ThienNhien.Net – Bên lề Hội nghị Cấp cao lần thứ 2 của Ủy hội sông Mê Kông (MRC), ngày 4/4, tại TP. Hồ Chí Minh, Liên minh Cứu sông Mê Kông (StM) tổ chức tọa đàm “Hành trình từ Hủa Hỉn tới TP.HCM và tương lai của dòng sông Mê Kông” nhằm đưa những tiếng nói và quan ngại của mình đến những nhà lãnh đạo các quốc gia MRC, góp phần vào nỗ lực giữ gìn một dòng sông nguyên vẹn, vì lợi ích chung của cộng đồng.
Tại tọa đàm, tiến trình thực hiện Tuyên bố Hủa Hỉn được các chuyên gia trong khu vực bình luận, đánh giá dưới nhiều góc độ khác nhau.
Tọa đàm cũng tập trung thảo luận về những lợi ích cũng như tác động của việc xây dựng thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông. Mặc dù xuất phát từ nền tảng kiến thức cũng như góc nhìn khác nhau nhưng các đại biểu đều đồng tình rằng những lợi ích việc xây dựng các đập thủy điện ít hơn nhiều so với những tác động môi trường cũng như xã hội của những dự án này. Đặc biệt là trong bối cảnh các nước đang bỏ qua trách nhiệm quốc tế, không thực hiện quá trình tham vấn đầy đủ các bên trước khi triển khai hay không thực hiện Hiệp định chung của khu vực.
Dòng sông mẹ Mê Kông là tài sản chung, các quốc gia trong khu vực phải tham gia đối thoại để cùng quản lý và chia sẻ những lợi ích của dòng sông này. Để thực hiện được điều đó đòi hỏi phải có tinh thần tự nguyện, trách nhiệm của các bên cũng như cần có sự giám sát chặt chẽ từ phía người dân nhằm đảm bảo minh bạch, công khai và công bằng trong quá trình thực hiện.
Tham dự tọa đàm có nhiều đại biểu từ các tổ chức xã hội dân sự trong nước và quốc tế, phóng viên và cán bộ của các công ty thủy điện. Tọa đàm do Liên Minh Cứu sông Mê Kông thực hiện với sự hỗ trợ tổ chức của Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) và Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID).
Trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ hai của Ủy hội sông Mê Kông (MRC), Liên minh Cứu sông Mê Kông đã gửi thư bày tỏ mối quan ngại về tình trạng hiện tại của dòng Mê Kông dưới tác động của các dự án thủy điện đang và đã được lên kế hoạch xây dựng, cũng như về sự thất bại của hợp tác khu vực trong quá trình ra quyết định đối với vấn đề phát triển thủy điện trên dòng chính Mê Kông.