Phiên đàm phán lần thứ ba về Hiệp định đối tác tự nguyện về Chương trình hành động thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và EU diễn ra tại Bỉ đã khép lại vào trung tuần tháng 11/2012 với một lộ trình cụ thể được hai bên hoạch định trong thời gian tới. Hiện hai phía EU và Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy các hoạt động liên quan nhằm kết thúc tiến trình đàm phán vào tháng 9/2013 như dự kiến.
Phiên đàm phán lần này dành hẳn hai ngày để thảo luận về một số nội dung chưa được thống nhất giữa hai bên cũng như nội dung về dự thảo Hiệp định. Cụ thể, hai bên đã trao đổi và làm rõ các vấn đề còn mở của Định nghĩa gỗ hợp pháp của Việt Nam (dự thảo 6) và Hệ thống đảm bảo tính hợp pháp của gỗ (dự thảo 3), đồng thời thống nhất các công việc tiếp theo để hoàn thiện hai phụ lục này. Đây là hai phụ lục quan trọng của Hiệp định VPA giữa Việt Nam và EU.
Theo chia sẻ của TS. Võ Đại Hải, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam, tại cuộc đàm phán lần này, Việt Nam đã thảo luận quan điểm, nguyên tắc về danh mục các sản phẩm đưa vào Hiệp định để cấp phép FLEGT, bao gồm tất cả các mặt hàng liên quan đến gỗ thuộc chương 44 ngoại trừ gỗ tròn, gỗ xẻ từ rừng tự nhiên và đồ gỗ thuộc chương 94, một số mặt hàng liên quan đến bột giấy thuộc chương 47 và giấy thuộc chương 48 của Danh mục “Hệ thống hài hòa mô tả và mã số hàng hóa” của Tổ chức Hải quan thế giới (gọi tắt là Danh mục HS). Hai bên cũng đã thảo luận và thông qua lộ trình đàm phán Hiệp định VPA/FLEGT, xem xét khả năng kết thúc đàm phán vào tháng 9/2013.
Cũng theo TS. Võ Đại Hải, thời hạn và hiệu lực của giấy phép mà EU cấp cho các nước thường là 3 tháng, tuy nhiên, đối với Việt Nam, đoàn đàm phán đã đề xuất khoảng thời gian này tăng lên 6 tháng nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam có thời gian kịp xin giấy phép.
Thanh Huyền