Luật Bảo vệ môi trường (BVMT-1993) được sửa đổi lần thứ nhất vào năm 2005 với việc đưa vào hàng loạt các văn bản dưới luật để tăng cường công tác bảo vệ môi trường (BVMT) ở Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến nay việc nhiều dự án có ảnh hưởng lớn đến môi trường “vượt rào” được chấp thuận đầu tư; cùng nhiều chồng chéo trong quản lý gây ra các cảnh báo đáng lo ngại về môi trường đã đặt ra vấn đề sửa đổi luật này lần thứ 2 một cách nghiêm túc.
Các nghiên cứu về đánh giá tác động môi trường trong các dự án phát triển và các bất cập về chính sách môi trường cho biết, đến nay sự minh bạch thông tin vẫn chưa đồng nhất giữa Điều 104 Luật BVMT 2005 và Điều 21, 22 của Nghị định 29/2011/NĐ-CP. Cụ thể, hiện UBND cấp xã, cộng đồng dân cư – những người có khả năng giám sát trực tiếp các tác động của môi trường nhưng lại không tiếp cận đầy đủ thông tin để phản biện và giám sát độc lập. Thực tế này cũng khiến thiếu cơ chế tiếp cận, giải quyết, phản hồi và được cung cấp thông tin đối với cộng đồng dân cư. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hoàng Phượng, thuộc Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), một phần của việc người dân và các tổ chức xã hội không có được thông tin đầy đủ để giám sát là bởi vì phần lớn chính sách hiện chỉ tập trung vào các loại chất thải phát sinh và biện pháp xử lý chưa hoặc rất ít đề cập đến các tác động khác như: suy thoái môi trường (xói mòn, sụt lún) có thể xảy ra; Không có cơ chế kiểm chứng thông tin do chủ đầu tư cung cấp; Thiếu sự giám sát độc lập trong quá trình tham vấn;…
Theo nghiên cứu của PanNature, từ năm 2006 – 2010 được đánh giá là giai đoạn có nhiều chuyển biến tích cực về mặt chính sách, cũng như nhận thức của các cấp đối với công tác BVMT. Tuy nhiên, trên thực tế suy thoái môi trường vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. Vấn đề suy giảm chất lượng nguồn nước ở các lưu vực sông đã lên mức báo động; ô nhiễm môi trường ở các khu công nghiệp đã trở thành vấn đề đáng lo ngại; đa dạng sinh học bị suy giảm nghiêm trọng và an ninh môi trường bị đe dọa. Ô nhiễm môi trường trong khai thác tài nguyên cũng trở thành vấn đề nóng và thu hút sự quan tâm của công luận. Bên cạnh đó, các hành vi xâm hại môi trường vẫn tiếp diễn ở nhiều nơi và gây nhiều tác động tiêu cực đối với cộng đồng dân cư. Nhiều nghiên cứu cũng phản ánh hiện trạng, chi phí cho hoạt động thẩm định. Chẳng hạn, phí thẩm định dự án công nghiệp có tổng vốn đầu tư trên 7.000 tỷ đồng là 96 triệu đồng, mức cao nhất theo Thông tư 218/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính. Trong khi đó, các bất cập trong chi phí cho hoạt động kiểm tra, xác nhận việc chủ dự án đã thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường; phân bổ và sử dụng theo quy định về ngân sách hiện vẫn còn nhiều lỏng lẻo.
Theo Thạc sĩ Dương Xuân Điệp, Viện Khoa học Quản lý Môi trường, chỉ trong chính sách quản lý chất thải rắn hiện nay đã nảy sinh không ít các bất cập. Chẳng hạn tại khu vực nông thôn hiện nay đa số các địa phương không quy hoạch được các bãi rác tập trung, không có bãi rác công cộng; khoảng 19% chất thải chăn nuôi không được xử lý mà thải trực tiếp ra môi trường;…Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do chính sách chưa hoàn thiện, chưa được thực thi đầy đủ. Bên cạnh đó, việc phân công, phân nhiệm còn phân tán, chồng chéo và nhiều lỗ hổng; trong khi thực tế quy hoạch quản lý chất thải hiện nay rất khó thực hiện. Ông Nguyễn Đức Tùng, Viện Môi trường và Phát triển bền vững cũng đặt ra các vấn đề, trong thời gian qua ở nước ta có quá nhiều dự án phát triển kinh tế – xã hội quan trọng với báo cáo “Đánh giá tác động môi trường” (ĐTM) đã được tham vấn. Tuy nhiên, có tham vấn báo cáo ĐTM không, hay chỉ tham vấn bản báo cáo về tác động môi trường mà chủ dự án gửi UBND cấp xã; phân trách nhiệm trong tham vấn giữa chủ dự án và các tổ chức được tham vấn, ai xác định đối tượng được tham vấn;…? “Điều 14, mục 3, điểm b của Dự thảo Luật về quyền và nghĩa vụ của các tổ chức xã hội,….xác định được tham vấn đối với các dự án có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức. Tuy nhiên, các điều nào về tham vấn trong quá trình thực hiện ĐTM, các dự án lại không nhắc gì đến trách nhiệm của các tổ chức xã hội ?!”, ông Tùng phân tích.
Điều phối viên cao cấp Tổ chức OXFAM, bà Nguyễn Thu Hương nêu tham vấn, hiện nay, trước khi Chính phủ giao đất cho dự án, trước khi dự án được triển khai xây dựng thì cộng đồng cần có thời gian để hiểu thông tin và ra quyết định. Theo bà Hương, cộng đồng có thể nói “đồng ý” hay “không đồng ý” đối với dự án và vào bất kỳ thời điểm nào của dự án. Đó là nguyên tắc khi Việt Nam cam kết với quốc tế về FPIC (cơ chế thực hành quyền quyết định và đưa ra các điều khoản hợp tác với các bên liên quan). Điều phối viên của OXFAM cũng nhấn mạnh trách nhiệm của MTTQ và các tổ chức thành viên của MTTQ cần tuyên truyền, vận động và tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật và bảo vệ môi trường. Trong đó, vai trò hỗ trợ cộng đồng và giám sát quá trình nhà nước, chủ dự án tham vấn cộng đồng, hỗ trợ cộng đồng thực hiện theo các nguyên tắc quốc tế cần phải được chú trọng.