Theo thống kê, chỉ riêng Lào Cai đã có 110 dự án thủy điện vừa và nhỏ, Quảng Nam 61 dự án, Kon Tum 68 dự án, Gia Lai 78 dự án, Lâm Đồng 71 dự án…
Con số này mới được đưa ra bởi Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) qua nghiên cứu “Phát triển thủy điện và hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam”.
Được – mất
Đến thôn Hoàng Liên, xã Bản Hồ, huyện Sapa, tỉnh Lào Cai – nơi có tới 3 cái thủy điện đã được xây dựng từ cuối năm 2010 mới thấy sự thảm hại do thủy điện mang lại. Chị Hoàng Thị Ngát, bán nước ở xã bản Hồ buồn bã: Từ ngày thủy điện xây dựng ở đây, khách du lịch không còn nữa”.
Chị Ngát kể, đã có không ít khách du lịch nước ngoài đi dạng “bụi” muốn khám phá tự nhiên đi đến đầu bản Hồ họ lại quay về. Có người tiếc công đi, cố lướt một vòng rồi quay về. Nhìn quang cảnh bụi mù vì phá núi làm thủy điện, cây cối chặt phá, suối cạn, không ai muốn nán lại. Vậy là các nhà sàn nghỉ qua đêm tại bản cũng mất luôn nguồn thu. “Cứ đà này, không biết thủy điện mang lợi ích cho cuộc sống chúng tôi thế nào nhưng trước mắt chỉ thấy chúng tôi mất nguồn sống”, chị Ngát lo lắng.
Công trình thủy điện Sử Pán 2 đang được thi công tại bản Hồ, Sapa khiến cung đường xuống bản bị cày nát. (Ảnh Bích Ngọc)
Con số thống kê của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Lào Cai cũng “tố” mặt trái của thủy điện làm giảm 83,6% lượng khách đến bản Hồ, 63,4% khách đến Tả Van, 100% số hộ dân được phỏng vấn đều khẳng định thiếu nước sạch để phục vụ ăn uống, sinh hoạt và phục vụ du khách từ năm 2008 đến nay.
Từ 1994-2010 (gần 20 năm) có 23 công trình thủy điện vừa và lớn đang hoạt động với tổng công suất lắp đặt 6200 MW, khai thác gần 30% tiềm năng kinh tế – kỹ thuật của thủy điện ở Việt Nam. Hiện nay hệ thống sông ngòi Việt Nam gánh trên 500 công trình thủy điện lớn nhỏ. Theo qui hoạch, sẽ có 1021 công trình thủy điện được xây dựng (Bộ Công thương, 2010).
TS Đào Trọng Tứ phân tích, mặt được là thủy điện sẽ bổ sung nguồn năng lượng cho hệ thống điện quốc gia (Việt Nam >30%) – góp phần bảo đảm an ninh lương thực; tăng thu nhập cho nền kinh tế – tạo công ăn việc làm; hình thành các tiểu vùng khí hậu nhờ tạo nên diện tích mặt thoáng lớn cho vùng trước đập; giảm lượng đỉnh lũ/lưu lượng lũ xuống hạ lưu (với các điều tiết mùa/nhiều năm); tăng lưu lượng mùa kiệt (với các điều tiết mùa/nhiều năm).
Thế nhưng mặt tích cực của thủy điện lại phụ thuộc rất nhiều vào ý chí của con người (bộ máy quản lý, quy trình vận hành). Mặt chưa được của thủy điện là khi thủy điện mọc lên là mất rừng đi và toàn bộ hệ sinh thái môi trường nghiễm nhiên bị thay đổi.
Cơn khát thủy điện
Các tranh luận giữa ủng hộ và phản đối thủy điện vẫn chưa đi đến hồi kết thì mới đây câu chuyện về dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A sẽ “mọc” lên giữa vườn quốc gia Cát Tiên lại tiếp tục làm nóng thêm vấn đề.
Thế nhưng VQG Cát Tiên không phải trường hợp duy nhất đang chịu sức ép lớn về thủy điện. Tình trạng mật độ thủy điện cắm dày đặc và gây áp lực lên công tác bảo tồn đa dạng sinh học cũng xảy ra tại một loạt các vườn quốc gia, khu bảo tồn khác, từ Bắc vào Nam. Cụ thể là khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh (Quảng Nam) và Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt (Nghệ An) cắt rừng đặc dụng làm thủy điện…
Người khách du lịch nước ngoài tìm đến bản Hồ nhưng lại hỏi đường quay về khi thấy khung cảnh bị phá nát bởi thủy điện. Ảnh Bích Ngọc
Một nghiên cứu vừa hoàn thành vào cuối năm 2010 của Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam về các công trình hồ chứa thủy điện, thủy lợi ở Bắc Trung Bộ cũng chỉ thêm, dãy Trường Sơn đang chịu những tác động tiêu cực do thủy điện gây ra.
Nghiên cứu này chỉ rõ, việc xây dựng, quản lý vận hành bất hợp lý các công trình thủy điện ở Miền Trung và Tây Nguyên trong 3-5 năm gần đây đang làm tình hình trầm trọng hơn. Trong các đợt lũ lớn lịch sử năm 2007, 2009, đặc biệt là lũ lịch sử tháng 10, 11.2010, các công trình thủy điện, thủy lợi càng làm lũ lụt lớn hơn, gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản, môi trường tự nhiên và xã hội, hủy hoại nghiêm trọng các hệ sinh thái trên các lưu vực sông, nhất là các hệ gắn với rừng và tài nguyên nước. Thiên tai và nhân tai đang gây những tác động lớn đến tính bền vững của các hệ sinh thái.
Ông Phan Kỳ Nam, nguyên Chủ nhiệm khoa thủy điện, Đại học Thủy lợi Hà Nội bày tỏ, cái dở của cách làm thủy điện hiện nay là đánh giá không đầy đủ về sự thay đổi môi trường sinh thái. Nhiều dự án yêu cầu về môi trường rất cao nhưng lại không thực hiện. Nhà đầu tư chỉ muốn lao vào làm để kiếm lợi vì vậy đã làm mất đi sự ưu tú của thủy điện.
TS Đạo Trọng Tứ, Mạng lưới sông ngòi Việt Nam – là kỹ sư thủy điện và gắn bó với thủy điện, sông nước gần một đời công tác cũng phải thốt lên: “thủy điện đang mọc lên quá tùy tiện. Phát triển bền vững thủy điện liệu đã quá muộn ở Việt Nam (?!)”
Mới đây với dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, các nhà khoa học thuộc VUSTA đã kiến nghị đánh giá lại toàn diện những tác động môi trường, xã hội của 2 dự án thủy điện, đồng thời xây dựng các giải pháp giảm thiểu hợp lý và cụ thể trước khi triển khai thực hiện dự án.