Hiến chương về tài nguyên thiên nhiên (NRC) là bộ nguyên tắc nhằm hướng dẫn các chính phủ và xã hội dân sự về phương thức sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên nhằm mang lại lợi ích tối đa cho phát triển kinh tế cũng như đảm bảo quyền lợi cho mỗi công dân. Hiến chương ghi rõ các công cụ và lựa chọn chính sách được thiết kế nhằm hạn chế những yếu kém trong quản lý của cải thiên nhiên giàu có và đảm bảo lợi ích thiết thực từ nguồn tài sản này.
Hiến chương bao gồm 12 nguyên tắc cốt lõi nhằm hướng dẫn các chính phủ trong quá trình ra quyết định về các vấn đề xuyên suốt chuỗi giá trị của ngành công nghiệp khai thác, từ lúc bắt đầu khai thác cho đến bước cuối cùng là sử dụng nguồn thu từ khai thác tài nguyên cho lợi ích của mọi công dân.
Các nguyên tắc chính
- Khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên cần được lập kế hoạch để đảm bảo lợi ích tối đa cho công dân của mỗi quốc gia sở hữu tài nguyên.
- Tài nguyên được khai thác là tài sản chung của mỗi quốc gia và các quyết định khai thác cần được công khai, minh bạch đồng thời chịu sự giám sát của cộng đồng.
- Cạnh tranh là một cơ chế quan trọng để đảm bảo giá trị và tính toàn vẹn của tài nguyên thiên nhiên
- Cơ chế tài chính đối với tài nguyên thiên nhiên cần phải đủ mạnh và phù hợp ngay cả khi hoàn cảnh thay đổi đồng thời phải đảm bảo cho quốc gia sở hữu tài nguyên có được đầy đủ giá trị lợi ích trong tình hình mới.
- Các doanh nghiệp nhà nước trong khai thác tài nguyên cũng cần phảm có những hoạt động cạnh tranh thương mại. Các doanh nghiệp này cần tránh thực hiện đơn thuần các chức năng điều tiết hoặc các hoạt động tương tự khác.
- Các dự án khai thác tài nguyên có thể sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường và xã hội. Các tác động này cần được giải quyết và giảm nhẹ ở tất cả các giai đoạn trong chu kỳ dự án.
- Nguồn thu từ tài nguyên phải được sử dụng phần lớn để thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế bền vững thông qua sự cho phép và duy trì đầu tư trong nước ở mức độ cao.
- Sử dụng hiệu quả nguồn thu từ tài nguyên thiên nhiên cho chi tiêu nội địa phải được tính toán rất cẩn thận, chú ý đến cả các yếu tố bất ổn của nguồn thu.
- Sự giàu có về tài nguyên của một quốc gia nên được Chính phủ nước đó coi trọng như một cơ hội để đảm bảo và tăng cường hiệu quả chi tiêu công.
- Chính sách của chính phủ nên tạo điều kiện thu hút đầy tư từ khu vực tư nhân nhằm đáp ứng các cơ hội mới cũng như sự thay đổi trong cấu trúc kinh tế liên quan đến tài nguyên thiên nhiên.
- Chính phủ nên yêu cầu các công ty khai thác và các nguồn tín dụng quốc tế thực hiện những mô hình hiệu quả nhất.
- Tất cả các công ty khai thác nên thực hiện theo một mô hình hiệu quả nhất định trong các khâu ký kết hợp đồng, vận hành và chi trả.
Trong Hiến chương, mỗi nguyên tắc đều được trình bày theo ba phần: 1) Nội dung sơ lược 2) Giải thích đầy đủ về những vấn đề mà các chính phủ sẽ phải đối mặt và các giải pháp khuyến nghị; và 3) Những thảo luận mang tính kỹ thuật liên quan đến vấn đề đó.
Hiến chương về Tài nguyên Thiên nhiên dành cho ai?
Hiến chương này nhằm cung cấp hướng dẫn cụ thể cho chính phủ các quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên, không phân biệt giàu nghèo, từ Vương quốc Anh cho đến Bờ biển Ngà. Các chính phủ này có quyền tự chủ và chịu trách nhiệm trong việc sử dụng tài sản quý giá của quốc gia mình cho sự phát triển kinh tế và đảm bảo lợi ích cho tất cả người dân. Đối với khu vực xã hội dân sự ở các quốc gia, các nguyên tắc của Hiến chương này cũng nhấn mạnh vào những bằng chứng quan trọng và phương pháp vận động chính sách nhằm đảm bảo lợi ích cho cộng đồng từ khai thác tài nguyên thiên nhiên. Bên cạnh Chính phủ và Xã hội dân sự, Hiến chương này còn đề xuất những nguyên tắc cần thiết dành cho các công ty đa quốc gia, các tổ chức đa quốc gia và chính phủ của các quốc gia nhập khẩu tài nguyên.
Tác giả của Hiến chương
Hiến chương về Tài nguyên Thiên nhiên không phải là một sản phẩm chính trị hay được đỡ đầu bởi bất kỳ một tổ chức nào. Tác giả của hiến chương là một nhóm độc lập gồm các chuyên gia nghiên cứu về khai thác tài nguyên bền vững, đứng đầu là Paul Collier, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Châu Phi của Trường Đại học Oxford. Nhóm tác giả vẫn tiếp tục nghiên cứu về các quan điểm mới cùng các ý kiến phản hồi để bổ sung, hoàn thiện Hiến chương hàng năm. Hiến chương này được quản lý bởi một hội đồng giám sát, đứng đầu là Ernesto Zedillo, cựu tổng thống Mexico.
Hiến chương phù hợp với những nỗ lực quản trị tài nguyên khác như thế nào?
Hiến chương này hoàn toàn không mang tính chất thay thế cho các sáng kiến hoặc các hướng dẫn sẵn có về quản lý tài nguyên. Nội dung của Hiến chương gắn liền với nội dung của một số hướng dẫn quốc tế khác, như: Sáng kiến minh bạch trong ngành công nghiệp khai thác (EITI), hay Hướng dẫn của Quỹ tiền tệ Quốc tế về Minh bạch nguồn thu từ tài nguyên, Nguyên tắc Xích đạo, các nguyên tắc ICMM về khai khoáng bền vững hay các Công ước của Liên hợp quốc về quyền con người và tham nhũng. Nhóm tác giả cho rằng Hiến chương chỉ là một tài liệu bổ sung thêm cho các tài liệu sẵn có về quản lý tài nguyên thiên nhiên.
Hiến chương về Tài nguyên Thiên nhiên không phải là một thỏa thuận ràng buộc hay một nghị định thư. Nó là một bản kế hoạch hướng dẫn chi tiết cho các quốc gia và các công ty trong quản lý và khai thác tài nguyên thiên nhiên.
Tương lai của Hiến chương
Hiến chương về Tài nguyên Thiên nhiên trong tương lai sẽ tiếp tục được hoàn thiện thông qua quá trình tham vấn giữa các nhà hoạch định chính sách, các tổ chức xã hội dân sự, các chuyên gia và các bên liên quan nhằm đáp ứng những thách thức liên quan đến khai thác tài nguyên thiên nhiên trong tương lai.
Nhóm tác giả đã công bố bản Hiến chương trên website chính thức cũng như tại các cuộc họp, hội thảo cấp vùng hoặc toàn cầu nhằm thu nhận ý kiến phản hồi từ những người quan tâm. Quá trình tham vấn được coi là một cơ hội tốt để thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ, vận động chisnh sách xung quanh các nội dung của Hiến chương. Những người quan tâm đến dự thảo Hiến chương được tham vấn nhằm chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn của mình để giải quyết các vấn đề trong quản lý và khai thác tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt nhấn mạnh vào các nội dung của Hiến chương; cũng như đưa ra các gợi ý thích hợp để Hiến chương có thể trở thành một tài liệu hướng dẫn ngày một hữu ích hơn.
Thông tin thêm về Hiến chương về Tài nguyên Thiên nhiên xin tham khảo tại website: Natural Rource Charter.