNature tiếp tục huy động nguồn lực cộng đồng thông qua sáng kiến #givinglunch và nguồn lực từ các tổ chức – doanh nghiệp để triển khai chương trình Rừng xanh lên nhằm phục hồi 50ha rừng (trong tổng số hơn 500 ha rừng cần được phục hồi) thuộc hành lang rừng tự nhiên trên núi đá vôi nối giữa Hòa Bình và Sơn La – nơi sinh sống của loài vượn đen má trắng nguy cấp quý hiếm và nơi sinh sống của đồng bào người dân tộc Thái và Mông địa phương.
Số tiền huy động được từ cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp sẽ được dùng để mua/nhân giống cây rừng bản địa, chuẩn bị diện tích trồng, trồng, chăm sóc và giám sát quá trình hồi phục rừng 3 năm sau khi trồng.
Giống cây trồng lựa chọn là các loài bản địa như: dổi, trám, dâu da… dựa theo cấu trúc tầng tán rừng và tốc độ phát triển đan xen nhằm đảm bảo thời gian khép tán rừng tự nhiên sớm nhất. Người dân địa phương sẽ được tham gia vào quá trình trồng, chăm sóc, theo dõi tỉ lệ sống của cây và thực hiện trồng dặm rừng trong 3 năm đầu sau khi trồng để đảm bảo diện tích rừng đã trồng được phục hồi hoàn toàn. Sự tham gia của người dân vừa giúp đảm bảo sự thành công của chương trình phục hồi rừng vừa thể hiện sự cam kết của cộng đồng địa phương trong việc duy trì và phát triển các nguồn tài nguyên rừng quý báu.
Ngoài ra, Chương trình Rừng xanh lên còn triển khai hoạt động “Cùng em gieo hạt” nhằm kết nối các em học sinh tham gia vào nỗ lực phục hồi rừng. Trong đó, học sinh các trường học quanh khu vực được khuyến khích cùng bố mẹ và gia đình thu lượm hạt cây rừng để đổi lấy đồ dùng học tập, tham gia vào quá trình nặn và rải bom hạt phục hồi rừng. Hoạt động này vừa góp phần phục hồi rừng, vừa giúp xây dựng nhận thức về bảo tồn rừng, nuôi dưỡng tình yêu thiên nhiên, tình yêu rừng cho thế hệ trẻ.
Hiện PanNature vẫn đang huy động nguồn lực – sự đồng hành và hợp tác từ các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp để có thể triển khai trồng phục hồi rừng vào tháng 5 – tháng 6/2024 – khi mùa mưa bắt đầu.
Với mỗi đóng góp 30 triệu của Quý vị sẽ giúp phục hồi 1ha rừng (với khoảng 600 cây)
Cá nhân/tổ chức tự túc kinh phí ăn nghỉ – đi lại cho nhân viên khi tham gia hoạt động (dự kiến 2 triệu VNĐ/người – 2 ngày 1 đêm đối với trường hợp di chuyển từ Hà Nội).
Lợi ích khi tham gia chương trình: Không chỉ là trồng rừng
Lợi ích nội tại:
- Tham gia chương trình trồng rừng của PanNature, Quý Doanh nghiệp không chỉ thực hiện trách nhiệm đối với bảo vệ thiên nhiên, môi trường, đa dạng sinh học, mà còn đóng góp quan trọng cho sự phát triển bền vững của cộng đồng địa phương.
- Cán bộ của doanh nghiệp cũng có có cơ hội trải nghiệm hoạt động thể chất ngoài thiên nhiên với sự hướng dẫn kĩ thuật từ PanNature và người dân địa phương, giao lưu với nền văn hoá bản địa, và nâng cao hiểu biết về các giá trị đa dạng sinh học.
- Chương trình trồng rừng không chỉ hỗ trợ Doanh nghiệp củng cố thương hiệu bền vững và uy tín, mà còn nâng cao năng lực, xây dựng tinh thần nhóm cho các cán bộ công nhân viên, đẩy mạnh hơn hiệu quả và chất lượng công việc. Tạo lập giá trị sẻ chia chính là mục tiêu chương trình mang lại cho Cộng đồng – Doanh nghiệp – Môi trường thiên nhiên.
Lợi ích truyền thông:
Với gần 20 năm hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn cũng như làm việc với các cơ quan báo chí, tổ chức hàng trăm khóa tập huấn báo chí về các chủ đề liên quan, PanNature đã xây dựng mạng lưới gần 1000 nhà báo môi trường trên các kênh mailgroup và facebook group. Các thông tin, hoạt động PanNature chia sẻ đều được nhiều cơ quan báo chí, truyền hình trung hương và địa phương đăng tải.
PanNature có đội ngũ cán bộ truyền thông tích cực, các hoạt động của chương trình sẽ được đăng tải đầy đủ dưới các hình thức khác nhau (tin, ảnh video) trên các kênh truyền thông của chúng tôi.
- Website tiếng Anh và tiếng Việt: https://nature.org.vn/
- Trang tin điện tử môi trường: https://www.thiennhien.net/,
- Facebook page https://www.facebook.com/PanNature với hơn 25.000 lượt theo dõi và https://www.facebook.com/www.thiennhien.net với hơn 45.000 lượt theo dõi
- Kênh Youtube: https://www.youtube.com/@PanNature với hơn 4.220 lượt đăng ký
- Một số kênh truyền thông khác tại link https://linktr.ee/pannature.
Tính bền vững của chương trình
- Đối với diện tích rừng được phục hồi, việc trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng sẽ được Khu bảo tồn giao cho các hộ dân cư bản địa. Các hộ ngoài được hỗ trợ một khoản kinh phí nhỏ cho việc bảo vệ rừng, còn có thể khai thác các lâm sản phụ trong khu vực rừng được giao khoán, giúp tăng thu nhập trong gia đình.
- Đối với sự kết nối về lâu dài giữa Doanh nghiệp và địa phương, PanNature chào đón và sẵn sàng hỗ trợ mọi hoạt động thăm lại khu vực Doanh nghiệp đã góp công trồng rừng dưới hình thức cá nhân hoặc tổ chức
Các nguyên tắc trồng rừng của chúng tôi
Vai trò của PanNature
PanNaure là tổ chức phi lợi nhuận ngoài công lập, thành lập từ năm 2004, hoạt động với sứ mệnh bảo vệ môi trường, bảo tồn sự đa dạng và phong phú của thiên nhiên, nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng địa phương thông qua tìm kiếm, quảng bá, thực hiện các giải pháp bền vững và thân thiện với môi trường.
PanNature chọn đặt văn phòng hiện trường tại Vân Hồ từ năm 2015, bởi vì đây là khu vực nhạy cảm về đa dạng sinh học (kết nối giữa hai Khu BTTN Hang Kia Pà Cò và Khu BTTN Xuân Nha) và là nơi sinh sống của đa dạng các cộng đồng người dân tộc địa phương nhưng đời sống của người dân còn nhiều khó khăn.
Tại Sơn La, PanNature đã triển khai nhiều hoạt động dự án theo các cách tiếp cận nhiều chiều, tới nhiều đối tượng khác nhau nhằm phục hồi rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và nâng cao đời sống của người dân chẳng hạn như dự án bảo tồn Vượn đen má trắng, dự án phục hồi rừng, dự án làng nông nghiệp thích ứng BĐKH, dự án giảm thiểu rác thải nhựa trong nông nghiệp, dự án nâng cao vai trò của phụ nữ dân tộc thiểu số trong kinh tế hộ gia đình…
Với Chương trình phục hồi rừng này vai trò của PanNature sẽ là:
- Đơn vị xây dựng kế hoạch trồng và phục hồi rừng
- Đơn vị phụ trách về kỹ thuật (đo đạc, tính toán khu vực trồng), chuyên môn (lựa chọn loại cây trồng, cách thức trồng)
- Đơn vị kết nối với chính quyền địa phương, kiểm lâm, trường học, người dân
- Đơn vị truyền thông, kết nối báo chí địa phương và trung ương.
- Đơn vị xây dựng báo cáo hoạt động
- Đơn vị theo dõi đánh giá cho từng hoạt động cụ thể theo mốc thời gian (chẳng hạn: hoạt động thực địa đánh giá tỉ lệ cây sống sau khi trồng)
Thông tin liên hệ:
Tô Bích Ngọc – Cán bộ Truyền thông PanNature – SĐT: 0936781289 – Email: ngoctb@nature.org.vn
Các hoạt động phục hồi rừng của PanNature: Chương trình phục hồi rừng năm 2022: Ngày Môi trường Ta đi trồng cây Chương trình phục hồi rừng năm 2023: Vá rừng trên núi đá Trồng phục hồi rừng ở bản Thín, xã Xuân Nha, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La Hỗ trợ cộng đồng buôn Tul và buôn Hằng Năm, xã Yang Mao, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk hơn 6,000 cây bản địa và cây nông nghiệp cho trái để bà con trồng rừng và đẩy mạnh phương thức canh tác bền vững hơn. Hội thi Nặn bom hạt vá rừng Vân Hồ Quần thể Vượn đen má trắng ở Vân Hồ, Sơn La cần được bảo tồn và bảo vệ.
|