Ngày 2/10, tại TP.HCM, Trung tâm Con người và thiên nhiên (PanNature) đã tổ chức Tọa đàm “Đằng sau những con đập thủy điện trên sông Mê Kông”.
Tọa đàm diễn ra cả ngày với phần trình bày của 10 diễn giả là các chuyên gia, nhà nghiên cứu đại diện cho các tổ chức trong và ngoài nước. Đặc biệt có tham gia trực tuyến qua internet của hai diễn giả thuộc Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Stimson, Mỹ và Ban khoa học về các hệ sinh thái thuộc Tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghiệp khối thịnh vượng chung Australia.
Sự đánh đổi mạo hiểm
Tiến sĩ Đào Trọng Tứ, nguyên phó tổng thư ký Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam, hiện là phó giám đốc Trung tâm phát triển tài nguyên nước và thích ứng với biến đổi khí hậu (thuộc Hội tưới tiêu Việt Nam), cho hay theo kế hoạch của các nước trong lưu vực, trên sông Mê Kông, cả dòng chính và các sông nhánh, đang mọc lên chi chít đập thủy điện.
Trong đó, riêng Trung Quốc dự kiến sẽ xây dựng 15 bậc thang thủy điện với tổng công suất lắp máy lên đến 22.680MW, tổng dung tích hồ chứa 52,81 tỉ m3.
Phía hạ lưu, từ năm 2007 các nước Lào, Thái Lan, Campuchia đã đồng loạt khởi động việc nghiên cứu xây dựng các công trình thủy điện trên dòng chính Mê Kông.
Theo ông Đào Trọng Tứ, Thái Lan đã khai thác gần như toàn bộ tiềm năng thủy điện của dòng nhánh Mê Kông thuộc địa phận Thái Lan, trong khi Lào đã và đang xây dựng hàng loạt các nhà máy thủy điện lớn, trung bình trên các dòng nhánh trong lãnh thổ Lào.
Riêng Việt Nam cũng đã khởi công các nhà máy thủy điện trên sông Sê San và Srêpôk, cũng là sông nhánh của sông Mê Kông.
Theo các diễn giả, vấn đề đáng lo ngại là các dự án thủy điện trên lưu vực sông Mê Kông đang được xây dựng chủ yếu phục vụ lợi ích kinh tế cục bộ của các quốc gia, nhất là các quốc gia thượng lưu như Trung Quốc và Myanmar, mà chưa lường định hết những tác động về sinh thái, môi trường, sinh kế của người dân tại chỗ và các nước ở hạ lưu.
Đối với đồng bằng sông Cửu Long, việc phát triển thủy điện ồ ạt của các quốc gia thượng lưu, đặc biệt là các bậc thang thủy điện trên dòng chính sẽ làm thay đổi động lực dòng chảy, giảm 20-50% lượng phù sa về đồng bằng mỗi năm khiến nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, gây tăng nhanh nạn xâm nhập mặn.
Một nghiên cứu của Ủy hội sông Mê Kông đánh giá tình trạng xói lở là vấn đề đặc biệt nghiêm trọng đối với các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, có nơi tốc độ xói lở đến 30m/năm.
Cần một sự bình đẳng và có tính công lý
Đằng sau những con đập thủy điện trên sông Mekong là gì?
Theo các diễn giả, đó là lợi ích kinh tế cục bộ của mỗi quốc gia. Các quốc gia một mặt kêu gọi bảo vệ môi trường để phát triển bền vững nhưng mặt khác vẫn muốn chia phần “chiếc bánh thủy điện” của sông Mê Kông chảy qua lãnh thổ mình.
Thậm chí có quốc gia sẵn sàng đầu tư sang quốc gia lân cận để khai thác tiềm năng thủy điện ngoài lãnh thổ và đương nhiên là sẽ tránh được các rủi ro về môi trường, sinh kế người dân.
Sự mâu thuẫn giữa lợi ích quốc gia và lợi ích khu vực kể trên hiện chưa có giải pháp hữu hiệu ngoài sự tham gia kêu gọi, vận động của các tổ chức bảo vệ thiên nhiên, các tổ chức tài chính quốc tế và người dân các nước trong khu vực.
Tiến sĩ Carl Middleton, giảng viên khoa Khoa học chính trị, Đại học Chulalongkorn, Thái Lan, cho biết trong những năm gần đây các thể chế tài chính quốc tế như Ngân hàng thế giới, Ngân hàng phát triển Châu Á và một số ngân hàng thương mại khác ở các quốc gia đã mạnh dạn hạn chế các khoản tín dụng cho những dự án thủy điện trên lưu vực Mê Kông để kêu gọi trách nhiệm cộng đồng của các nhà đầu tư.
Từ Mỹ, ông Richard Cronin, giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Stimson, cho hay Sáng kiến hạ lưu Mekong với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ trong những năm gần đây cũng bước đầu đẩy mạnh hợp tác khoa học trong đánh giá tác động môi trường, kinh tế, xã hội của các dự án nhưng cũng chỉ mới ở mức ủng hộ về tinh thần.
Trong khi đó, Ủy hội sông Mê Kông quốc tế (MRC) là tổ chức mang tính pháp lý duy nhất về những vấn đề liên quan đến sông Mê Kông hiện chỉ có bốn nước thành viên gồm Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Nhân Quảng, giám đốc Trung tâm hỗ trợ quản lý tổng hợp tài nguyên nước, văn bản pháp lý cao nhất giữa các nước thành viên ủy hội là Hiệp định hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mê Kông (1995). Từ hiệp định này, các nước thành viên đã có quy chế về việc thông báo, tham vấn lẫn nhau để tìm được sự thống nhất giữa các bên trước khi thực hiện các dự án thủy điện trên lưu vực.
Tuy nhiên, các văn bản pháp lý này chủ yếu là những thỏa thuận có sự ràng buộc tương đối chứ không có tác dụng cưỡng chế thi hành nên khi một thành viên không tuân thủ thì các thành viên còn lại coi như bị đặt vào thế “chuyện đã rồi”.
Trong thực tế không phải lúc nào các nước thành viên cũng chủ động thông báo hoặc tham vấn đầy đủ với các quốc gia còn lại về những dự án của mình, như trường hợp thủy điện Xayaboury vừa qua là một ví dụ.
Theo các chuyên gia, không thể chậm trễ hơn nữa, các quốc gia có lợi ích trong lưu vực Mekong cần có một cam kết chính trị trong việc chia sẻ lợi ích kinh tế, nhất là lợi ích từ khai thác thủy điện, trên dòng Mê Kông để đảm bảo hài hòa giữa quyền lợi quốc gia và quyền lợi của khu vực.
Nguồn: Tuổi Trẻ