Sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có, thổ nhưỡng phong phú và khí hậu tương đối mát mẻ, song Tây Bắc chưa có nhiều bứt phá trong phát triển nông nghiệp do gặp một số khó khăn về hạ tầng, địa hình cùng phương thức canh tác lạc hậu khiến đất đai bị bạc màu, thoái hóa. Đặc biệt, khu vực này chịu nhiều tác động bất lợi từ các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa, lũ, khô hạn, sương muối, rét đậm kéo dài.
Mặc dù Tây Bắc đã có nhiều nỗ lực trong việc khuyến khích thí nghiệm, áp dụng các mô hình nông nghiệp thân thiện nhằm vừa gia tăng hiệu quả kinh tế, vừa góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, song hầu hết các mô hình đều được triển khai trên phạm vi hẹp nên hiệu quả và sức lan tỏa chưa cao. Đặc biệt, công tác xây dựng, lập kế hoạch chính sách phát triển nông nghiệp theo hướng thân thiện, ứng phó biến đổi khí hậu còn nhiều hạn chế, cả về mặt năng lực, quy trình lẫn phương thức thực hiện. Do đó, để thúc đẩy nông nghiệp Tây Bắc phát triển, cần đặc biệt ưu tiên cải thiện hoạt động nghiên cứu, xây dựng, chính sách nhằm tạo điều kiện cho các hoạt động, ứng dụng thực hành nông nghiệp ứng phó được triển khai và nhân rộng.
Ở cấp độ vĩ mô, các chính sách về tái cơ cấu, quy hoạch phát triển nông nghiệp cũng như chính sách thu hút đầu tư nông nghiệp cấp vùng Tây Bắc cũng cần có những định hướng, gợi mở cụ thể để các địa phương thực thi hiệu quả nhiệm vụ phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn.
Trên đây là những nội dung sẽ được đề cập và thảo luận sâu trong Ấn phẩm “Nông nghiệp Tây Bắc: Nhận diện thách thức và phát triển trong bối cảnh biến đổi khí hậu” – hoạt động nằm trong khuôn khổ “Dự án Biến đổi khí hậu và các dân tộc thiểu số ở miền Bắc Việt Nam (CEMI)”.
Tải ấn phẩm TẠI ĐÂY (PDF) hoặc đọc trực tuyến bên dưới: