Limitless customization options & Elementor compatibility let anyone create a beautiful website with Valiance.

Liên hệ

NV 31, Khu đô thị Trung Văn, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội +024-3556-4001 contact@nature.org.vn Mở cửa: 8:00 - 17:30 Thứ Hai - Thứ Sáu

Tháng 2 năm 2015 là thời điểm dự kiến con đập Xayaburi (Lào) chính thức ngăn dòng, đánh dấu thời kỳ mà dòng chảy tự nhiên nơi hạ lưu của con sông sẽ bị gián đoạn và sự biến đổi này có thể mang lại nhiều hệ lụy cho người dân nơi hạ nguồn con sông. Trước khi kết cục này có thể xảy đến, các quốc gia trong khu vực vẫn còn thời gian và cơ hội để xoay chuyển tình hình.

Những cam kết bị lãng quên

Cách đây bốn năm, khi họp mặt tại Hội nghị cấp cao Ủy hội Sông Mê Kông (MRC) lần thứ nhất, Thủ tướng Chính phủ bốn nước thành viên MRC đã cam kết sẽ “thúc đẩy phát triển bền vững, sử dụng, bảo vệ và quản lý tài nguyên nước và tài nguyên liên quan của Hạ lưu vực sông Mê Kông”. Dòng sông Mê Kông khi ấy vẫn còn là một dòng chảy tự do nơi hạ nguồn, chỉ bị chặt đứt bởi các con đập trên thượng nguồn nơi lãnh thổ Trung Quốc.

Tuy nhiên, chỉ hơn hai năm sau Tuyên bố Hủa Hỉn, Chính phủ Lào đã đơn phương cho khởi công xây dựng đập thủy điện Xayaburi, một dự án được cho là sẽ gây nhiều tác động xuyên biên giới, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn thủy sản, nguồn phù sa, đa dạng sinh học và sinh kế của hàng chục triệu người dân sống phụ thuộc vào dòng sông Mê Kông.

Sông Mê Kông (Ảnh: PanNature)
Sông Mê Kông (Ảnh: PanNature)

Điều đáng nói là dự án được triển khai khi các quốc gia thành viên MRC chưa đạt được sự thống nhất về kết quả tham vấn, bất chấp sự phản đối của Việt Nam và Campuchia cùng các quốc gia tài trợ MRC, cũng như đông đảo các nhà nghiên cứu, các tổ chức xã hội dân sự và cộng đồng dân cư các nước hạ lưu.

Sự kiện Xayaburi được xây dựng đã đặt dấu hỏi lớn lên ý nghĩa của Hiệp định Mê Kông 1995, lên những cam kết trong Tuyên bố Hủa Hỉn và đặc biệt lên vai trò của Ủy hội sông Mê Kông. Nhận định về điều này, Liên minh Cứu sông Mê Kông (StM) trong bức thư gửi Thủ tướng Chính phủ bốn nước MRC trước thềm Hội nghị cấp cao lần thứ hai viết: “Bốn năm qua, MRC đã thất bại trong việc xác định vai trò của mình và trong việc điều phối quá trình ra quyết định một cách công bằng và có trách nhiệm. Tương lai của dòng sông Mê Kông cũng như vai trò MRC hiện tại vì vậy đang là một vấn đề hết sức cấp thiết.”

Là tổ chức chịu trách nhiệm thúc đẩy quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Kông, rõ ràng MRC đang đứng trước những thách thức to lớn trong việc đẩy lùi “mối đe dọa lớn nhất đối với các vùng đất ngập nước, nguồn lợi thủy sản và sinh kế địa phương” là các con đập thủy điện dòng chính, theo đánh giá từ Báo cáo Lưu vực Mê Kông năm 2010 của MRC. Hội nghị cấp cao lần thứ hai này vì vậy là một sự kiện quan trọng, có thể là coi là dịp để trả lời câu hỏi liệu MRC có thể cứu sông Mê Kông hay không.

Những tiếng nói phản đối chưa từng xao lãng

Mặc dù đập Xayaburi đang xây dựng và đến nay đã hoàn thành 30% tiến độ, nhưng trong suốt gần hai năm qua các nhà khoa học, các tổ chức dân sự và cộng đồng người dân các nước hạ lưu vực, kể cả ở Thái Lan – quốc gia sẽ được hưởng lợi do nhập khẩu nguồn điện từ công trình này – vẫn không ngừng phản đối. Họ vẫn nỗ lực và bền bỉ đấu tranh nhằm ngăn chặn con đập này và cả chuỗi đập đang lăm le dùng Xayaburi như một tiền lệ để đi theo.

Mới đây nhất, cuối tháng 3/2014 hàng loạt các cuộc tuần hành phản đối Xayaburi và thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông đã diễn ra tại Thái Lan và Campuchia. Người dân Thái Lan, vốn đã trải nghiệm những hậu quả nặng nề từ con đập Pak Mun trên dòng nhánh sông Mê Kông, đã có tiếng nói mạnh mẽ phản đối Chính phủ, các ngân hàng và công ty Thái Lan tham gia vào dự án đầu tiên trên dòng chính hạ nguồn này.

Các tổ chức xã hội dân sự, ngay trước thềm Hội nghị cấp cao lần thứ hai này cũng đã gửi đến lãnh đạo các nước MRC những thông điệp mạnh mẽ, dứt khoát và khẩn cấp. Ngày 31/3 vừa qua, 39 tổ chức phi chính phủ trong khu vực và quốc tế đã đưa ra bản tuyên bố chung phản đối việc xây dựng thủy điện Xayaburi, đồng thời kêu gọi chính phủ Thái Lan hủy bỏ thỏa thuận mua bán điện từ con đập này.

StM nhận định tình trạng xây dựng đập thủy điện ở lưu vực sông Mê Kông hiện nay sẽ làm suy yếu các cam kết và tinh thần của Hiệp định Mê Kông 1995 và cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo MRC có những hành động cần thiết để bảo vệ và gìn giữ tương lai của dòng sông.

Với những tác động dự đoán lên hệ sinh thái, hiệu suất kinh tế của con sông và sinh kế của người dân vùng hạ lưu, rõ ràng câu chuyện thủy điện sông Mê Kông hiện nay không chỉ là câu chuyện về an ninh năng lượng, mà còn là vấn đề an ninh nguồn nước và an ninh lương thực. Vấn đề này cần được giải quyết bằng những cam kết chính trị ở cấp cao nhất và chính vì vậy Hội nghị cấp cao lần thứ hai của MRC được kỳ vọng sẽ đi tới những thỏa thuận mang lại tương lai bền vững cho dòng sông và lợi ích cho người dân sống trên lưu vực.

Thách thức này rất cần được giải quyết ngay từ bây giờ, vì cũng chỉ còn chưa đầy một năm trước khi đập Xayaburi vĩnh viễn làm thay đổi dòng chảy tự nhiên của con sông.

“Thách thức đối với lãnh đạo của bốn quốc gia thành viên MRC là thực hiện những cam kết chính trị và duy trì tinh thần hợp tác theo Hiệp định 1995. Tiến trình của dự án Xayaburi, và sắp tới là Don Sahong, đã cho thấy nhiều bất cập trong việc triển khai thực hiện các cam kết, quy trình thủ tục của Hiệp định 1995.

Giữa những cam kết chính trị và thực tế rõ ràng đã xuất hiện những khoảng cách lớn. Với những hiểu biết hiện tại về tác động tiềm tàng của thủy điện dòng chính và nguy cơ đối với hàng chục triệu người dân, các nhà lãnh đạo cần có những quyết định cẩn trọng đối với những dự án phát triển như Xayaburi chứ không phải những cam kết về phát triển bền vững chung chung.

Đã đến lúc cần nâng tầm hợp tác Mê Kông lên một mức cao hơn, không dừng lại đơn thuần là quản lý và sử dụng nguồn nước nữa. Bốn quốc gia thành viên cần đàm phán, thảo luận về cơ chế, lộ trình hợp tác phát triển chung, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên, chia sẻ lợi ích và trách nhiệm, xem xét lại mô hình phát triển và cân đối nhu cầu năng lượng của khu vực. Sau gần 20 năm, Hiệp định Mê Kông cần được nâng cấp – có thể là một hiệp định hợp tác phát triển lưu vực, theo đó các quốc gia thành viên có thể cùng phát triển mà không nhất thiết phải thay đổi dòng sông Mê Kông.”

(Ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên/PanNature)

Nguồn: Tạp chí điện tử Văn hiến Việt Nam

 

Leave A Comment

Cập nhật

Cùng tham gia "Bớt củi - Giữ rừng"
Tham gia