Hoa Kì và châu Âu, hai thị trường gỗ lớn nhất thế giới đã lần lượt đưa ra và áp dụng những bộ luật quốc tế riêng nhằm tăng cường công cụ pháp lý quản lý rừng và giải quyết triệt để vấn nạn khai thác gỗ bất hợp pháp trong thương mại. Đó cũng là lí do cho sự ra đời Đạo luật Lacey của Mỹ và Kế hoạch Hành động về Tăng cường Thực thi luật Lâm nghiệp, Quản trị rừng và Buôn bán gỗ (FLEGT) của Châu Âu. Cả Lacey và FLEGT đều đòi hỏi doanh nghiệp phải có chuỗi hành trình truy xét nguồn gốc nguyên liệu gỗ từ khâu khai thác, vận chuyển, chế biến đến xuất khẩu. Việt Nam hiện đang là một trong nhiều nước nằm trong tiến trình đàm phán về Hiệp định Đối tác Tự nguyện (VPA) và FLEGT nhằm tăng tính cạnh tranh ở những thị trường rộng lớn và đầy tiềm năng.
Khai thác gỗ ở Tây Nguyên. Ảnh: PanNature.
Liên quan tới chủ đề này, ngày 14/3, tổ chức Forest Legality Alliance (FLA) đã phối hợp với Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) tổ chức Hội thảo “Tính hợp pháp của Gỗ và sản phẩm gỗ: Những quy định mới về thương mại quốc tế và tác động quản trị tài nguyên của Việt Nam” nhằm cung cấp thông tin và nâng cao nhận thức cho các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam về các luật pháp quốc tế mới liên quan đến buôn bán quốc tế về gỗ và sản phẩm gỗ, cụ thể là luật Lacey và FLEGT, đồng thời làm rõ tác động của các luật này đối với ngành gỗ và quản lý rừng ở Việt Nam, đánh giá rủi ro và vai trò giám sát của các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam.
Tại Hội thảo, rất nhiều ý kiến quan tâm tới vấn đề VPA và FLEGT sẽ được thực thi như thế nào tại Việt Nam, trong đó cơ quan nào sẽ đóng vai trò điều phối, cơ quan nào là đầu mối cung cấp thông tin, cơ quan nào được phép tham gia vào quá trình tham vấn và thực thi… Hầu hết các ý kiến đều thống nhất cho rằng cần phải xây dựng tiến trình thực hiện FLEGT một cách rõ ràng, trong đó nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc thiết lập một mạng lưới thúc đẩy FLEGT, bao gồm các doanh nghiệp, các NGO và các tổ chức bảo tồn của Việt Nam.
Nguồn: ThienNhien.Net