Việc nước Lào nói sẽ tham vấn và cân nhắc kỹ trong việc xây dựng đập thủy điện trên dòng chính của sông Mê Kông là một tín hiệu tốt.
Ths Nguyễn Việt Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam đã bình luận như vậy. Theo đó ông Dũng cho rằng, để có cơ sở cho Lào cân nhắc giữa lợi – hại khi xây dựng thủy điện trên sông Mê Kông và ảnh hưởng tới Việt Nam, nhất là khu vực đồng bằng sông Cửu Long, như thế nào thì cần phải có kết quả đánh giá tác động toàn diện, đầy đủ và thuyết phục.
Phải đẩy nhanh tiến độ
Hội nghị cấp cao lần thứ 2 Ủy hội sông Mê Kông quốc tế vừa kết thúc với kết quả khả quan. Tại diễn đàn lần này, vấn đề xây dựng đập thủy điện của Lào trên dòng chính của sông Mê Kông cũng được giới chuyên môn quan tâm. Nhiều đại biểu đã đưa ra các nghiên cứu cho rằng các dự án này có thể gây tác động tiêu cực tới môi trường sinh thái, đặc biệt là đối với hạ nguồn.
Hiện Việt Nam đề xuất thành lập tổ chức nghiên cứu tác động các công trình thủy điện trên dòng sông Mê Kông với sự tham gia của nước Lào, Campuchia. Theo đó tại diễn đàn này Việt Nam đã đề nghị phía bạn Lào chờ kết quả nghiên cứu của Việt Nam kết thúc năm 2015 để chỉ ra những tác động của thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông trước khi đưa ra quyết định xây dựng đập thủy điện.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc cho biết: “Qua những buổi trao đổi, phía bạn Lào cũng có những quan tâm, lắng nghe, ghi nhận những quan ngại của Việt Nam và Campuchia. Nước bạn cũng đưa ra nhận định, khi triển khai các công trình trên dòng chính sông Mê Kông thì sẽ tham vấn và cân nhắc rất kỹ những lo ngại, tác động tiêu cực có thể xảy ra. Nếu thấy có những khả năng trên, Lào sẽ cân nhắc và điều chỉnh”.
Theo Ths Nguyễn Việt Dũng đây thực sự là một tín hiệu được xem là tích cực, ghi nhận nỗ lực của Chính phủ, các tổ chức phi chính phủ cũng như chuyên gia trong suốt thời gian qua đã không ngừng bày tỏ quan điểm với phía Lào về mối lo ngại đối với tác động của kế hoạch phát triển thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông.
Tuy nhiên điều quan trọng và cần thiết hiện nay là Việt Nam phải nhanh chóng thực hiện và công bố kết quả đánh giá tác động tích lũy để khẳng định nguy cơ, mức độ ảnh hưởng của phát triển thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông đối với môi trường, kinh tế và xã hội của khu vực hạ lưu trong tương lai.
“Quan trọng là Việt Nam phải nghiên cứu thế nào để đánh giá tách bạch, rõ ràng nguy cơ tiềm tàng của chính kế hoạch phát triển thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông đối với Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là thách thức cho các nhà nghiên cứu của Việt Nam khi phải chỉ ra đâu là tác động do thủy điện, đâu là tác động do các yếu tố khác. Có như thế mới thuyết phục được các bên liên quan”, Ths Dũng nói.
Làm sao để công nhận kết quả
Các nghiên cứu thời gian qua đã chỉ ra lưu vực sông Mê Kông là một trong năm lưu vực sông lớn trên thế giới có dòng chảy bị suy giảm nhiều nhất. Dòng chảy trung bình năm của sông Mê Kông tại vùng hạ lưu đã giảm 10% trong vòng 30 năm qua.
Cụ thể, ở Lào, sông Mê Kông đoạn chảy qua thủ đô Vientiane 10 năm qua khô hạn đến mức người ta có thể lội qua sông trong mùa khô. Ở Thái Lan, sông Chao Praya vốn hiền hòa cũng xảy ra lũ lớn, gây thảm họa lũ lụt quốc gia trong nhiều tháng liền hồi năm 2011. Ở ĐBSCL của Việt Nam, nước mặn đã vào đến tận khu vực Tân Châu ở tỉnh An Giang, điều chưa bao giờ xảy ra trước đây.
Đối với Việt Nam, sông Mê Kông có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam cũng như an ninh lương thực trong khu vực. Trong đó, khu vực đồng bằng sông Cửu Long có diện tích trên 40.000 km2 là nơi sinh sống của 20 triệu dân, hàng năm đóng góp đến 27% GDP cả nước với 90% lượng gạo xuất khẩu, gần 60% kim ngạch xuất thủy sản của Việt Nam.
Do vậy, quan điểm của Việt Nam và Campuchia là cần có sự tham vấn các nước khi xây dựng thủy điện trên dòng chính của sông. Việt Nam đề xuất thành lập tổ chức nghiên cứu tác động các công trình thủy điện trên dòng sông Mê Kông với sự tham gia của nước Lào, Campuchia.
Theo Ths Nguyễn Việt Dũng, việc đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu là vô cùng quan trọng nhưng “vấn đề còn lại là khi có kết quả đánh giá rồi liệu Lào và các bên liên quan khác có ghi nhận và chấp nhận hay không. Và nếu họ đồng thuận với kết quả nghiên cứu thì liệu có hợp tác để điều chỉnh hoặc đưa ra các quyết định thay đổi đối với kế hoạch phát triển thủy điện hay không. Vì vậy, rất cần thiết phải có sự hợp tác và tham gia tích cực của cả Lào, Campuchia và Thái Lan trong quá trình thực hiện đánh giá và đồng thuận đối với nghiên cứu này”, ông Dũng nói.
Được biết hiện Chính phủ các nước Lào và Campuchia đã cam kết cùng tham gia nghiên cứu này. Theo đó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các đối tác phát triển, các nhà tài trợ để Nghiên cứu sớm có kết quả vào cuối năm 2015 như kế hoạch đề ra.