Limitless customization options & Elementor compatibility let anyone create a beautiful website with Valiance.

Liên hệ

NV 31, Khu đô thị Trung Văn, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội +024-3556-4001 contact@nature.org.vn Mở cửa: 8:00 - 17:30 Thứ Hai - Thứ Sáu

Không ít chủ đầu tư coi việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) như là một thủ tục, vì vậy đa số là làm lấy lệ cho đủ để dự án được thông qua chứ không quan tâm đến những tác động và nguy cơ môi trường thực sự.

Kết luận này được Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) đưa ra sau gần 3 năm nghiên cứu việc thực hiện pháp luật về ĐTM đối với các dự án đầu tư tại Việt Nam. Thạc sĩ Nguyễn Việt Dũng, Phó giám đốc PanNature, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết: “Tiếp cận hơn 100 dự án về thủy điện, công nghiệp… càng chứng tỏ cái gọi là “đầu voi, đuôi chuột” trong việc thực thi pháp luật về môi trường”.

Thủ tục hợp pháp hóa dự án

Báo cáo kết quả nghiên cứu đã dẫn ví dụ về “phong trào” cấp phép ồ ạt cho các dự án xây dựng sân golf ở Việt Nam trong những năm qua. Mục đích minh chứng cho việc nếu các dự án này tuân thủ thực hiện ĐTM nghiêm túc và chất lượng thì sẽ không có những xung đột xảy ra giữa các chủ dự án và cộng đồng địa phương do tranh chấp quyền sở hữu, tiếp cận, sử dụng tài nguyên đất, rừng và nguồn nước.

Rất nhiều dự án được xem là copy dự án đánh giá tác động môi trường.
Rất nhiều dự án được xem là copy dự án đánh giá tác động môi trường.

 

Theo thạc sĩ Phạm Quang Tú, Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển (CODE), khía cạnh xã hội của báo cáo ĐTM hiện nay rất nhạt nhòa. Có thể thấy rõ điều này qua dự án xây dựng nhà máy thủy điện Hương Sơn và dự án khai thác mỏ Titan ở Hà Tĩnh. Nội dung các báo cáo ĐTM cho thấy phần đánh giá TĐM xã hội rất ngắn gọn và chung chung, thiếu cơ sở khoa học và ít thuyết phục. Ví dụ, phần đánh giá tác động xã hội trong báo cáo ĐTM của dự án Titan Hà Tĩnh chỉ có ½ trang, dự án thủy điện Hương Sơn chỉ có 01 trang. Các đánh giá được trình bày chung chung, không có chiều sâu và hoàn toàn không khác biệt so với các dự án khác. Hay như báo cáo ĐTM của dự án thủy điện Lai Châu – một trong ba công trình thủy điện lớn trên sông Đà với công suất 1.200MW, toàn bộ nội dung dày tới 200 trang, nhưng phần đánh giá tác động kinh tế – xã hội cũng chỉ chiếm 2 trang.

PGS.TS Phùng Chí Sỹ, Viện Kỹ thuật Nhiệt đới và Bảo vệ môi trường cho rằng, hiện tượng các chuyên gia tư vấn thường được “khoán” làm một báo cáo ĐTM cho “phù hợp với yêu cầu của pháp luật” là rất phổ biến ở các địa phương. Vì vậy, việc tuân thủ quy trình và yêu cầu chất lượng báo cáo ĐTM thường bị làm ngơ hoặc xem nhẹ. Báo cáo ĐTM hiện nay “mới chỉ quan tâm đến tác động có hại trực tiếp, trước mắt. Các phương án giảm thiểu tác động thì quá sơ sài, hoặc thiếu tính khả thi, hoặc chỉ là lời hứa hẹn không có cơ sở”.

Bản chất của công tác ĐTM là quá trình tìm hiểu, dự báo các tác động môi trường và tác động xã hội tiêu cực, đề xuất giải pháp ngăn ngừa, hạn chế tác động này khi dự án được thực hiện. Tuy nhiên, những người “trong nghề” tiết lộ, một bộ phận các nhà quản lý và chủ đầu tư coi việc lập báo cáo ĐTM như một thủ tục trong quá trình chuẩn bị hoặc thực hiện dự án. Thậm chí nhiều người còn “đổ lỗi” cho yêu cầu thực hiện ĐTM đã cản trở hoạt động phát triển sản xuất và đầu tư. Vì vậy, khi được yêu cầu lập báo cáo ĐTM, họ chỉ làm lấy lệ, chú trọng làm cho đủ thủ tục để thông qua chứ không quan tâm đến những tác động và nguy cơ môi trường thực sự.

“Nhân bản” ĐTM, thiếu tin cậy

`Theo GS.TSKH Trần Hiếu Nhuệ, một chuyên gia đầu ngành về môi trường của Viện nước và Công nghệ môi trường, khoảng 20% số báo cáo ĐTM ông tham gia thẩm định được copy từ các bản báo cáo khác. “Thậm chí nhiều trường hợp chủ đầu tư còn quên thay đổi địa danh cho phù hợp với dự án mới”, GS Huệ cho biết.

Nhiều chuyên gia về môi trường cũng thừa nhận, có những trường hợp cố tình làm ngơ hoặc đánh giá thấp giá trị và vai trò của môi trường và hệ sinh thái ở nơi dự án đề xuất can thiệp. Ví dụ VQG Tam Đảo đã được quy hoạch và khẳng định là “khu rừng đa dạng sinh học cao với rừng lùn thường xanh điển hình”, thế nhưng báo cáo hiện trạng môi trường phục vụ cho chuẩn bị dự án Tam Đảo II (xây dựng khu du lịch sinh thái với nhiều khu vui chơi giải trí do nước ngoài đầu tư) ở vùng lõi Tam Đảo đã đánh giá là khu vực “nghèo đa dạng sinh học, không có giá trị bảo tồn”. Tương tự, báo cáo ĐTM cho đề xuất dự án xây dựng tủy điện Rào Àn 1 và Rào Àn 2 trong vùng rừng nguyên sinh kề VQG Vũ Quang ở xã Kim Sơn (Hà Tĩnh) đã không đề cập đến tác động của dự án đối với các loài thú lớn bị đe dọa có giá trị bảo tồn trên toàn cầu như sao la, voi.

Theo thông lệ quốc tế, chi phí để lập một báo cáo ĐTM thường chiếm từ 1-3% so với tổng kinh phí của một dự án. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ở Việt Nam có những dự án đầu tư trị giá đến hàng chục tỉ đồng, nhưng chi phí thực hiện ĐTM chỉ là vài chục triệu đồng. Với mức chi này, khó có thể đáp ứng được các yêu cầu về khảo sát, đo đạc một cách nghiêm túc và cập nhật các chỉ tiêu môi trường.

Chính quan niệm sai lệch về yêu cầu ĐTM của các chủ đầu tư đối với việc lập báo cáo ĐTM đã dẫn đến tính trạng “các báo cáo ĐTM đang nặng về tính hình thức, chất lượng không chuẩn khiến cho môi trường vượt quá sức tải cho phép”, TS Nguyễn Khắc Kinh, nguyên Vụ Trưởng Vụ Thẩm định và đánh giá tác động môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhận định.

Theo Báo Đất Việt

Leave A Comment

Cập nhật

Cùng tham gia "Bớt củi - Giữ rừng"
Tham gia