Limitless customization options & Elementor compatibility let anyone create a beautiful website with Valiance.

Liên hệ

NV 31, Khu đô thị Trung Văn, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội +024-3556-4001 contact@nature.org.vn Mở cửa: 8:00 - 17:30 Thứ Hai - Thứ Sáu

Về lý thuyết, nhiều ý kiến cho rằng, ngành khai khoáng có thể tác động tích cực đến phát triển kinh tế và giảm nghèo. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây đã chỉ rõ rằng ngành khai thác thiếu bền vững khiến cho tình trạng đói nghèo ở nhiều quốc gia ngày càng trở nên trầm trọng hơn.

thandienbien
Khai thác than tại một mỏ ở Điện Biên. Ảnh: PanNature.

Lợi ích về tay ai?

Thực tế này được phản ánh rõ nhất ở các nước đang phát triển nhưng giàu tài nguyên khoáng sản ở châu Phi như: Nigeria, Congo, Sudan luôn phải đối mặt với tình trạng đói nghèo và khủng hoảng. Hình ảnh đối lập khác là các nước nghèo khoáng sản như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Singapore lại bứt phá trở thành những nền kinh tế lớn trên thế giới.

Việt Nam là quốc gia có tiềm năng về khoáng sản với khoảng 5000 mỏ quặng và 60 loại khoáng sản khác nhau. Câu hỏi đặt ra là ngành công nghiệp khai thác khoáng sản có thực sự đóng góp cho thành tựu xóa đói giảm nghèo hay không?

Nghiên cứu của Trung tâm Con người và Thiên nhiên tại các địa phương có mỏ như Ea Sar (Đắk Lắk), Sơn Thủy (Phú Thọ), Cốc Mỳ (Lào Cai)… gần đây cho thấy, mức giá đền bù thu hồi đất để khai thác mỏ của doanh nghiệp đối với người dân rất thấp, cao nhất là 11.000 đồng/m2 và thấp nhất là 1.000 đồng/m2. Các địa phương này đều chịu chung những tổn thất như đường sá, cầu cống xuống cấp, nguồn nước, môi trường sống bị ô nhiễm… Các đóng góp của doanh nghiệp khai thác mỏ đối với địa phương là rất nhỏ so với các tác động tiêu cực từ khai thác mỏ gây ra trong khu vực.

Cùng với đó, hàng loạt dự án lớn khai thác khoáng sản đã được triển khai rầm rộ như khai thác than, sắt (Hà Tĩnh), titan (ven biển miền Trung), sắt và bauxite (Tây Nguyên)… Khai thác ngày càng mở rộng trong khi quản lý lại bó hẹp ở các quy định còn lỏng lẻo. Khoáng sản là tài nguyên quốc gia, nhưng thực tế, nó chỉ chủ yếu mang lại lợi ích lớn cho nhà đầu tư nắm dự án. Ở phương diện trái ngược, khai thác khoáng sản bừa bãi lại làm tăng tỷ lệ nghèo đói ở nhiều địa phương.

Sẽ không gì bù đắp được khi mối lợi khai thác khoáng sản chỉ thuộc về một số người ở hiện tại, còn mất mát vĩnh viễn lại thuộc về cả quốc gia, trong suốt nhiều thế hệ.

Người dân gánh hậu quả

Theo Trung tâm Con người và Thiên nhiên, ngành khai thác khoáng đóng góp trung bình khoảng 8.93% cho GDP nhưng chỉ tạo ra 0.93% tổng số việc làm. Bên cạnh đó, khả năng người nghèo tham gia vào hoạt động khai thác mỏ bị hạn chế do trình độ và kỹ năng lao động của họ. Vì vậy, chỉ một lượng nhỏ lao động được trực tiếp hưởng lợi từ hoạt động khai thác khoáng sản.

Mặt khác, doanh nghiệp khai thác mỏ đi vào hoạt động sẽ kéo theo một lượng lớn lao động nhập cư từ các vùng khác. Điều này dẫn đến một số hệ lụy tăng giá cục bộ trong khu vực. Người nghèo lại càng ít có cơ hội sử dụng các mặt hàng và dịch vụ thiết yếu. Hoạt động khai thác mỏ thường gây nhiều tác động đến môi trường. Môi trường bị hủy hoại gây nhiều hệ lụy đến sức khỏe và sinh kế của người nghèo, trong đó nguồn nước và tài nguyên đất thường bị suy thoái mạnh nhất.

Khai thác khoáng sản thường sinh ra bụi với khối lượng lớn, gây ô nhiễm môi trường không khí với các khí độc hại như: CO, SOx, NOx… Theo báo cáo hiện trạng môi trường gần đây của các tỉnh: Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai, Thanh Hóa,… vấn đề ô nhiễm bụi thực sự đáng báo động, nhiều khu vực hàm lượng bụi lơ lửng vượt quy chuẩn cho phép tới 5 lần.

Tất cả các làng, bản, các hộ dân cạnh các khu vực khai thác hoặc chế biến khoáng sản đều bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn, ô nhiễm môi trường, phá vỡ cảnh quan thiên nhiên và làm mất đi tính đa dạng sinh học, thậm chí phá vỡ cả một hệ sinh thái, làm biến mất nhiều nguồn gen và giống dược liệu quý.

Theo Ngân hàng Thế giới, tác động quan trọng của việc khai thác khoáng sản quy mô lớn lên cộng đồng địa phương là sự thay đổi nhanh kết cấu của xã hội về mặt kinh tế – xã hội. Các hình thức đói nghèo mới được thiết lập với sự kết hợp giữa “cư dân gốc” vốn không được chia sẻ trong cơ hội việc làm và những “người mới đến” đang thất vọng trước cơ hội tìm kiếm một công việc. Chính từ đó mà các tệ nạn xã hội được nảy sinh.

Minh bạch – thuốc giải

Trên thực tế, các nền kinh tế được hậu thuẫn bởi nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú như Việt Nam lại có xu hướng phát triển chậm hơn so với các nền kinh tế ở các quốc gia khác. Đây được xem là một hạn chế mà nguyên nhân được cho là do thiếu minh bạch về nguồn thu từ tài nguyên được khai thác cũng như các khoản chi trả phí sản xuất.

Có thể thấy, hệ thống pháp luật về quản lý và khai thác khoáng sản của Việt Nam tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng cách lớn giữa quy định luật pháp và thực tế. Từ thực trạng này, nhiều chuyên gia cảnh báo nếu không minh bạch trong hoạt động khai khoáng thì không chỉ thất thoát tài nguyên và kinh tế, mà còn gây ra những hậu quả xấu cho môi trường và xã hội. Một lượng lớn tài nguyên thiên nhiên đã bị một nhóm đối tượng trục lợi, bỏ túi những khoản tiền khổng lồ mà không phải chịu sự kiểm tra, giám sát sát sao của các cơ quan chức năng. Sáng kiến Minh bạch Công nghiệp Khai khoáng (EITI) được xem như một trong những giải pháp hiệu quả nhất về phòng chống tham nhũng trong ngành khai khoáng. Hiện đã có 35 nước trên thế giới tham gia sáng kiến EIT. Việt Nam dù đã bước đầu tiếp cận với sáng kiến này từ năm 2007 nhưng cho đến nay, quá trình nghiên cứu, tìm hiểu và xây dựng hướng tham gia EITI cho Việt Nam vẫn đang chỉ mới dừng ở những bước đi đầu tiên.

EITI mang lại nhiều lợi ích thiết thực mà minh chứng rõ ràng và sống động nhất là tăng tính minh bạch, góp phần tích cực vào công cuộc phòng, chống tham nhũng bởi chính quá trình thực thi EITI đã góp phần vào cải thiện nâng cao hiểu biết của người dân về quy trình quy đổi khoáng sản thành tiền và xây dựng cấp độ tín nhiệm lớn hơn, làm sáng tỏ hơn việc cấp giấy phép đồng thời cải thiện cách quản lý, bước đầu khắc phục được những tồn tại, hạn chế của ngành công nghiệp khai khoáng ở Việt Nam hiện nay.

Theo Báo Tài Nguyên và Môi trường

Leave A Comment

Cập nhật

Cùng tham gia "Bớt củi - Giữ rừng"
Tham gia