Để hiểu được tính phức tạp của quan hệ đất đai trong quản lý và sử dụng đất trong bối cảnh nền kinh tế của Việt Nam ngày càng hội nhập với thị trường, ngày 30/8 tại Hà Nội, tổ chức Forest Trends (tổ chức quốc tế phi lợi nhuận) phối hợp với Trung tâm Con người và Thiên nhiên, tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề “Chính sách đất đai và quan hệ đất đai từ góc nhìn lịch sử và hiện tại”, với sự tham gia của các nhà nghiên cứu, các học giả, nghiên cứu sinh, đại diện một số cơ quan nghiên cứu và quản lý nhà nước có liên quan đến lĩnh vực này.
Ảnh: PanNature.
Từ góc nhìn lịch sử và hiện tại về chính sách đất đai và quan hệ đất đai của nước ta, Tiến sĩ Nguyễn Đình Bồng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai cho rằng: Việt Nam là một đất nước thuần nông, với khoảng 70% dân số sinh sống ở nông thôn và 48% trực tiếp sống bằng nghề nông. Đất đai đã và đang là công cụ sản xuất quan trọng. Đặc biệt, người dân nghèo hiện hàng ngày phải lệ thuộc vào các hoạt động canh tác trên đất. Đất không chỉ đơn thuần là phương tiện sản xuất, mà còn là tài sản quý giá của nhiều gia đình.
Kể từ thập niên 40-50 đến nay, quan hệ đất đai ở nước ta đã có những thay đổi căn bản. Sau khi giành độc lập, Nhà nước thực hiện chính sách “người cày có ruộng”. Theo đó, đất đai của địa chủ bị tịch thu và chia lại cho những người dân nghèo. Thập niên 60-80 được đánh dấu bằng quá trình hợp tác xã hóa, với đất đai được huy động vào hợp tác để thực hiện sản xuất tập trung. Cuối thập kỷ 80 và đầu 90 đánh dấu bằng quá trình xóa bỏ hợp tác xã, trong bối cảnh đất đai được chia cho các hộ gia đình. Luật Đất đai do Nhà nước ban hành gần đây quy định rõ ràng về các quyền và trách nhiệm của người sử dụng đất. Là cơ quan quản lý về đất đai, Nhà nước đóng vai trò bảo hộ cho các quyền và trách nhiệm được quy định cho người sử dụng đất.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Trung Kiên, Trung tâm Tư vấn Chính sách Nông nghiệp: Cả nước hiện có tới 70 triệu mảnh ruộng, bình quân mỗi mảnh từ 300-400m2, trong đó mỗi hộ có tới 7-10 mảnh ruộng. Sự manh mún này đang cản trở cơ giới hóa nông nghiệp và áp dụng khoa học kỹ thuật, nên không tận dụng được tính kinh tế theo quy mô lớn và kìm hãm hiệu quả sản xuất. Vì vậy, phải thay đổi tư duy theo hướng thị trường đất đai phải gắn với thị trường lao động khi tích tụ ruộng đất, để xử lý vấn đề nông dân mất đất; đồng thời thúc đẩy tích tụ và tập trung ruộng đất ở miền Bắc, miền Trung và miền Nam nhằm sử dụng quỹ đất một cách có hiệu quả, đi đôi với việc quy hoạch thành lập các vùng chuyên canh nông nghiệp sử dụng nhiều vốn và công nghệ cao.
Với tham luận “Chính sách đất đai hiện hành và giải pháp từ người dân và cộng đồng”, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đặng Hùng Võ đã khái quát tổng quan về Luật Đất đai, mặt khác nêu ra những bất cập cần quan tâm trong sửa đổi Luật Đất đai 2003. Theo ông, sự đồng thuận giữa chính quyền và người dân là một yếu tố cần đạt được không chỉ trong vấn đề đất đai, mà trong mọi quá trình phát triển đất nước. Sự đồng thuận của người dân và chính quyền có thẩm quyền quyết định về đất đai, là một yếu tố mang tính nguyên lý để tạo nên bền vững xã hội.
Ảnh: PanNature.
Nhìn toàn diện vấn đề, cũng có nhiều cách để vừa đầu tư phát triển, vừa đồng thuận được với dân. Cách thức chính là lợi ích đầu tư phát triển phải được chia sẻ minh bạch. Ví dụ cụ thể như sự đồng thuận của chính quyền xã Thanh Văn, huyện Quốc Oai (Hà Nội) đã làm được. Bí quyết ở đây là cán bộ không tham nhũng, chính quyền và cán bộ thực sự là của dân, do dân và vì dân.
Các đại biểu tham dự Tọa đàm “Chính sách đất đai và quan hệ đất đai từ góc nhìn lịch sử và hiện tại” đều cho rằng, pháp luật đất đai hiện nay còn nhiều bất cập, nguy cơ tham nhũng lớn và khiếu kiện nhiều, nên cần đặt người dân vào vị trí trung tâm để giải quyết các mối quan hệ liên quan đến đất đai. Khi người dân được thực hiện đầy đủ quyền đối với đất đai, quyền tham gia quyết định, quyền tham gia quản lý, quyền sử dụng và quyền giám sát về đất đai, thì chắc chắn sự đồng thuận xã hội được xác lập. Đó cũng chính là căn nguyên của bền vững xã hội trong quá trình phát triển.