Ngành công nghiệp khai thác của Việt Nam thời gian qua đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, nhưng cũng bộc lộ nhiều yếu kém, hiệu quả kinh tế thấp, nguy cơ cạn kiệt tài nguyên và để lại nhiều hậu quả ảnh hưởng tới môi trường.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó và trong đó có nguyên nhân quan trọng là tính minh bạch trong lĩnh vực này luôn ở mức đáng báo động.
Đây là một trong nhiều nội dung được trao đổi tại Hội thảo Sáng kiến minh bạch ngành công nghiệp khai thác (EITI) do Viện Tư vấn phát triển cùng Trung tâm Con người và Thiên nhiên, thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, tổ chức ngày 24/7.
Là nước có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, đa dạng, cho đến nay, Việt Nam đã phát hiện được trên 5.000 mỏ và điểm quặng với hơn 60 loại khoáng sản khác nhau. Ngành khai thác khoáng sản (bao gồm cả dầu khí) trong những năm qua đã có những đóng góp quan trọng trong phát triển đất nước. Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất công nghiệp khai khoáng theo giá hiện hành giai đoạn 2001-2009 là 14,9%/năm, đáng chú ý riêng ngành Dầu khí đã đóng góp 24% tổng thu ngân sách nhà nước năm.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Võ Tuấn Nhân, mặc dù Chính phủ, các bộ ngành đã ban hành rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật khoáng sản cũng như các Luật có liên quan, song ngành khai khoáng của nước ta thời gian qua vẫn còn bất cập, chưa gắn với sự phát triển ổn định của môi trường.
Phó Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn cho biết lợi ích khi Việt Nam tham gia EITI sẽ giúp tăng nguồn thu cho ngân sách, giảm thiểu thất thoát tài chính từ hoạt động khai thác dầu khí, khoáng sản. Đồng thời, tạo niềm tin cho nhà đầu tư, nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn lực của doanh nghiệp, giảm chi phí không chính thức tăng tính bình đẳng về cơ hội kinh doanh cho các đối tượng khác nhau
Cũng tại hội thảo, các chuyên gia đến từ các nước đã chia sẻ về những kinh nghiệm để Việt Nam thiết lập và từng bước triển khai xây dựng EITI .
Ông Đậu Anh Tuấn cho biết Việt Nam đã tham gia Sáng kiến minh bạch trong ngành xây dựng (COST) và Sáng kiến minh bạch và nhất quán trong kinh doanh (ITBI). Đối với EITI, Bộ Công Thương bước đầu tiếp cận sáng kiến này từ năm 2007 và cũng đã có nhiều nỗ lực trong nghiên cứu, giới thiệu EITI ở Việt Nam.
EITI là sáng kiến về liên minh tự nguyện giữa các chính phủ, các công ty, các tổ chức xã hội và tổ chức quốc tế nhằm nâng cao minh bạch và trách nhiệm giải trình trong ngành công nghiệp khai thác được đề xuất từ năm 2002 tại Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về phát triển bền vững tại Nam Phi. Đến nay đã có 35 quốc gia thực thi sáng kiến với sự tham gia của trên 50 công ty khai khoáng, cùng hàng trăm tổ chức xã hội. |