Thu hút sự tham gia của các tổ chức cộng đồng được xem là một trong những con đường hứa hẹn đối với công tác quản lý rừng đặc dụng. Tuy nhiên, sự thành công của các mô hình quản lý rừng có sự tham gia của cộng đồng trong thực tế dường như chưa đủ để tạo nên một hiệu ứng khiến nó có thể được áp dụng rộng rãi. Chính vì lẽ đó, dẫu đã được bàn thảo qua nhiều năm, nhưng đến nay câu chuyện này vẫn chưa ngã ngũ.
Đề tài này lần nữa được xới xáo lại tại hội thảo chính sách “Tổ chức cộng đồng phối hợp quản lý và bảo vệ rừng đặc dụng” do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) và Tổ chức Bảo tồn Động Thực vật Hoang dã Quốc tế (FFI) phối hợp tổ chức tại Hà Nội sáng ngày 28/04/2011.
Vấn đề sinh kế cho người dân sinh sống trong phân khu bảo vệ của rừng đặc dụng được các chuyên gia và những tổ chức phi chính phủ quan tâm nhất tại hội thảo này. Ảnh: PanNature.
Kết quả rà soát rừng đặc dụng gần đây nhất cho biết nước ta hiện có khoảng 2,2 triệu ha rừng đặc dụng. Áp lực lên các khu rừng đặc dụng hiện rất lớn, trong đó, một phần nguyên nhân quan trọng là do chưa gắn kết được cộng đồng dân cư vào công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Khác với rừng sản xuất và rừng phòng hộ, rừng đặc dụng được quy định rất chặt chẽ, nghiêm cấm việc khai thác trong vùng rừng bảo vệ nghiêm ngặt, cũng là vùng có giá trị đa dạng sinh học tập trung cao nhất.
Tuy nhiên, trong thực tế các điều khoản quy định của pháp luật không thể ngăn nhu cầu sử dụng gỗ, lâm sản và sự xâm phạm của nhiều cộng đồng sống xung quanh hoặc trong các khu rừng đặc dụng. Điều này cũng gắn liền với nghịch lý lâu nay là càng ở vùng rừng có giá trị đa dạng sinh học cao, dân cư càng nghèo.
Các chia sẻ từ hội thảo một lần nữa khẳng định việc thu hút các tổ chức cộng đồng phối hợp tham gia quản lý rừng đặc dụng là rất cần thiết và khả thi. Người dân cần được hưởng lợi từ rừng và ngược lại cũng phải có trách nhiệm với rừng. Các ban quản lý và kiểm lâm không thể thành công nếu họ “cô đơn” giữ rừng.
Bài học từ Ban quản lý VQG Xuân Sơn là một ví dụ điển hình. Vượt qua được những khó khăn ban đầu của những năm 2004 -2005, Xuân Sơn đã thu nhận được kết quả tích cực từ việc mạnh dạn giao rừng cho cộng đồng. Đến đầu năm 2011, Vườn đã giao khoáng bảo vệ hơn 9.800 ha rừng, trong đó có 8.700 ha rừng tự nhiên, cho 16 cộng đồng, 13 tổ chức, 17 nhóm hộ và 21 chủ hộ. Phó giám đốc VQG Xuân Sơn cho biết trong 7 năm qua, trên địa bàn Vườn không có vụ cháy rừng và phá rừng, độ che phủ rừng năm 2010 là 76%, so với năm 2002 là 56%.
Cũng tại Hội thảo, Dự thảo “Quyết định về chính sách thí điểm cơ chế chia sẻ lợi ích trong quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững rừng đặc dụng” đã được đưa ra bàn luận và được rất nhiều đại biểu tham gia đóng góp ý kiến. Dự thảo đang trong quá trình rà soát, sau đó sẽ được trình Thủ tướng chính phủ.
Nguồn: ThienNhien.Net