Ngày 23-24/11, Trung tâm Con người và Thiên nhiên, Viện Tư vấn Phát triển và Viện Giám sát nguồn thu phối hợp tổ chức Hội thảo tập huấn Giới thiệu sáng kiến minh bạch trong công nghiệp khai thác (EITI) và triển vọng tại Việt Nam nhằm mục đích chia sẻ thông tin về thực trạng ngành công nghiệp khai thác và chính sách quản lý của Việt Nam, cung cấp các thông tin cơ bản nhất về EITI qua đó thúc đẩy mối quan tâm và sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam trong tiến trình vận động chính sách liên quan đến quản trị tốt tài nguyên khoáng sản và EITI.
Sáng kiến minh bạch trong ngành công nghiệp khai khoáng (EITI) được Thủ tướng Anh Tony Blair khởi xướng từ năm 2002 nhằm thúc đẩy việc công bố các khoản chi trả giữa các công ty khai thác và chính phủ các quốc gia sở hữu tài nguyên. Cho đến nay, đã có 37 nước trên thế giới tham gia EITI với 16 nước thành viên đầy đủ và 21 nước ứng viên. Ở Việt Nam, việc nghiên cứu tham gia EITI mới ở giai đoạn ban đầu.
Một trong những nguyên tắc cơ bản nhất trong thực thi EITI là yêu cầu sự tham gia tích cực và ngay từ đầu của các chủ thể bao gồm diện chính phủ; doanh nghiệp khai thác khoáng sản và các tổ chức xã hội dân sự.
Vì thế, trong bối cảnh hiện nay, việc cung cấp thông tin về thực thi sáng kiến EITI cho cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam là việc làm cần thiết để có thể thảo luận sâu hơn hướng đi trong tương lai đối với sáng kiến EITI.
Việt Nam có nguồn tài nguyên khoáng sản khá đa dạng và phong phú với hơn 60 loại khoáng sản tại hơn 5000 mỏ, điểm quặng. Trong đó một số loại khoáng sản có trữ lượng lớn ở quy mô thế giới như bauxit, titan, đất hiếm và đá vôi, dầu khí.. Trong những năm qua, ngành khai khoáng đã có những đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế đất nước.
Tuy vậy, việc khai thác tài nguyên khoáng sản ở Việt Nam thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập, chưa hợp lý dẫn đến hiệu quả sử dụng tài nguyên thấp, nguy cơ tài nguyên bị cạn kiệt, tỷ lệ thất thoát cao và để lại nhiều hậu quả đối với môi trường, xã hội.
Sáng kiến EITI được coi như một tiêu chuẩn tối thiểu mang tính toàn cầu về công khai nguồn thu trong đó kết hợp giữa minh bạch và khả năng giải trình. Theo đó, tham gia vào EITI mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực cho cả doanh nghiệp, nhà nước và người dân.
Đới với chính phủ, tham gia EITI chính là một cách cam kết về minh bạch và chống tham nhũng, giúp cải thiện thu và quản lý nguồn thu, cải thiện xếp hạng tự chủ, danh tiếng cũng như cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư.
Đối với doanh nghiệp, tham gia EITI giúp giảm rủi ro, tăng cường môi trường đầu tư, thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Đối với các tổ chức dân sự, EITI giúp tăng cường thông tin trong công chúng, cho các tổ chức dân sự một tiếng nói, các cơ chế kêu gọi giúp đỡ và hành động. Tăng cường trên diện rộng khả năng chống tham nhũng và tăng cường các chương trình nghị sự có sự quản trị tốt.
Ông Phạm Quang Tú, Phó Viện trưởng Viện CODE cho biết, hầu hết các doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực khai khoáng đều cho biết họ muốn tham gia vào EITI, duy chỉ có hai doanh nghiệp lớn của nhà nước là Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tập đoàn dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) còn chưa mặn mà với EITI”. Lý do mà các doanh nghiệp tư nhân muốn Việt Nam sớm tham gia EITI vì như vậy, họ có khả năng bớt bị nhũng nhiễu trong quá trình hoạt động và thông tin khai thác khoáng sản ở Việt Nam sẽ minh bạch hơn.
Hiện Chính phủ Việt Nam đã giao cho Bộ Công Thương thực hiện nghiên cứu khả thi về khả năng tham gia EITI của Việt Nam. Nhưng công việc này cũng chỉ mới ở giai đoạn ban đầu.
Một số các chuyên gia trong ngành khai khoáng và hoạch định chính sách cho biết khả năng tham gia EITI của Việt Nam là có thể, nhưng có lẽ còn phải đợi một thời gian dài nữa.