Bảo tồn và phát triển một cách bền vững nguồn tài nguyên cây thuốc quý ở khu vực miền núi phía Bắc là chủ đề mà Trung tâm Nghiên cứu và phát triển Cây thuốc dân tộc cổ truyền, Trung tâm Con người và Thiên nhiên , Hội Đông y tỉnh Cao Bằng và Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường (BVTN&MT) tỉnh Cao Bằng cùng phối hợp tổ chức hội thảo vào ngày 24/3, tại thị xã Cao Bằng.
Hội thảo được tổ chức dưới dạng chia sẻ thông tin, trao đổi, thảo luận giữa các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý và giới báo chí. Các diễn giả đã đưa ra những ý kiến nhằm khẳng định tầm quan trọng tài nguyên thuốc quý ở nước ta, đồng thời cũng khái quát về thực trạng giữ gìn, phát triển và khai thác nguồn tài nguyên vô giá này. Phần lớn các ý kiến cho rằng, nằm trong vùng nhiệt đới, Việt Nam là một trong những quốc gia có nguồn tài nguyên cây thuốc vô cùng phong phú và đa dạng. Cho đến nay, có gần 4.000 loài cây thuốc đã được thống kê. Cùng với sự đa dạng đó là sự phong phú về tri thức truyền thống của người dân, đặc biệt là các dân tộc thiểu số trong việc khai thác sử dụng cây làm thuốc.
Một điểm thu gom dược liệu ở Cao Bằng. Ảnh: PanNature.
Tuy nhiên, có một nghịch lý vẫn diễn ra trong nhiều năm qua là bất chấp các nỗ lực bảo tồn cây thuốc, tình trạng khai thác và buôn bán tự phát tại nhiều địa phương, trong đó rất đáng lo ngại là việc các thương lái trong và ngoài nước lợi dụng sự thiếu thông tin của bà con ở vùng sâu, vùng xa để thu gom số lượng lớn cây thuốc và bán qua biên giới với giá rẻ. Hoạt động này không chỉ làm suy giảm nguồn tài nguyên cây thuốc của nước ta, suy giảm tính đa dạng sinh học của các hệ sinh thái mà còn làm cạn kiệt, thậm chí biến mất nhiều loài cây thuốc quý hiếm, làm mất nhiều tri thức bản địa quý giá và gây thiệt hại lớn về kinh tế đối với quốc gia và địa phương.
Theo TTXVN