Trong tháng 9/2010 dự án “Sự tham gia của các tổ chức địa phương trong quản lý bảo vệ rừng đặc dụng” đã tiến hành các điều tra cơ bản về kinh tế xã hội tại 14 thôn mục tiêu trên địa bàn 3 khu rừng đặc dụng Khau Ca, Mù Cang Chải và Ngọc Sơn Ngổ Luông. Các điều tra này bao gồm điều nhanh nông thôn có sự tham gia (PRA), đánh giá nhận thức của người dân (KAP) đối với công tác bảo tồn và đánh giá hiện trạng thực hiện công tác dân chủ cơ sở ở địa phương.
Tại mỗi thôn mục tiêu việc điều tra PRA được tiến hành dưới hình thức họp các đại diện hộ dân trong thôn, thảo luận các chủ đề khác nhau. Các công cụ PRA được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Các công cụ sử dụng gồm Lược sử thôn bản, Sơ đồ tài nguyên, Đánh giá lâm nghiệp, Biểu đồ VENN, Cây vấn đề, Lâm sản ngoài gỗ, Lịch thời vụ.
Thông tin thu được từ điều tra PRA được tổng hợp thành báo cáo kỹ thuật. Đây là báo cáo chứa đựng những thông tin cơ bản nhất, cho phép hiểu một cách tổng quát về các thôn mục tiêu của Dự án về mặt lâm nghiệp. Kết quả đánh giá PRA cũng cho phép phát hiện và mô tả những vấn đề tồn tại hay những vấn đề thiết yếu nổi lên tại địa phương.
Đánh giá nhận thức, thái độ và sự tham gia người dân (KAP) trong bảo tồn và quản lý tài nguyên thiên nhiên được thực hiện bằng hình thức phỏng vấn một số đại diện các hộ dân trong các thôn. Số hộ được phỏng vấn tùy từng địa bàn chiếm khoảng 30-40% tổng số hộ dân, gồm cả nam và nữ đều được lựa chọn phỏng vấn. Các câu hỏi phỏng vấn được thiết kế trên cơ sở rút kinh nghiệm đánh giá tương tự của PanNature tại VQG Chư Yang Sin (Đắk Lắk) trước đó. 27 câu hỏi bao gồm các lĩnh vực khác nhau nhằm tìm hiểu nhận thức, thái độ của người phỏng vấn đối với việc bảo tồn thiên nhiên và xác định mối quan hệ của họ với Ban quản lý khu bảo tồn ở địa bàn.
Sau quá trình tổng hợp, phân tích và xử lý dữ liệu phỏng vấn với phần mềm thống kê SPSS, các báo cáo điều đã cung cấp góc nhìn khái quát về nhận thức thái độ của người dân đối với công tác bảo tồn và với các cán bộ bảo tồn (kiểm lâm) tại địa phương.
Việc tìm hiểu tình hình thực hiện dân chủ cơ sở tại các thôn mục tiêu được tiến hành qua các buổi phỏng vấn mở ở một số hộ gia đình trong thôn và các cán bộ thôn và xã liên quan. Nội dung phỏng vấn xoay xung quanh các vấn đề đã được đề cập đến trong Pháp lệnh dân chủ cơ sở (năm 2007), về tình hình thực hiện người dân được biết, được bàn, được làm và được kiểm tra các kế hoạch, công tác của chính quyền cơ sở.
Cùng với công cụ biểu đồ VENN trong điều tra PRA, đánh giá dân chủ cơ sở giúp Dự án nắm được các thành phần quan trọng ảnh hưởng đến cộng đồng. Đây là cơ sở để trong bước tiếp theo tiến tới thành lập các tổ chức cộng đồng, phục vụ việc tham gia phối hợp quản lý bảo vệ rừng đặc dụng tại địa phương.
Trong một thời gian tương đối ngắn, Dự án đã thành công khi tiến hành điều tra, thu thập thông tin, đánh giá được thực tế trên địa bàn ở 3 khu bảo tồn thiên nhiên. Những kết quả điều tra cơ bản là thông tin cần thiết phục vụ cho việc thiết kế các mô hình phối hợp quản lý bảo vệ rừng đặc dụng một cách cụ thể, phù hợp với từng địa bàn, từng nhóm đối tượng, từng hoàn cảnh của các khu bảo tồn. Điều tra cơ bản là bước khởi đầu, nhưng không thể thiếu trong việc triển khai mô hình phối hợp quản lý bảo vệ rừng đặc dụng ở mỗi địa phương.