Limitless customization options & Elementor compatibility let anyone create a beautiful website with Valiance.

Liên hệ

NV 31, Khu đô thị Trung Văn, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội +024-3556-4001 contact@nature.org.vn Mở cửa: 8:00 - 17:30 Thứ Hai - Thứ Sáu

Ngày 11/04/2012, tại trụ sở Hạt kiểm lâm huyện Mù Cang Chải, Yên Bái đã diễn ra cuộc họp sơ kết hoạt động quý I/2012 của Hội đồng tư vấn (HĐTV) Khu Bảo tồn Loài và Sinh cảnh Mù Cang Chải (KBT). Tham dự cuộc họp ngoài các thành viên của HĐTV còn có ông Vũ Ngọc Tạo, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái, và đại diện của hai tổ chức hỗ trợ là FFI và PanNature.

Bắt đầu từ tiền thân là Hội đồng bảo vệ rừng, HĐTV được thành lập từ cuối năm 2011 theo quyết định 1785/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Mù Cang Chải với mục đích kiện toàn tổ chức nhằm hoạt động tốt hơn. Trong quý I/2012, Hội đồng đã ra quyết định số 01/QĐ-HĐTV phân công nhiệm vụ cụ thể cho 14 thành viên. Trong đó Chủ tịch Hội đồng – ông Vàng A Lử, đồng thời cũng là Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện và Phó ban quản lý Khu bảo tồn – với trách nhiệm xây dựng kế hoạch hoạt động và tài chính định kỳ cho HĐTV sẽ nhận được sự hỗ trợ của các thành viên chuyên trách về hoạt động nông lâm nghiệp, sử dụng đất và tài nguyên, công an, tư pháp, và chính quyền các xã vùng giáp ranh khu bảo tồn.

Rừng tự nhiên trong vùng lõi khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải

5 xã ở giáp ranh của KBT có đại diện tham gia bao gồm các chủ tịch hoặc phó chủ tịch xã (mỗi xã một người). Trách nhiệm của các đại diện xã là chỉ đạo, vận động nhân dân quản lý và sử dụng tài nguyên rừng theo đúng quy định hiện hành của nhà nước. Ngoài ra, Bí thư huyện đoàn và Chủ tịch Hội nông dân huyện Mù Cang Chải cũng tham gia HĐTV với vai trò động viên, thuyết phục người dân hưởng ứng công tác bảo vệ rừng thông qua hai kênh hoạt động xã hội đặc thù là Đoàn thanh niên và Hội nông dân.

Cuộc họp đã diễn ra chỉ trong một buổi sáng, các thành viên và khách mời đã lắng nghe và thảo luận ba báo cáo, trong đó có một báo cáo hoạt động chung của HĐTV do Chủ tịch Hội đồng trình bày và hai báo cáo chuyên môn do hai cán bộ kiểm lâm địa bàn trình bày. Các vấn đề nóng như nhận thức của người dân; tình hình mua bán và sử dụng bẫy, kíp nổ, cưa; công tác tuần tra bảo vệ rừng; và triển khai các tiểu dự án từ các gói tài trợ nhỏ đều được đưa ra bàn thảo sôi nổi.

Hầu hết các thành viên Hội đồng đều chỉ ra khó khăn lớn nhất của công tác quản lý bảo vệ rừng ở KBT là lực lượng tuần tra, tuyên truyền, quản lý đều mỏng. Bản thân các thành viên của HĐTV cũng đang làm kiêm nhiệm nhiều việc. Các cán bộ kiểm lâm địa bàn và đại diện các xã, những người trực tiếp chỉ đạo, tham gia công tác quản lý cấp cộng đồng, đều nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, vận động người dân hưởng ứng và tuân thủ pháp luật về bảo vệ rừng trong bảo tồn rừng đặc dụng trong KBT nói riêng cũng như quản lý bảo vệ rừng trên toàn địa bàn. Tuy nhiên, cuộc họp chưa đưa ra được giải pháp gì cụ thể để có thể tăng cường nâng cao nhận thức cho người dân.

Việc triển khai các gói tài trợ nhỏ theo dự án “Sự tham gia của các tổ chức bảo tồn địa phương trong quản lý và bảo vệ rừng đặc dụng” cũng thu hút được nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận trong cuộc họp. Chia sẻ từ ông Thào A Páo, Phó chủ tịch xã Nậm Khắt, và ông Giàng A Câu, Phó chủ tịch xã Lao Chải, cho rằng trên thực tế giữa các thôn được nhận tài trợ và các thôn không được nhận tài trợ có thể nảy sinh sự đua tranh, và các ông mong muốn tới đây sẽ có thêm những khoản tài trợ nhỏ nữa cho các thôn chưa được tài trợ. Đại diện FFI, giám đốc dự án, ông Hoàng Văn Lâm cho biết tổ chức FFI cũng mong muốn được tiếp tục hỗ trợ người dân các xã vùng đệm KBT và FFI đã tìm được một nhà tài trợ có khả năng tài trợ tiếp cho hoạt động tuần tra rừng ở địa bàn này thêm 3 năm nữa. Tuy nhiên, FFI cũng nhấn mạnh rằng HĐTV và các xã cần mở rộng tìm kiếm các nguồn hỗ trợ khác sau những bước đầu thử nghiệm với các gói tài trợ nhỏ trong dự án này.

Để giải quyết các khó khăn dưới cơ sở như vậy, HĐTV được hy vọng sẽ là một sáng kiến thúc đẩy sự tham gia tích cực của các bên liên quan để cùng quản lý bảo vệ rừng hiệu quả, đặc biệt là rừng đặc dụng thuộc KBT. Ông Vàng A Lử, Chủ tịch Hội đồng, cũng hơn một lần nhấn mạnh trong cuộc họp rằng bản thân HĐTV mới chủ yếu làm được về chuyên môn kiểm lâm, công tác phối hợp vẫn chưa làm tốt. Ông Lử cho rằng khái niệm “đồng quản lý” vẫn còn là một vấn đề mới, các thành viên HĐTV cũng chưa hiểu được cặn kẽ, nên cần có thêm những cuộc trao đổi, thảo luận “cho vỡ ra.” Trao đổi trong và bên lề cuộc họp, ông Nguyễn Thành Nho, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện, Phó chủ tịch thường trực HĐTV, nêu ý kiến nên làm rõ quy chế phối hợp trong thực hiện đồng quản lý. Ông Nho cũng cho biết, trước khi có KBT và HĐTV, các cơ quan có trách nhiệm về quản lý bảo vệ rừng cũng đã có những kênh trao đổi, chia sẻ thông tin với nhau, ví dụ như sinh hoạt Đảng bộ của khối chuyên môn nông – lâm – nghiệp. Ông Nho cho rằng, HĐTV đã có một đóng góp mới là giúp liên kết các xã lại với nhau, nhưng vẫn cần cố gắng thúc đẩy hoạt động hiệu quả hơn nữa.

Kết luận tại cuộc họp, ông Vũ Ngọc Tạo, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái, chia sẻ rằng hình thức quản lý qua HĐTV là rất mới. Quyết định 07/2012/QĐ-Ttg của Chính phủ gần đây đã đưa vấn đề “đồng quản lý” vào chính sách, nhưng cũng chưa được triển khai trong thực tế. Do vậy, ông cũng hy vọng HĐTV Mù Cang Chải sẽ tiếp tục hoạt động và đúc rút ra những kinh nghiệm thực tiễn quý báu trong công tác đồng quản lý rừng để chia sẻ cho các địa phương khác.

Leave A Comment

Cập nhật

Cùng tham gia "Bớt củi - Giữ rừng"
Tham gia