“Làm sao để ngành công nghiệp khai thác khoáng sản thực sự đóng góp được cho thành tựu xóa đói giảm nghèo?”, bà Trần Thị Thanh Thủy, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (CN&TN) trăn trở sau cuộc khảo sát hoạt động khai thác các mỏ khoáng sản tại các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Lào Cai, Lâm Đồng và Đắk Lắk…
Tỉ lệ hộ nghèo tăng vì… có mỏ
“Xóa đói giảm nghèo là một trong những thành tựu quan trọng và ấn tượng của Việt Nam trong hơn 20 năm qua. Tỉ lệ số hộ nghèo đói trên toàn quốc đã giảm nhanh từ 58% cuối thập niên 80 xuống dưới 16% trong giai đoạn 1993 – 2006”, đại diện Trung tâm CN&TN đánh giá. Tuy nhiên, kết quả khảo sát hoạt động khai thác các mỏ khoáng sản tác động đến con người và thiên nhiên lại cho thấy, tại mỏ quặng sắt xã Tân Pheo (tỉnh Hòa Bình), triển khai khai thác năm 2007 đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với đời sống người dân xóm Phổn và thôn Lùng Thùng. Tại đây, doanh nghiệp thu hồi 7 ha đất ruộng và đất rừng của hơn 40 hộ dân và bồi thường với mức giá chỉ từ 1.000 – 4.000 đồng/m2. Doanh nghiệp khai thác mỏ này cũng chỉ nhận vỏn vẹn 5 lao động và xây cho xã một nhà văn hóa trị giá 5 triệu đồng.
Một điểm khai thác quặng chưa hoàn thổ, làm ảnh hưởng đến môi trường. Ảnh: Lê Bá Liễu-TTXVN
Cho đến nay, 40 hộ dân bị thu hồi đất trên không có sinh kế ổn định. Không chỉ đời sống những hộ dân trực tiếp mất đất mới bấp bênh, mà cộng đồng người dân xóm Phổn và thôn Lùng Thùng cũng phải hứng chịu quặng sắt, đất, đá thải từ khu vực khai thác trôi xuống san lấp ruộng. Nguồn nước chính của xã cũng bị đất đá trôi lấp và bồi cạn cục bộ, dòng chảy bị thu hẹp nên tiềm ẩn nguy cơ lũ quét khi có mưa lớn.
Từ lãnh đạo địa phương, các tổ chức hội phụ nữ, thanh niên và cộng đồng dân cư trong và ngoài khu vực mỏ Tân Pheo đều cho rằng, hoạt động khai thác quặng sắt làm cho đời sống, môi trường trong khu vực đi xuống, điều có thể trông thấy là đường sá xuống cấp. Còn tỉ lệ hộ nghèo của xã Tân Pheo thì tăng lên đáng kể sau khi dự án triển khai tại đây.
Cuộc nghiên cứu của Trung tâm CN&TN tại các địa phương có mỏ như Ea Sar (Đắk Lắk), Sơn Thủy (Phú Thọ), Cốc Mỳ (Lào Cai)… phản ánh, mức giá đền bù thu hồi đất để khai thác mỏ của doanh nghiệp đối với người dân rất thấp, cao nhất là 11.000 đồng/m2 và thấp nhất là 1.000 đồng/m2. Các địa phương này đều chịu chung những tổn thất như đường sá, cầu cống xuống cấp, nguồn nước, môi trường sống bị ô nhiễm… Các đóng góp của doanh nghiệp khai thác mỏ đối với địa phương là rất nhỏ so với các tác động tiêu cực từ khai thác mỏ gây ra trong khu vực. Bản nghiên cứu cũng cho biết, theo mô hình phân tích thống kê SPSS (phần mềm phân tích thống kê về mối tương quan giữa các số liệu kinh tế), mối quan hệ giữa khai thác khoáng sản và giảm nghèo đang trái chiều.
Ông Lại Hồng Thanh, Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động khai thác khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường thừa nhận, hiện tượng doanh nghiệp thiếu trách nhiệm chỉ xảy ra phổ biến ở các doanh nghiệp khai thác mỏ có quy mô nhỏ cấp địa phương. Nguyên nhân là ở những khu mỏ này, do chính quyền địa phương cấp quyền khai thác mỏ với thời hạn quá ngắn (5 – 7 năm), trong khi các doanh nghiệp muốn tối đa hóa lợi nhuận bằng cách đầu tư ít, khai thác kiểu “đánh nhanh, thắng nhanh” rồi rút… nên các nghĩa vụ đối với địa phương, bảo vệ môi trường bị coi nhẹ.
Luật mới giải quyết được bao nhiêu bất cập?
Theo ông Lại Hồng Thanh, Luật Khoáng sản mới có hiệu lực từ ngày 1/7/2011 sẽ giải quyết được nhiều bất cập trong thực tiễn. Ví dụ việc từ nay tổ chức, cá nhân muốn khai thác khoáng sản, bên cạnh các khoản phải nộp như thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường… phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.
Thực tế trước ngày 1/7/2011, Nhà nước giao mỏ cho DN nhưng không thu tiền quyền khai thác. Nay với luật mới, Nhà nước sẽ thu quyền khai thác này. Đây là điểm mới căn bản giữa Luật Khoáng sản mới và Luật Khoáng sản trước kia.
Mức thu có thể dựa trên trữ lượng mỏ, sản lượng khai thác hoặc giá trị khoáng sản. Cách thu cũng có nhiều phương án, thu một lần, 5 năm/lần hoặc 1 năm/lần để tùy tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản lựa chọn.
“Tiền cấp quyền khai thác này sẽ áp dụng cho cả DN được cấp mỏ mới cũng như các DN đang khai thác mỏ. DN đang khai thác khoáng sản thì phải nộp tiền cấp quyền khai thác đối với trữ lượng khoáng sản còn lại chưa khai thác, tính từ ngày 1/7/2011. Dự kiến số tiền thu được từ khoản này của các mỏ đang khai thác hiện nay khoảng từ 5.000 – 7.000 tỉ đồng…”, ông Thanh cho biết.
Trong Luật mới cũng ghi rất rõ các cá nhân, tổ chức khi khai thác khoáng sản phải hỗ trợ chính quyền địa phương những nội dung gì. Ví dụ, tới đây, trong một đề án khai thác mỏ, tổ chức, cá nhân muốn khai thác mỏ phải xây dựng một số công trình để phục vụ việc khai thác mỏ, kể cả những công trình ở ngoài mỏ. Bên cạnh đó, phải sử dụng lao động địa phương vào các hoạt động của mỏ cũng như các dịch vụ liên quan. Trước đây việc này cũng có quy định nhưng chưa rõ nên DN có thể lảng tránh hay làm đối phó.
“Đặc biệt trong Luật Khoáng sản mới cũng ghi rõ, nếu DN gây thiệt hại thì phải bồi thường. Ví dụ, nếu việc khai thác của tổ chức, cá nhân gây hỏng đường, cầu cống… dù tuyến đường này là 20 hay 50 km thì cũng phải bỏ tiền ra sửa chữa chứ không thể có chuyện xe chở quặng gây hỏng cả tuyến đường mà không có trách nhiệm!”, ông Thanh nói.