Khóa đào tạo giảng viên nguồn về giáo dục môi trường do Tổ chức phát triển quốc tế Đức (GIZ), Hiệp hội các vườn quốc gia và khu bảo tồn, tổ chức Live&Learn” đã được tổ chức trong 4 ngày liên tục từ ngày 9/7 – 12/7/2012 tại Vườn quốc gia Cúc Phương với sự tham gia của 31 học viên.
Các nội dung của khóa đào tạo bao gồm:
- Thảo luận về giáo dục, truyền thông môi trường
- Trao đổi về các phương pháp và công cụ giáo dục môi trường (GDMT)
- Phân tích ưu, nhược điểm của các phương pháp GDMT cho các đối tượng trường học, cộng đồng, du khách
- Chia sẻ về kinh nghiệm GDMT
- Thảo luận, hướng dẫn các bước xây dựng chương trình GDMT: các vấn đề thường gặp, cách giải quyết và cách làm cụ thể.
- Thực hành các kỹ năng cơ bản của GDMT
Khóa đào tạo không chỉ cung cấp các kiến thức, kỹ năng cơ bản mà còn tạo cơ hội để các học viên được học hỏi, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm về GDMT. Thông qua các hoạt động làm việc nhóm, trò chơi và hoạt động ngoại khóa các thành viên của khóa học có điều kiện tìm hiều về đặc điểm công việc, khó khăn cũng như thuận lợi của công việc GDMT tại từng địa phương khác nhau.
Các học viên trong khóa học.
Chị Nguyễn Thị Hương, cán bộ của Trung tâm Con người và Thiên nhiên, cũng là một thành viên của khóa đào tạo này. Khóa đào tạo cũng giúp cho PanNature xây dựng mối quan hệ với các khu bảo tồn và vườn quốc gia tham gia, phục vụ cho các công việc trong tương lai.
Chị Nguyễn Thị Hương nhận chứng chỉ khóa đào tạo từ Ts. Nguyễn Bá Thụ,
Chủ tịch Hiệp hội các vườn quốc gia và khu bảo tồn Việt Nam.
Vườn quốc gia Cúc Phương là một trong những nơi sớm nhất thực hiện các hoạt động giáo dục, nâng cao nhận thức môi trường một cách thường xuyên ở các trường học và cộng đồng khu vực vùng đệm. Nhiều khóa đào tạo về giáo dục môi trường, nâng cao nhận thức bảo tồn cũng đã được tổ chức ở đây – góp phần nhân rộng mô hình ra nhiều vườn quốc gia, khu bảo tồn khác. Thông tin thêm về Vườn quốc gia Cúc Phương và các hoạt động bảo tồn: http://www.cucphuongtourism.com