Trong hai ngày 23-24/11/2012, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) phối hợp với Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững (SRD) tổ chức Hội thảo tham vấn các tổ chức xã hội dân sự về tính hợp pháp của gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam và lập kế hoạch hoạt động năm 2013 của Mạng lưới các tổ chức phi chính phủ Việt Nam về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VNGO-FLEGT).
Hội thảo là bước tiếp nối các hoạt động tăng cường năng lực và sự tham gia của VNGO-FLEGT trong tiến trình đàm phán Hiệp định đối tác tự nguyện (VPA) về thực thi FLEGT giữa Chính phủ Việt Nam và Liên minh Châu Âu, thu hút sự tham gia của hơn 40 đại biểu đại diện cho gần 30 tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam thuộc Mạng lưới VNGO-FLEGT, Viện Lâm nghiệp Châu Âu và các chuyên gia.
Mục tiêu của Hội thảo nhằm báo cáo, thảo luận và thống nhất kết quả ban đầu của hoạt động tham vấn cộng đồng về tính hợp pháp của gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Namdo VNGO-FLEGT thực hiện từ tháng 9 đến tháng 11 năm 2012 tại địa bàn 6 tỉnh: Yên Bái, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng và Bà Rịa-Vũng Tàu. Hơn 30 cộng đồng thôn điển hình của 14 xã thuộc 06 huyện được chọn đã trực tiếp tham gia vào hoạt động tham vấn này. Đó là những cộng đồng địa phương sống dựa vào rừng hoặc gần rừng, có vị thế là chủ rừng hoặc bên nhận khoán rừng để quản lý, bảo vệ hoặc khai thác, sử dụng, bao gồm cả rừng tự nhiên và rừng trồng.
Kết quả tham vấn ban đầu cho thấy, nhận thức của người dân về tính hợp pháp của gỗ và sản phẩm gỗ còn rất hạn chế. Người dân hầu như không quan tâm đến tính hợp pháp của gỗ và các sản phẩm gỗ từ rừng trồng vì họ bán cây đứng tại rừng theo hình thức khoán gọn và người mua làm tất cả các thủ tục pháp lý từ khâu khai thác, vận chuyển. Còn đối với gỗ từ rừng tự nhiên, mọi thủ tục đều do các công ty lâm nghiệp tiến hành khai thác thực hiện. Ngay cả những cộng đồng được nhà nước giao rừng tự nhiên cũng rất mơ hồ về tính hợp pháp của gỗ rừng tự nhiên.
Ở nhiều địa phương trong cả nước đang thực hiện chính sách khoán quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên hoặc khoán đất trồng rừng với bên nhận khoán là hộ gia đình hoặc nhóm hộ gia đình hoặc cộng đồng dân cư thôn, khi khai thác rừng thì phần lớn do bên giao khoán (chủ rừng nhà nước) tiến hành các thủ tục pháp lý liên quan đến thiết kế khai thác và tổ chức khai thác, sau đó phân chia sản phẩm (gỗ) cho hai bên theo tỷ lệ đã được thỏa thuận trong hợp đồng khoán. Với cách làm này, bên nhận khoán rất khó có thể tính toán được khối lượng gỗ khai thác được là bao nhiêu vì họ không được tham gia khai thác hay tham gia giám sát khai thác gỗ ở những diện tích rừng nhận khoán.
Thêm điểm đáng chú ý là mặc dù việc khai thác rừng cũng đã tuân thủ các quy định về đánh giá tác động môi trường, song trên thực tế vẫn gây ra những tác động xấu đối với môi trường và gây ra những thiệt hại không nhỏ đối với người dân sống gần khu vực rừng khai thác, đặc biệt là làm cạn kiệt nguồn nước và thậm chí còn gây ra lũ quét ở một số địa phương.
Nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân, cộng đồng khi Việt Nam chính thức tham gia VPA/FLEGT, VNGO-FLEGT đề xuất tiến hành phân tích rủi ro trong việc hưởng lợi từ cây gỗ để từ đó đề xuất các giải pháp quản lý rủi ro trong quá trình thực hiện VPA/FLEGT.
Đối với những trường hợp khoán quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên (nếu có khai thác) hoặc giao khoán đất trồng rừng, trong quá trình khai thác ở những diện tích rừng đã giao khoán, cần có sự tham gia giám sát khai thác của bên nhận khoán (cùng với cơ quan cơ quan kiểm lâm) để đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong việc phân chia lợi ích từ khai thác gỗ.
Đối với các cộng đồng dân cư sinh sống gần/ven rừng tự nhiên thì rừng đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, đặc biệt là điều hòa nguồn nước, vì vậy chỉ nên áp dụng phương thức “khai thác hạn chế” ở những diện tích rừng này. Trong quá trình thiết kế và thực hiện khai thác gỗ ở những khu vực rừng này, nên tiến hành tham vấn nhằm đạt được sự đồng thuận của cộng đồng, đặc biệt là cần có sự tham gia của cộng đồng dân cư trong quá trình giám sát khai thác (cùng với cơ quan kiểm lâm).
Song song với các đề xuất nêu trên, Nhà nước cũng cần nhanh chóng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (“sổ đỏ”) cho các chủ rừng đã có quyết định giao đất và các hộ gia đình chưa có “sổ đỏ” nhưng sử dụng đất lâm nghiệp ổn định, lâu dài và không có tranh chấp. Bằng cách này sẽ giúp cho người dân có đủ tư cách pháp lý khi tham gia vào VPA/FLEGT.
VNGO-FLEGT sẽ tổng hợp kết quả tham vấn cộng đồng và chia sẻ cho các bên liên quan trong khuôn khổ đàm phán VPA/FLEGT giữa Chính phủ Việt Nam và Liên minh châu Âu, góp phần cùng nhà nước thực hiện nỗ lực kiểm soát khai thác, buôn bán gỗ bất hợp pháp; tăng cường thể chế và luật pháp về quản lý rừng bền vững; đảm bảo chia sẻ lợi ích công bằng, có trách nhiệm cho cộng đồng địa phương, doanh nghiệp và các chủ rừng liên quan.
Thanh Huyền