Limitless customization options & Elementor compatibility let anyone create a beautiful website with Valiance.

Liên hệ

NV 31, Khu đô thị Trung Văn, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội +024-3556-4001 contact@nature.org.vn Mở cửa: 8:00 - 17:30 Thứ Hai - Thứ Sáu
  • Comments Off on Bản tin Chính sách số 25: Biển Việt Nam – Kỳ vọng phát triển và rủi ro môi trường

Với hơn 3.260 km bờ biển bao bọc 29 tỉnh, thành dọc theo chiều dài đất nước, Việt Nam là một quốc gia có lợi thế về phát triển kinh tế biển. Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 xác định nước ta phải trở thành quốc gia giàu mạnh về biển, phát triển kinh tế – xã hội kết hợp với an ninh – quốc phòng, bảo vệ môi trường, đảm bảo theo hướng quản lý tổng hợp, liên kết giữa các vùng biển, ven biển, hải đảo và nội địa.

Với kỳ vọng đến năm 2020 kinh tế biển và ven biển sẽ đóng góp khoảng 53-55% GDP cả nước, nhiều chương trình, dự án phát triển đã và đang được triển khai, bao hồm hệ thống khu công nghiệp, khu chế xuất bám biển, các nhà máy nhiệt điện, hệ thống cảng biển, các khu du lịch nghỉ dưỡng ven biển, chương trình phát triển đánh bắt xa bờ v.v… Tuy nhiên, cùng với sự khởi sắc về kinh tế của nhiều khu vực biển, xu hướng phát triển nóng cũng đang bộc lộ nhiều bất cập và rủi ro đối với môi trường cũng như mục tiêu phát triển hài hòa mà Chiến lược biển đặt ra.

Các hệ sinh thái biển Việt Nam trên thực tế đã trong trạng thái bị tác động mạnh mẽ từ lâu do các hoạt động của con người mà sự kiện ô nhiễm ven biển miền Trung năm 2016 là một phát lộ lớn nhất. Bất cập và yếu kém trong quản lý môi trường nội địa, thiếu kiểm soát xả thải công nghiệp, các phương thức khai thác, đánh bắt hủy diệt, các quyết định thay thế hệ thống rừng ngập mặn bằng trang trại nuôi trồng thủy sản…, tất cả đã làm thay đổi căn bản môi trường tự nhiên ven biển. Bên cạnh đó, tình trạng chồng lấn giữa các quy hoạch phát triển kinh tế, du lịch và bảo tồn cũng đe dọa nghiêm trọng sự tồn vong của những hệ sinh thái tự nhiên quý giá, ít ỏi còn lại. Khi buộc phải lựa chọn trong cùng một khu vực địa lý có nhiều tiềm năng thì “phe thắng” thường thuộc về các lĩnh vực khai khoáng, phát triển du lịch thay vì bảo tồn thiên nhiên hay đầu tư năng lượng tái tạo. Trong khi đó, cuộc đua cạnh tranh phát triển cấp tỉnh cũng không vô can, thậm chí góp phần phá vỡ các quy hoạch phát triển biển – một tình trạng được nhiều chuyên gia đánh giá là những cuộc đua xuống đáy.

Đáng chú ý là với xu hướng chung của biến đổi toàn cầu, biển Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Nguồn lợi thủy sản đang trên đà giảm sút và nhiều loài có giá trị kinh tế lớn đang bị khai thác cạn kiệt, thậm chí bị tiêu diệt. Ngoài ra, với sự gia tăng không ngừng của chất thải từ đất liền, cộng với tình trạng ấm lên toàn cầu, hiện tượng thủy triều đỏ bùng phát ngày càng nhiều, tác động tiêu cực đến hệ sinh thái biển và con người. Các hệ sinh thái san hô và cỏ biển của Việt Nam dưới tác tác động gián tiếp và trực tiếp của con người đang trên đà suy thoái nghiêm trọng. Trong khi đó, hệ thống khu bảo tồn biển hiện cũng vẫn khá khiêm tốn và chưa đáp ứng nhu cầu duy trì, bảo tồn đa dạng sinh học và nguồn lợi biển.

Biển rộng lớn nhưng không vô tận. Thế giới đang chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng của biển và đại dương trong xu thế đáng báo động. Muốn phát triển dựa vào biển và hưởng lợi từ biển, Việt Nam cần phải cân bằng giữa khai thác và bảo tồn chính những giá trị mà biển mang lại. Đặc biệt, để có thể hiện thực hóa kỳ vọng của Chiến lược biển, cần có quy hoạch tổng thể cho phát triển ven biển Việt Nam và quy hoạch ấy phải tính đến các yếu tố bền vững môi trường, an ninh sinh thái biển, cân bằng giữa phát triển ven bờ và các ngành kinh tế dựa vào biển. Song song với đó, cần ưu tiên mở rộng hệ thống khu bảo tồn biển và hải đảo để kiến tạo những khu dự trữ về dài hạn, đồng thời thúc đẩy hợp tác quốc tế và khu vực nhằm giải quyết hòa bình các nguy cơ xung đột lợi ích từ biển, xây dựng các sáng kiến hợp tác chia sẻ nguồn lợi từ biển và bảo tồn biển để tìm kiếm sự thịnh vượng chung.

Các nội dung chính trong số này:

  • Phát triển kinh tế biển bền vững: Tiềm năng, thách thức và định hướng
  • Sức ép của các hoạt động phát triển đối với hệ sinh thái ven biển
  • Hoạt động lấn biển và tác động môi trường sinh thái ven bờ
  • Du lịch biển và hiện trạng bùng nổ các khu nghỉ dưỡng ven biển
  • Khi du lịch đại trà xâm lấn rừng đặc dụng: Góc nhìn từ Sơn Trà
  • Cần kiện toàn chính sách về quản lý chất thải nhựa trên biển
  • Tiếp cận quản lý tổng hợp vùng bờ: Thực tiễn triển khai và rào cản
  • Hệ thống khu bảo tồn biển: Định hướng mở rộng và giải pháp đồng quản lý
  • Phát triển công cụ chi trả dịch vụ hệ sinh thái biển nhằm hỗ trợ tài chính bền vững cho các khu bảo tồn biển

Đọc Bản tin Chính sách trực tuyến

 

Tải Bản tin Chính sách (File PDF, 7,8MB) tại đây >>

 

Cập nhật

Cùng tham gia "Bớt củi - Giữ rừng"
Tham gia