Nhằm tiến tới xây dựng mô hình phối hợp quản lý bảo vệ rừng tại khu BTTN Ngọc Sơn – Ngổ Luông, Dự án “Sự tham gia của các tổ chức địa phương trong quản lý bảo vệ rừng đặc dụng” đã tiến hành nghiên cứu đánh giá nhận thức thái độ của người dân đối với việc bảo tồn và quản lý sử dụng tài nguyên thiên nhiên địa phương.
Điều tra được tiến hành trong thời gian tháng 9 năm 2010 tại các xóm Khú và Rộc (xã Ngọc Sơn), xóm Đèn (xã Ngọc Lâu), xóm Trên (xã Tự Do) của huyện Lạc Sơn và xóm Bo (xã Ngổ Luông) của huyện Tận Lạc, tỉnh Hòa Bình. Điều tra được thực hiện bằng cách phỏng vấn đại diện một số hộ dân trong các thôn mục tiêu theo các câu hỏi có cấu trúc. Các hộ được phỏng vấn chiếm 30-40% số hộ trong mỗi xóm, với tỷ lệ nam nữ gần bằng nhau và theo các mức phân loại kinh tế hộ của xóm. Tổng số đã phỏng vấn ở khu BTTN Ngọc Sơn – Ngổ Luông là 100 người.
Nghiên cứu này tập trung vào đánh giá mức độ hiểu biết của cộng đồng về chủng loại và thay đổi của tài nguyên đa dạng sinh học của địa phương cũng như tầm quan trọng của việc sử dụng và bảo tồn lâu dài các nguồn tài nguyên đó; Thái độ về quan điểm giá trị của thiên nhiên và sự hỗ trợ, tham gia của cộng đồng trong bảo tồn tài nguyên địa phương và quản lý khu BTTN; Nhận thức về sự hiện diện của khu BTTN và chức năng của khu BTTN; Nhận thức về các mối đe dọa đối với đa dạng sinh học ở khu BTTN gây ra bởi hành vi của cộng đồng và các đối tượng khác của địa phương, và tìm hiểu mối liên hệ giữa thái độ của họ đối với hành vi thực tế; Mối quan hệ giữa cộng đồng địa phương và ban quản lý khu BTTN.
Kết quả điều tra cho thấy người dân trong khu BTTN Ngọc Sơn – Ngổ Luông nhìn chung có hiểu biết khá nhiều về tài nguyên thiên nhiên và có nhận thức tốt về giá trị của tài nguyên. Tuy nhiên vẫn còn có những nhóm đối tượng nhận thức về tài nguyên thiên nhiên còn thấp như đối với nữ giới, nhóm hộ nghèo, nhóm trình độ học vấn thấp.
Do diện tích rừng và chất lượng rừng ở khu BTTN còn khá phong phú nên vẫn còn có nhiều người dân chưa nhận thức rõ ràng về nguy cơ thiếu tài nguyên thiên nhiên trong tương lai. Còn tồn tại quan niệm rằng tài nguyên thiên nhiên là vô hạn và diện tích đất canh tác, nguồn nước vẫn đủ cho phát triển ở địa phương khi dân số tăng.
Mặc dù vậy, đối với người dân những tài nguyên rừng, đất đai, nguồn nước là những điều kiện sống không thể thiếu được. Sống dựa vào rừng vẫn là đặc điểm chung của tất cả các cộng đồng dân cư ở đây. Tuy nhiên, chính sách giao đất rừng nhằm khuyến khích nguồn lực trong dân nhưng một số khu vực lại trở thành yếu tố hạn chế đời sống người dân do rừng được giao là rừng phòng hộ hay rừng đặc dụng, không thể được trồng nương rẫy hay khai thác gỗ củi.
Việc thành lập và hoạt động của khu BTTN có ảnh hưởng nhiều mặt tới đời sống của người dân trong khu BTTN. Không ít người dân cho rằng khu BTTN đã hạn chế cơ hội tiếp cận với các nguồn tài nguyên thiên nhiên của họ, còn lợi ích khu BTTN mang lại cụ thể rất ít, ngoại trừ một số nhỏ tiền khoán quản lý bảo vệ rừng.
Đối với người dân, việc thành lập khu BTTN có nghĩa là rừng lúc này đã có chủ, là ban quản lý khu BTTN. Trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng lúc này không còn nhiều ở địa phương. Sự tham gia của thôn xóm trong quản lý bảo vệ rừng do vậy giảm hẳn.
Nghiên cứu cũng đã phân tích sự khác biệt về nhận thức và thái độ của người từ các cộng đồng các xóm khác nhau. Các xóm ở sâu có hiểu biết tốt về hiện trạng và giá trị của rừng và của các tài nguyên thiên nhiên khác. Tuy vậy, họ chưa nhận thức đầy đủ về hạn mức của tài nguyên thiên nhiên, dẫn tới việc sử dụng, quản lý và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên chưa đúng mức, cũng như hiểu biết về pháp luật bảo vệ rừng chưa đầy đủ.
Các xóm ở bên ngoài tiện đường giao thông, tuy không nắm được hiện trạng tài nguyên tốt như các xóm gần rừng nhưng có nhận thức tốt về giá trị cũng như hạn mức của các tài nguyên thiên nhiên, đồng thời họ hiểu khá rõ pháp luật đối với những hành vi vi phạm tới rừng.
Báo cáo nghiên cứu đưa ra kiến nghị khi tiếp cận xây dựng mô hình phối hợp quản lý ở cấp thôn cần có sự phân biệt đối với từng địa điểm cả về hình thức, nội dung tiếp cận, thời gian vận động, nâng cao nhận thức, … Việc thí điểm mô hình quản lý rừng đặc dụng có sự phối hợp của địa phương không nên chỉ tập trung vào công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng hay tăng cường, siết chặt việc thực thi pháp luật, mà còn phải cố gắng hướng đến các biện pháp giải quyết những nhu cầu sinh kế thực tế của cộng đồng. Đặc biệt, vấn đề sử dụng tài nguyên rừng cần được định hướng để tạo được lợi ích phù hợp hơn với người dân và từ đó có được sự ủng hộ, tham gia của người dân.