Trong tháng 4/2012, nhận được thư mời của Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo về FLEGT và Lacey thuộc Tổng cục Lâm nghiệp – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, nhóm nòng cốt của Mạng lưới VNGO&FLEGT bao gồm Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển vùng cao (CERDA), Trung tâm Vì sự Phát triển Bền vững Miền núi (CSDM), Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) và Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững (SRD) đã tham gia và gửi văn bản đóng góp ý kiến cho Dự thảo 5 về Định nghĩa gỗ và Sản phẩm gỗ hợp pháp của Việt Nam, dự thảo này nằm trong lộ trình đàm phán Hiệp định Đối tác Tự nguyện (VPA) về Chương trình thực thi Lâm luật, Quản trị Rừng và Thương mại Lâm sản.(FLEGT). Bản góp ý này sẽ xác định những bước đi đầu tiên của các Tổ chức Dân sự Việt Nam như là một bên liên quan quan trọng trong tiến trình đàm phán về VPA/FLEGT giữa Chính phủ Việt Nam với Liên minh châu Âu (EU).
Với kinh nghiệm thực tế làm việc với cộng đồng, các thành viên nòng cốt của Mạng lưới đã chỉ rõ, bên cạnh việc tham vấn các Bộ, Ban ngành liên quan, hoạt động tham vấn cộng đồng là một hoạt động không thể thiếu, đặc biệt là tham vấn các hộ gia đình là chủ rừng hoặc sinh sống dựa vào rừng để có một cách nhìn bao quát và thực tiễn hơn cho định nghĩa gỗ và các sản phẩm gỗ hợp pháp trong bối cảnh của Việt Nam. Văn bản khuyến nghị nêu rõ “…kinh nghiệm quốc tế mà đại diện Mạng lưới VNGO&FLEGT tiếp thu từ Tuần lề FLEGT tại Bỉ cũng cho thấy, các quốc gia đã ký kết Hiệp định VPA/FLEGT với EU mà nhận được sự đồng thuận cao từ tất cả các bên liên quan thì trong quá trình xây dựng dự thảo Định nghĩa gỗ và sản phẩm gỗ hợp pháp đều có tiến hành tham vấn và tiếp thu ý kiến của các cộng đồng địa phương/bản địa là chủ rừng hoặc sinh sống dựa vào rừng…”. Nhóm nòng cốt đồng thời bày tỏ quan điểm mong muốn đóng góp nhiều hơn nữa cho Dự thảo định nghĩa gỗ và sản phẩm gỗ cũng như Hiệp định Đối tác Tự nguyện VPA/FLEGT thông qua các hoạt động tham vấn cộng đồng sẽ được Mạng lưới triển khai trong thời gian tới, như: Nâng cao năng lực cho các thành viên trong Mạng lưới để có thể tham gia một cách hiệu quả vào tiến trình đàm phán VPA/FLEGT; lập kế hoạch, triển khai và xây dựng báo cáo tham vấn cộng đồng tại một số tỉnh về định nghĩa gỗ và sản phẩm gỗ hợp pháp; đánh giá tác động tiềm tàng của VPA/FLEGT đến cộng đồng địa phương tại Việt Nam; và tổ chức các hoạt động tọa đàm với các bên liên quan về kết quả tham vấn cộng đồng của Mạng lưới.
Ngoài ra, bản góp ý còn đưa ra một số ý kiến như cần xem xét lại dòng chu chuyển gỗ để có được định nghĩa gỗ hợp pháp một cách toàn diện hơn và cần có khung tham chiếu về các luật liên quan một cách rõ ràng để thuận tiện cho việc triển khai sau này và tránh sự chồng chéo.
Toàn văn góp ý cho Dự thảo về Định nghĩa gỗ và sản phẩm gỗ hợp pháp (File PDF, 55 KB)
Mạng lưới VNGO&FLEGT ra đời vào tháng 1/2012, trong bối cảnh Việt Nam đang chuẩn bị cho phiên đàm phán chính thức VPA/FLEGT lần thứ 3 sẽ diễn ra mùa hè năm nay với mục đích nhằm đóng góp tiếng nói và vai trò phản biện của xã hội dân sự tại Việt Nam trong quá trình hoạch định chính sách, thực hành tốt về quản trị lâm nghiệp và thực hiện kế hoạch quản lý bảo vệ và phát triển rừng ở Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Mạng lưới hiện bao gồm 20 tổ chức phi chính phủ Việt nam, viện nghiên cứu, trung tâm phát triển thuộc các trường đại học trong các lĩnh vực vực lâm nghiệp, phát triển cộng đồng nông thôn, bảo tồn thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thông tin tham khảo về FLEGT trên Trang thông tin ThienNhien.Net: