Trong hai thập kỷ qua, sự tăng trưởng của công nghiệp khai khoáng Việt Nam đã đóng góp tích cực về mặt kinh tế song cũng để lại nhiều hệ lụy về môi trường và xã hội.
Trong cuộc Tọa đàm chính sách về “Vai trò của các sáng kiến minh bạch trong công tác bảo vệ môi trường” do Trung tâm Con người và Thiên nhiên tổ chức ngày 24/12 tại Hà Nội, ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm cho rằng khai khoáng là một trong những loại hình công nghiệp gây nhiều tác động nhất đến môi trường và xã hội.
Tác động rõ nét nhất tới môi trường do khai thác khoáng sản ở Việt Nam là làm biến dạng địa mạo và cảnh quan khu vực; chiếm dụng nhiều diện tích trồng trọt để mở khai trường sản xuất và đổ đất đá thải, làm ô nhiễm nguồn nước và đất đai quanh mỏ. Sau quá trình khai thác mỏ thường để lại các dạng địa hình có tiềm năng gây sạt lở cao, làm ô nhiễm môi trường, gây nguy hiểm cho con người, súc vật, động vật hoang dã trong khu vực.
Theo thống kê của Bộ TNMT, từ năm 2008 đến nay, Bộ và các tỉnh, thành phố đã duyệt 1.420 dự án cải tạo, phục hồi môi trường với tổng số tiền ký quỹ là trên 1.360 tỷ đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều tổ chức, cá nhân vẫn chưa quan tâm thực hiện. Nguyên nhân là vẫn chưa có hướng dẫn kỹ thuật cụ thể về cải tạo, phục hồi môi trường cho từng loại hình khai thác khoáng sản.
Mặt khác, sự yếu kém trong công tác quản lý và thanh tra cũng là nguyên nhân chính của sự xâm hại môi trường. Vì vậy, cần có sự minh bạch về công tác bảo vệ môi trường và quản trị tài nguyên.
Đề cập về những vấn đề bảo vệ môi trường trong hoạt động khai khoáng hiện nay, ông Đỗ Thanh Bái thuộc Hội Hóa học Việt Nam cho rằng, tác động từ hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản dẫn đến sự rủi ro của các hồ chứa nước; gây ô nhiễm nguồn nước; mất thảm thực vật và rừng; làm biến đổi địa mạo; gây ra bụi và khí thải, nước thải…
GS.TS Đặng Hùng Võ cho rằng “tham nhũng” môi trường từ khai thác tài nguyên thiên nhiên đang là một yếu kém chưa có giải pháp khắc phục hiện nay.
“Thực sự giải pháp không khó và đã được kiểm nghiệm ở nhiều nước, kể cả những nước đang phát triển như: Indonesia, Philippines… Điều quan trọng là phải thay đổi cách tiếp cận trên nguyên tắc tiếp nhận các thể chế “sạch”, không có tham nhũng. Chúng ta có thể suy nghĩ đến việc áp dụng Sáng kiến minh bạch ngành công nghiệp khai khoáng (EITI) để quản trị ngành khai khoáng”, ông Võ nói.