Theo ông Lê Văn Lanh, Tổng thư ký Hiệp hội các Vườn quốc gia và Khu Bảo tồn thiên nhiên Việt Nam, đồng quản lý rừng đặc dụng đang được xem như một cách tiếp cận mới có triển vọng đối với vấn đề quản lý bảo vệ các khu rừng đặc dụng trong cả nước do phương pháp này tính đến lợi ích và trách nhiệm của các bên liên quan tới tài nguyên rừng.
Tuy nhiên, dưới áp lực ngày càng gia tăng của đói nghèo, sinh kế, ưu tiên phát triển kinh tế thị trường (lâm sản và động vật hoang dã), rừng đặc dụng thường xuyên phải chịu áp lực bởi các hoạt động khai thác trái phép, bị đánh đổi cho các dự án phát triển cư sở hạ tầng (giao thông, thủy điện, khai khoáng và du lịch) cũng như chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng.
Thông tin trên được ông Lê Văn Lanh đưa ra tại Hội thảo “Đồng quản lý rừng đặc dụng Việt Nam – Những bài học thực tiễn và khuyến nghị chính sách,” diễn ra ngày 24/5, tại Hòa Bình. Hội thảo do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) phối hợp với Tổ chức Bảo tồn Động thực vật quốc tế (FFI), Hiệp hội Vườn quốc gia và Khu Bảo tồn Thiên nhiên Việt Nam (VNPPA) tổ chức.
Ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Giám đốc PanNature, khai mạc hội thảo. Ảnh: PanNature.
Ông Bùi Văn Tường, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình cho biết: “Có một nghịch lý đang xảy ra là, hiện nay, tại các khu rừng đặc dụng có rất nhiều động, thực vật quý hiếm, nhưng nhu cầu của xã hội tiêu thụ những thứ này cũng rất cao. Vì thế, dù được bảo vệ, quản lý nghiêm ngặt vẫn xảy ra tình trạng mất mát.”
Theo ông Hoàng Văn Lâm, Tổ chức Bảo tồn Động thực vật hoang dã Quốc tế, để quản lý rừng đặc dụng, những năm qua, Việt Nam đã có một loạt những chính sách “mở đường” cho việc thực hiện đồng quản lý đối với rừng đặc dụng, trong đó nổi bật nhất là Quyết định 07/2012 của Thủ tướng Chính phủ, về việc giao nhiệm vụ triển khai thí điểm và xây dựng chính sách đồng quản lý cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện đồng quản lý rừng đặc dụng vẫn còn gặp nhiều khó khăn và vướng mắc về cách làm, cơ chế chính sách cũng như hiệu quả thực tế chưa rõ ràng của những mô hình đã tiến hành.
Lý giải cho thực tế này, ông Lâm cho rằng do các văn bản hỗ trợ pháp lý trước đây còn hạn chế, trong khi các đơn vị đồng quản lý rừng đặc dụng tại các địa phương lại có cách hiểu, cách tiếp cận và huy động người dân tham gia vào công tác bảo vệ và chia sẻ lợi ích từ rừng khác nhau. Thậm chí, việc kêu gọi người dân cùng tham gia vào đồng quản lý và chia sẻ lợi ích tại nhiều địa phương vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Với hơn 120 đại biểu và 3 phiên hội thảo song song, rất nhiều vấn đề xoay quanh chủ đề đồng quản lý rừng đặc dụng đã được đưa ra bàn thảo. Ảnh: PanNature.
Góp ý về cơ chế quản lý, giáo sư-tiến sỹ Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho rằng đồng quản lý rừng đặc dụng là giải pháp cần thiết, giúp nâng cao nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ tài nguyên rừng. Tuy nhiên, hiện nay, các quy định về đồng quản lý vẫn chưa được rõ ràng, dẫn tới sự hiểu lầm và gây mâu thuẫn.
“Trước thực tế này, tôi cho rằng nếu không nói cụ thể về góc độ, nhiệm vụ của các đối tượng tham gia đồng quản lý thì đến khi thực thi, sẽ rất khó để kiểm soát, có thể sẽ gây thất thoát tài nguyên, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học,” Giáo sư tiến sĩ Đặng Huy Huỳnh lo ngại.
Đồng tình quan điểm, ông Lâm cho rằng để có thể nhân rộng đồng quản lý rừng đặc dụng, Nhà nước nên có sự thống nhất bằng văn bản pháp lý của nhà nước, nhằm kêu gọi sự đồng thuận và chia sẻ lợi ích của các bên liên quan, đặc biệt là người dân địa phương.
Bên cạnh đó, ông Lâm cũng lưu ý, các cơ quan chức năng cần hoàn thiện hơn nữa về cách làm, cơ chế chính sách, đánh giá hiệu quả thực tế của những mô hình đã tiến hành, thúc đẩy sự nỗ lực của các bên trong cơ chế đồng quản lý, để góp phần thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 theo Quyết định 57 ngày 9/1/2012 của Thủ tướng Chính phủ./.