Trong chuyến điều tra thực địa diễn ra vào giữa tháng 12/2012, nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) phát hiện một khu vực rừng dưới chân đỉnh núi Pha Luông thuộc địa phận Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Nha (Sơn La) chứa các loài cây lá kim quí hiếm gồm Đỉnh tùng Cephalotaxus và 2 loài Dẻ tùng Amentotaxus.
Hoạt động điều tra, đánh giá hiện trạng bảo tồn các loài cây lá kim thuộc Khu Bảo tồn này nằm trong khuôn khổ dự án “Đánh giá hiện trạng bảo tồn của các loài cây lá kim trên hành lang núi đá vôi Tây Bắc” do quỹ Rufford tài trợ cho PanNature.
Khu vực rừng được điều tra rộng khoảng 120 ha, nằm ở phía Tây Nam, chạy dọc chân đỉnh núi Pha Luông (độ cao từ 1580 đến 1635 m), thuộc địa phận bản Cột Mốc, xã Tân Xuân, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, giáp với tỉnh Sầm Nưa của nước bạn Lào. Trạng thái rừng được xác định là rừng hỗn giao á nhiệt đới núi cao phát triển trên đất với đá mẹ sa phiến thạch, và tại đây, nhóm bắt gặp 3 loài cây lá kim quí hiếm gồm Đỉnh tùng, Dẻ tùng sọc hẹp và Dẻ tùng sọc rộng.
Quần thể Đỉnh tùng (Cephalotaxus mannii Hook.f.) tại Pha Luông ước tính có khoảng 10 cá thể trưởng thành, một số cây cao tới 25m, đường kính ngang ngực tới 80 cm. Một số cây mọc trên vách đá thì kém phát triển hơn, thân chính bị gãy, mọc lên nhiều nhánh con nhỏ. Ngoài các cây trưởng thành, nhóm cũng bắt gặp nhiều cây con Đỉnh tùng tái sinh tốt ở những nơi ẩm ướt, chúng mọc trên lớp mùn được tạo bởi xác thực vật của rừng.
Thân cây Đỉnh tùng có vỏ màu nâu đỏ, bong rời thành các lớp mỏng. Lá mặt trên màu xanh đậm, mặt dưới có các dải lỗ khí màu trắng xanh. Đỉnh tùng là loài cây lá kim có phân bố rải rác ở nước ta, hiện được đánh giá ở mức Sẽ nguy cấp (VU) trong Sách Đỏ Việt Nam (2007) cũng như trong Danh lục đỏ của IUCN. Loài này cũng được liệt kê trong danh mục IIA của Nghị định 32 của Chính phủ về các loài Thực vật rừng, động vật rừng hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại.
Trong khu vực điều tra cùng chỗ với Đỉnh tùng, nhóm phát hiện một cá thể Dẻ tùng sọc rộng (Amentotaxus yunnanensis H.L. Li), kích thước rất lớn, đường kính ngang ngực tới 85 cm, cao gần 30m. Dẻ tùng sọc rộng là loài cây rất hiếm, được xếp ở mức đe dọa cao (Đang nguy cấp EU) trong Danh lục đỏ của IUCN. Thông thường, loài này thường mọc trên các khu vực núi đá vôi ở Hà Giang, Lao Cai, Bắc Kạn, Tuyên Quang, nhưng ở đây lại tìm thấy chúng trên núi đất trên đá mẹ sa phiến thạch với kích thước cây lớn. Cá thể Dẻ tùng sọc rộng tương tự tới nay mới được bắt gặp ở Khu Bảo tồn Pù Luông (Thanh Hóa), và như vậy Xuân Nha là điểm thứ hai ghi nhận loài Dẻ tùng sọc rộng với cá thể trưởng thành lớn trên núi đất.
Một loài Dẻ tùng khác cũng được bắt gặp ở Pha Luông là Dẻ tùng sọc hẹp (Amentotaxus argroteania Pilger) với đặc điểm các dải lỗ khí mặt sau của lá hẹp hơn so với loài Dẻ tùng sọc rộng nêu trên. Tuy nhiên, nhóm chỉ quan sát thấy 2 cây nhỏ, cao 3-4m. Dẻ tùng sọc hẹp phân bố ở nhiều nơi với số lượng ít, được đánh giá ở mức Sẽ nguy cấp (VU) trong Danh lục đỏ của IUCN.
Việc phát hiện các quần thể Đỉnh tùng và Dẻ tùng tại khu vực Pha Luông có ý nghĩa lớn trong công tác nghiên cứu, bảo tồn, đánh giá đa dạng sinh học của Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Nha. Tuy khu vực rừng này ít bị tác động của con người do nằm cách xa khu dân cư, nhưng do số lượng cây ít, phân bố ở khu vực hẹp, khả năng tái sinh kém, nạn cháy rừng thường trực xảy ra nên sự sinh tồn của các quần thể này đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ đe dọa cao.
Thêm điểm đáng chú ý là ngoài các loài cây lá kim kể trên, nhóm điều tra còn bắt gặp một số loài khác ở các khu vực lân cận như: Du sam, Thông nàng, Thông tre lá dài… Như vậy, có thể thấy, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Nha hiện còn ẩn chứa rất nhiều giá trị về đa dạng sinh học cần được quan tâm nghiên cứu và bảo tồn.
Đặng Trường – Phan Văn Thăng