Đất đai là một loại loại hàng hóa và tài sản đặc biệt, có tính chất khác hẳn với các loại hàng hóa thông thường. Đất đai không chỉ đơn thuần có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn về chính trị, lịch sử và văn hóa. Quan hệ đất đai không phải là quan hệ giữa người với đất mà là mối quan hệ giữa những người có liên quan trực tiếp và/hoặc gián tiếp đến đất đai. Các mối quan hệ này được thể hiện thông qua các quyền và đính kèm quyền này làtrách nhiệm, quy định việc sử dụng và quản lý đất đai. Các quyền và trách nhiệm không phải là bất biến; chúng được xác định bởi các thiết chế, trong đó bao gồm cả chính sáchcủa nhà nước. Hệ thống các thiết chế thay đổi qua các giai đoạn lịch sử khác nhau có thể làm thay đổi các quyền và trách nhiệm có liên quan đến quản lý và sử dụng đất đai. Nói cách khác, các quyền và trách nhiệm chỉ có tính tương đối về mặt không gian và thời gian.
Việt Nam là một đất nước nông nghiệp, với khoảng 70% dân số sinh sống ở nông thôn và 48%trực tiếp sống bằng nghề nông. Đất đã, đang và vẫn sẽ là công cụ sản xuất quan trọng cho nhiều người dân, đặc biệt là những người nông dân nghèo hiện hàng ngày đang phải lệ thuộc vào các hoạt động canh tác trên đất. Đất không chỉ đơn thuần là phương tiện sản xuất mà còn là tài sản quý giá của nhiều hộ gia đình.
Tại Việt Nam kể từ thập niên 40-50 đến nay quan hệ đất đai đã có những thay đổi căn bản. Sau khi dành độc lập, Nhà nước tiến hành thực hiện chính sách người cày có ruộng, theo đó đất đai của địa chủ bị tịch thu vàchia lại cho những người dân nghèo. Thập niên 60-80 được đánh dấu bằng quá trình hợp tác xã hóa, với đất đai được huy động vào hợp tác để thực hiện sản xuất tập trung. Cuối thập kỷ 80 và đầu 90 đánh dấu quá trình xóa bỏ hợp tác xã, trong bối cảnh đất đai được chia cho các hộ gia đình. Luật đất đai do Nhà nước ban hành gần đây quy định rõ ràng về các quyền và trách nhiệm của người sử dụng đất. Là cơ quan quản lý về đất đai, Nhà nước đóng vai trò bảo hộ cho các các quyền và trách nhiệm được quy định cho người sử dụng đất.
Do đất đai vừa là tư liệu sản xuất, vừa là một loại hàng hóa, tài sản đặt biệt mối quan hệ đất đai là quan hệ phức tạp. Các quyền và trách nhiệm cũng như phạm vicủa các quyền/trách nhiệm theo không gian và thời gian của người sử dụng đất được quy định bởi luật thể hiện mối quan hệ quyền lực giữa người quản lý và người sử dụng đất đai. Quan hệ này không những thể hiện thông qua các hành động có liên quan đến đất đai được quy định trong các quyền và trách nhiệm của người sử dụng đất và người quản lý, mà còn phản ánh quan điểm của các cơ quan quản lý về đất đai đối với người sử dụng đất nói riêng và người dân trong xã hội nói chung.
Trong bối cảnh nền kinh tế của Việt Nam ngày càng hội nhập với thị trường, quan hệ đất đai ngày càng trở nên phức tạp. Hàng năm các vụ khiếu kiện có liên quan đến đất đai vẫn còn xảy ra và chưa có xu hướng giảm. Để hiểu được tính phức tạp của quan hệ đất đai tại trong quản lý và sử dụng đất tại Việt Nam, Tổ chức Forest Trends phối hợp với Trung tâm Con người và Thiên nhiên tiến hành tổ chức buổi Tọa đàm khoa học về chủ đề “Chính sách đất đai và quan hệ đất đai từ góc nhìn lịch sử và hiện tại”.
MỤC ĐÍCH
Tọa đàm nhằm tạo diễn đàn cho việc trao đổi thông tin về lịch sử quan hệ đất đai và chính sách đất đai. Bên cạnh đó, Tọa đàm nhằm thảo luận về các tác động của các chính sách đối với cộng đồng, trong đó tập trung vào các khía cạnh kinh tế, xã hội và văn hóa.
CÁC BÀI TRÌNH BÀY
Quản lý đất đai tại Việt Nam 1945 – 2010
TS.Nguyễn Đình Bồng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai
Chính sách đất đai hiện hành và giải pháp từ người dân và cộng đồng
GS.Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
Tập trung ruộng đất ở Việt Nam: Thực trạng và gợi ý chính sách
TS.Nguyễn Trung Kiên, Trung tâm Tư vấn Chính sách Nông nghiệp
Về sử dụng đất lâm nghiệp: Chính sách từ quá khứ đến tương lai
GS.Nguyễn Ngọc Lung, nguyên Cục trưởng Cục Lâm nghiệp