Limitless customization options & Elementor compatibility let anyone create a beautiful website with Valiance.

Liên hệ

NV 31, Khu đô thị Trung Văn, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội +024-3556-4001 contact@nature.org.vn Mở cửa: 8:00 - 17:30 Thứ Hai - Thứ Sáu
  • Comments Off on Góp Lá Vá Rừng vì một Việt Nam… Xanh

Tới điểm trồng cây mới trên núi đá Vân Hồ (Sơn La), Giàng A Chứ khẽ gạt mồ hôi đã đầm đìa trên mặt. Dừng lại một lát, anh lúi cúi đào hố, đặt bầu cây non đang khẽ lay trong gió chiều vào.

“Cây ở đây, nhớ mọc thành đại thụ. Cây ơi, cả bản mong chờ mày lớn lên lắm đấy!”, Chứ khẽ thì thầm.

Chứ, chỉ là một trong hàng trăm người dân ở huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La đang tham gia và được hưởng lợi từ dự án “góp lá, vá rừng” mang tên “Vì một Việt Nam xanh và phát triển bền vững” do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) khởi xướng.

Giám đốc PanNature Trịnh Lê Nguyên chia sẻ, về lâu dài, dự án kỳ vọng sẽ phục hồi 500 ha rừng ở Vân Hồ.

Từ giấc mơ vá rừng gọi vượn đen má trắng… về nhà

Nhắc lại chuyện Giàng A Chứ “trò chuyện với cây non”, Giám đốc PanNature Trịnh Lê Nguyên cười rổn rảng, bảo: Sở dĩ Chứ “sốt ruột” đến vậy là bởi cậu trai người Mông đất Vân Hồ mong… rừng sớm xanh để… vượn đen má trắng trở về nhà.

“Năm 2020, khi PanNature điều tra thực địa tại dải rừng Pa Cốp-Hua Tạt, Vân Hồ, Sơn La thì bất ngờ phát hiện quần thể gồm 13 chú vượn đen má trắng – loài động vật thuộc diện cực kỳ nguy cấp trên phạm vi toàn cầu. Một năm sau, trong một khảo sát khác, chúng tôi càng vui mừng khi nhận ra đã có thêm những chú vượn con trong đàn”, ông Nguyên kể.

Thế nhưng, quá trình phát triển của bầy vượn đen má trắng gặp trở ngại khi vùng hoạt động thực tế quá hẹp. Diện tích dải rừng hiện có không đủ cho cả đàn sinh sống bởi loài động vật này có tập tính kiếm ăn rất rộng.

“Quá trình bảo tồn loài vượn quý hiếm này cần tạo ra môi trường rừng phù hợp để chúng có thể tiếp tục sinh sống. Và trồng rừng là giải pháp thiết thực, cấp bách để giúp quần thể vượn đen má trắng nguy cấp tại Vân Hồ sẽ thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng nói riêng, cũng như duy trì sinh cảnh sống cho các loài động vật, thực vật nói chung”, Giám đốc PanNature tiếp tục.

Xác định, chỉ khi phục hồi thành công dải rừng Pa Cốp-Hua Tạt (Sơn La), nối với Khu Bảo tồn Thiên nhiên Hang Kia-Pà Cò (Hòa Bình), thì mới có thể tạo thêm môi trường sinh sống cho các loài động vật hoang dã, đặc biệt là vượn đen má trắng, năm 2022, PanNature quyết định bắt tay vào khởi động dự án kéo dài 10 năm mang tên Rừng xanh lên.

Người dân Vân Hồ, tỉnh Sơn La tham gia trồng rừng trong dự án “Vì một Việt Nam xanh và phát triển bền vững”.

Với Rừng xanh lên, các loài cây bản địa sẽ được trồng theo cấu trúc tầng tán rừng và tốc độ phát triển đan xen nhằm đạt được thời gian khép tán rừng tự nhiên sớm nhất. Người dân địa phương sẽ tham gia vào quá trình trồng, chăm sóc, theo dõi tỷ lệ sống và thực hiện trồng dặm rừng trong các năm tiếp theo để bảo đảm rừng trồng được phục hồi hoàn toàn.

Quá trình thực hiện, những người thực hiện dự án đã gặp không ít khó khăn. Với nhiều hộ gia đình tự ý phát rừng làm nông nghiệp, lấn chiếm sâu, vượt quá khu vực được cho phép, việc bảo vệ rừng bị cản trở.

“Ban đầu, khi trồng cây ở các khu vực này, chúng tôi rất áp lực. Vì cây vừa được trồng, một vài người liền chặt bỏ. Dưới sự hỗ trợ, vào cuộc của đơn vị kiểm lâm và chính quyền địa phương, nhiều cam kết bảo vệ rừng bằng văn bản đã được ký. Mầm non mới mọc lên, vươn mình trên mảnh đất từng chằng chịt dấu vết chặt phá. Cánh rừng dần tìm lại mầu xanh trên những đồi trọc”, anh Phan Văn Thăng cán bộ dự án tại văn phòng Sơn La giãi bày.

Dẫn chúng tôi vượt dốc cao lên ngọn đồi cao Hua Tạt, Giàng A Chứ, chàng hoa tiêu người Mông tự hào chỉ ra những thân cây đã cao lưng chừng phía trước tự hào: Đấy là thành quả “đo đếm được” sau 2 năm Rừng xanh lên triển khai ở Vân Hồ.

Uống ngụm nước chống khát, anh tiếp tục: “Bây giờ người dân trong bản và trên địa bàn huyện đã có nhận thức hơn, bớt chặt phá rừng nhưng tình trạng này vẫn chưa được khắc phục triệt để. Mỗi sáng khi lên khu vực đầu nguồn, mọi người có thể nghe được tiếng hót của loài vượn đen má trắng, giống như một bản giao hưởng của đất trời”.

Giám đốc Trịnh Lê Nguyên thì mỉm cười lành lẽ, bảo: Về lâu dài, những người thực hiện dự án kỳ vọng sẽ phục hồi 500 ha rừng trong toàn bộ khu vực xã Vân Hồ, làm lại nhà cho loài vượn đen má trắng, “vá” lại những cánh rừng từng chịu thương tổn…

 … đến huy động sức mạnh cộng đồng để tạo sinh kế bền vững

Không chỉ dừng lại ở việc góp lá… gọi vượn về nhà, trên diện rộng hơn, dự án được PanNature và các đối tác triển khai còn hướng tới mục tiêu tạo sinh kế lâu dài cho người dân nhờ sức mạnh từ chính cộng đồng.

Chính vì vậy, tháng 6/2024, Rừng xanh lên bước vào giai đoạn mới với tên gọi “Góp lá, vá rừng vì một Việt Nam xanh và phát triển bền vững”. Ông Trịnh Lê Nguyên cho biết, điểm khác biệt lớn nhất của “Vì một Việt Nam xanh và phát triển bền vững” phải kể đến phương thức tạo nguồn lực. Theo đó, ngay từ giai đoạn đầu triển khai, PanNature đã phối hợp cùng 2 đối tác chính là Vietnam Airlines và Momo Travel. Với mỗi giao dịch mua vé máy bay Vietnam Airlines từ 2 triệu trên MoMo Travel hoặc thanh toán thành công vé bằng MoMo trên website/ứng dụng Vietnam Airlines, người mua đã trực tiếp góp 1 chiếc ‘lá’, tương đương 5.000 đồng vào chiến dịch.

Tính tới giữa tháng 8, chỉ sau hơn 2 tháng triển khai, chiến dịch đã “xanh hóa” thành công hơn 27 ha rừng, đạt hơn 50% mục tiêu đề ra. Hiện tại, Góp lá vá rừng thậm chí đã trồng được tới 35.000 cây, phục hồi 53 ha rừng tại Hang Kia-Pà Cò và Vân Hồ, Sơn La.

Các hoạt động vá rừng đã tạo động lực để bà con dân tộc tiếp tục chăm sóc và bảo vệ rừng sau này.

Huy động nguồn lực từ cộng đồng còn được thể hiện ở sự đồng hành của chính bà con các thôn, bản. Chị Phàng Thị Ca, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ xã Hua Tạt, dù mang bầu 6 tháng vẫn hăng hái trồng cây, gây rừng. “Tôi sợ rằng thiếu mình, bà con sẽ mất tinh thần nên dù ít, dù nhiều, vẫn muốn góp sức cùng mọi người”, chị Ca chia sẻ.

Trong khi đó, Lầu A Thanh, người bản Bó Nhàng chưa từng bỏ lỡ dịp nào trồng cây cùng cán bộ dưới xuôi. “Mình muốn trồng nhiều cây xanh hơn để lấp vào những chỗ đồi còn trống. Vì trồng cây sẽ góp phần khiến hệ sinh thái của Vân Hồ ngày càng xanh hơn, động vật sẽ có môi trường sống rộng hơn và có nhiều thức ăn hơn”, Thanh nói với sự quyết tâm.

Anh Phan Văn Thăng, cán bộ dự án của PanNature tại Sơn La khẳng định: Cộng đồng chính là động lực chính cho sự phát triển và duy trì hoạt động “vá” rừng. Anh cho biết: “Thực hiện một dự án cộng đồng cần sự cộng hưởng từ nhiều bên, nhưng quan trọng nhất vẫn là cư dân bản địa. Muốn nhận được sức mạnh, sự ủng hộ thì phải để bà con hiểu, họ sẽ được hưởng lợi gì từ việc đó. Chúng tôi cho họ quyền chủ động đề xuất các loại cây và khu vực trồng. Từ đó, tổng hợp ý kiến, xem xét những yếu tố về kỹ thuật nông nghiệp trên thực tiễn và đưa ra những quyết định phù hợp”.

Giải thích thêm, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) phân tích: Nếu như chỉ trồng những loài cây thuần túy để bảo tồn rừng, không mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho bà con thì sự sống của cây trồng sẽ khó duy trì lâu dài.

Với quan điểm này, ngay từ khi bắt đầu, dự án “Vì một Việt Nam xanh và phát triển bền vững” đã tham vấn ý kiến từ cộng đồng và chính quyền địa phương để lựa chọn diện tích trồng, cũng như loại cây lâm nghiệp bản địa phù hợp. Sự tham gia của chính quyền địa phương và người dân từ khâu ra quyết định đến việc trực tiếp thực hiện các hoạt động trồng cây đã tạo động lực để họ tiếp tục chăm sóc và bảo vệ rừng sau này.

Thực tế, việc sử dụng những cây trồng có khả năng khai thác kinh tế đã góp phần quan trọng tạo nguồn sinh kế cho bà con dân tộc sinh sống dọc hành lang núi đá Mai Châu (Hòa Bình)-Vân Hồ (Sơn La).

“Khi xóa đói giảm nghèo thành công thì người dân sẽ bớt phụ thuộc vào rừng. PanNature, với văn phòng hiện trường tại Vân Hồ, tỉnh Sơn La, sẽ đảm nhiệm vai trò giám sát và thúc đẩy các hoạt động bảo vệ và chăm sóc rừng. Đội ngũ cán bộ kỹ thuật chuyên môn đã làm việc chặt chẽ với lực lượng kiểm lâm và cộng đồng địa phương, bảo đảm các diện tích rừng được trồng mới được quản lý hiệu quả và phát triển bền vững”, ông Trịnh Lê Nguyên nhấn mạnh.

Giám đốc PanNature thậm chí đã… mơ tới viễn cảnh trong 1 thập niên tới đây, những khoảng rừng dược ươm trồng hôm nay sẽ vươn cao, xanh ngút mắt. Từ 53 ha hôm nay, rừng sẽ được “vá liền” trên diện rộng hơn. Và, những người như Giàng A Chứ, Lầu A Thanh… sẽ có thể phát triển các mô hình sinh kế bền vững, gắn liền với rừng như: khai thác lâm sản ngoài gỗ, cung cấp các dịch vụ du lịch sinh thái và du lịch trải nghiệm.

Những cánh rừng được hồi sinh sẽ mở ra những cung đường trekking tuyệt đẹp, những khung cảnh săn mây hùng vĩ và các bản làng văn hóa đậm tính dân tộc vùng cao… Tất cả sẽ là kho báu tự nhiên để người dân khu vực phát triển sinh kế, thoát nghèo, nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần.

Nguồn: Sơn Bách – Ngọc Khánh/Báo Nhân Dân
Ảnh trong bài: Sơn Tùng

Cập nhật

Cùng tham gia "Bớt củi - Giữ rừng"
Tham gia