Không chỉ các chủ đầu tư làm báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) một cách sơ sài, đến khâu thẩm định báo cáo này cũng được “cho qua” một cách dễ dàng.
TS Nguyễn Khắc Kinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhận định: “Do trình độ, sức ép về kinh tế là một phần, nhưng cơ bản là “sự gửi gắm” của “ông to, bà lớn” yêu cầu châm chước cho các dự án, khuyến khích đầu tư của tỉnh nhà… thành ra các sở không dám làm “găng” và quan trọng hơn cả là đơn vị đứng ra thẩm định không có trình độ tương xứng”.
Biết giá đắt, vẫn đổi
Thẩm định và phê duyệt báo cáo ĐTM được pháp luật phân cấp cho Bộ TN-MT (cấp trung ương) và UBND (cấp địa phương). Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những ưu tiên về dự án đầu tư và phát triển kinh tế của cả chính phủ, ngành và các tỉnh thành đã đặc các cơ quan (và cá nhân) chịu trách nhiệm thẩm định báo cáo ĐTM vào thế “không được trái ý cấp trên”, nhất là các dự án đầu tư quy mô lớn của nước ngoài nhưng tiềm ẩn rủi ro cao về môi trường như thủy điện, cảng biển, khai thác khoáng sản…
Theo TS Nguyễn Khắc Kinh, quan điểm về “đánh đổi giữa môi trường và phát triển” chưa được vận dụng sâu sắc trong quá trình thẩm định và phê duyệt báo cáo ĐTM. Trong nhiều trường hợp sự cân nhắc, đánh đổi kinh tế và môi trường đã chuyển thành “bỏ qua”. Ví dụ điển hình cho trường hợp này là dự án khai thác chế biến quặng bô – xit ở Tây Nguyên do Tập đoàn công nghiệp than – khoáng sản Việt Nam làm chủ đầu tư. Với dự án này, các nhà khoa học, môi trường, nghiên cứu văn hóa đã kịch liệt phản đối vì cái giá của môi trường phải trả quá đắt trong khi hiệu quả kinh tế từ dự án lại thấp. Thế nhưng quyết định đã được Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh Đắc Lắc thông qua.
Báo cáo kết quả nghiên cứu của Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) cũng chỉ ra một thực tế, các ý kiến đánh giá của hội đồng thẩm định hầu như chỉ mang tính chất tư vấn, tham khảo trong quá trình ra quyết định cuối cùng. Nghĩa là, quyết định thông qua báo cáo ĐTM được định đoạt bởi hội đồng phê duyệt chứ không thuộc thẩm quyền của hội đồng thẩm định. Như vậy, trong trường hợp dự án được thông qua và đi vào hoạt động mới gây ra những tác động và suy thoái môi trường thì sẽ khó quy trách nhiệm cho các bên liên quan.
Giám sát sau phê duyệt còn yếu
TS Nguyễn Khắc Kinh cho biết, thực tế các địa phương, đội ngũ chuyên trách về môi trường vốn đã ít, song năng lực không đủ để thẩm định các dự án lớn. “Nhiều báo cáo ĐTM đã bịa ra các con số để phục vụ cho dự án nhưng cơ quan thẩm định cũng không đủ năng lực, không đủ nhân lực để đo đạc hay kiểm tra lại số liệu. Vì thế, hầu hết chỉ phê duyệt con số trên báo cáo”, ông Kinh nói.
Thêm vào đó, các cơ quan quản lý không có đủ nhân lực, trang thiết bị và thời gian để giám sát môi trường trong quá trình xây dựng và hoạt động của dự án. Họ cũng chưa có đủ quyền để cưỡng chế việc thực thi các yêu cầu được ghi trong quyết định phê chuẩn báo cáo ĐTM. Minh chứng cho điều này được PanNature dẫn ví dụ về sự vi phạm của Công ty TNHH Vedan, trắng trợn vi phạm Luật BVMT – xả trái phép nước thải chưa qua xử lý xuống sông Thị Vải kéo dài liên tục trong 14 năm. Khi vụ việc bị lực lượng cảnh sát Môi trường phát hiện và điều tra thì có tới 3 tội danh không xử phạt được do đã hết thời hạn xử phạt hành chính. Cả 3 tội danh này đều liên quan đến báo cáo ĐTM bổ sung và cam kết bảo vệ môi trường.
Hàng loạt các khiếm khuyết được chỉ ra từ việc lập báo cáo, thẩm định và giám sát thực hiện ĐTM được các chuyên gia và nghiên cứu của PanNature chỉ ra đều minh chứng rằng, công tác ĐTM tại Việt Nam đang “làm cho có lệ và thực sự mang tính hình thức. Làm thế này, thà không làm còn hơn!”, ông Kinh đánh giá.
Trước thực tế này, các chuyên gia môi trường cho rằng, quan trọng hơn cả là phải nâng cao nhận thức của cả “quan trí” và dân trí. Cần phải rà soát lại những lỗ hổng và bất cấp của quy định luật pháp ĐTM để có tính ràng buộc và trách nhiệm pháp lý đối với chủ đầy tư, chính quyền địa phương, cơ quan tổ chức chuyên ngành, cá nhân và tổ chức tư vấn ĐTM.