Limitless customization options & Elementor compatibility let anyone create a beautiful website with Valiance.

Liên hệ

NV 31, Khu đô thị Trung Văn, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội +024-3556-4001 contact@nature.org.vn Mở cửa: 8:00 - 17:30 Thứ Hai - Thứ Sáu

ThienNhien.Net – Sự thiếu công khai minh bạch trong khai thác khoáng sản đang dẫn tới nhiều hệ luỵ về kinh tế; đáng chú ý là nguồn thu từ khai thác khoáng sản vào ngân sách thì ít, vào túi các cá nhân thì nhiều.

Các ý kiến trên từ các diễn giả tại Hội thảo “Tham vấn thúc đẩy minh bạch trong quản trị thiên nhiên ở Việt Nam”, do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) và Oxfam vừa tổ chức tại Hà Nội.

Tận diệt tài nguyên, cộng đồng bức xúc

Ông Phạm Quang Tú, Trưởng nhóm Chương trình Hỗ trợ Liên minh Vận động chính sách của Oxfam nhớ lại cách đây vài tháng, trong một lần họp với chủ tịch UBND một huyện của Thái Nguyên, Phó chủ tịch huyện đã phải thốt lên rằng “Chúng tôi không biết thu thuế dựa trên cái gì của doanh nghiệp khai thác khoáng sản. Doanh nghiệp cho bao nhiêu thì chúng tôi được bấy nhiêu”.

Ông Tú ngạc nhiên khi vị phó chủ tịch này sử dụng từ “cho” thay vì từ “thu” vì chính ông phó chủ tịch này là người đại diện nhà nước, đại diện chủ sở hữu quản lý tài nguyên, giao lại doanh nghiệp và doanh nghiệp phải có trách nhiệm đóng thuế. Nhưng vị chủ tịch này lại không biết doanh nghiệp khai thác như thế nào, bao nhiêu và nộp thuế như thế nào thì đủ.

Trường hợp của vị phó chủ tịch UBND huyện này không phải là hiếm và sự thiếu minh bạch thông tin giữa doanh nghiệp khai thác khoáng sản và cơ quan quản lý nhà nước đang diễn ra ở hầu hết các mỏ khai thác khoáng sản như Titan Bình Định, than Quảng Ninh, mỏ sắt ở Thái Nguyên…

Theo ông Tú, hiện vẫn còn tồn tại cơ chế “xin-cho” mặc dù Luật Khoáng sản năm 2010 đã đưa ra cơ chế minh bạch hơn là đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Có điều việc thực hiện cơ chế này vẫn gặp nhiều khó khăn vì theo luật, nhiều mỏ vẫn được cấp phép mà không phải đấu giá và không may, số lượng mỏ không cần đấu giá này lại chiếm phần lớn trong số các mỏ được phép khai thác hiện nay.

Bên cạnh đó, nếu có đấu giá thì quá trình định giá lại không được thực hiện. Một mỏ khai thác khoáng sản muốn đấu giá tốt phải xác định được giá trị của mỏ để làm giá sàn. Sau đó, ai bỏ giá cao hơn thì người đó được khai thác. Nhưng hiện nay Việt Nam không định giá của mỏ khoáng sản mà chỉ dựa trên sản lượng doanh nghiệp khai thác để tính thuế tài nguyên.

“Nhưng làm sao có thể kiểm soát được sản lượng doanh nghiệp khai thác hàng năm?” – ông Tú đặt câu hỏi và cho rằng thất thoát và tận diệt trong khai thác tài nguyên khoáng sản là điều rất dễ xảy ra.

Công trường khai thác titan ở Mỹ Thành, Phù Mỹ, Bình Định (Ảnh: Đặng Thị Thúy/Viện tư vấn phát triển - CODE)
Công trường khai thác titan ở Mỹ Thành, Phù Mỹ, Bình Định (Ảnh: Đặng Thị Thúy/Viện tư vấn phát triển – CODE)

Theo ông Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam đã có hội đồng định giá khoáng sản và thẩm định sản lượng mà doanh nghiệp khai thác, nhưng hội đồng này chủ yếu dựa trên báo cáo mà doanh nghiệp nộp. “Như vậy, hình thức khai thác như hiện nay không khác gì nhà nước đã trao phần chuôi cho doanh nghiệp cầm, còn phần lưỡi dành cho nhà nước”, ông Võ nói.

Phân tích gần đây của các tổ chức quốc tế cho thấy, nguồn thu của việc khai thác tài nguyên khoáng sản không hề chảy vào ngân sách nhà nước mà chủ yếu rơi vào tay doanh nghiệp và cá nhân các quan chức nhà nước. Ông Đặng Hùng Võ cho hay, nhìn vào danh sách ngày càng dài của đại gia Việt Nam, họ đều có một điểm chung là làm giàu từ tài nguyên đất và khoáng sản, rất ít đại gia giàu lên từ kinh doanh thuần túy.

Một vấn đề khác, theo ông Võ, mà hiện nay chưa được đánh giá đúng mức là sự thiếu minh bạch trong khai thác khoáng sản gây nên sự tận diệt tài nguyên, tàn phá rừng, ô nhiễm đất, ô nhiễm nguồn nước. Nhiều trường hợp khai thác khoáng sản tác hại nghiêm trọng tới cộng đồng dân cư ở khu vực xung quanh do một mặt họ bị thu hồi đất, mặt khác họ lại chịu đựng cảnh ô nhiễm môi trường đất, nước…ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống, đẩy họ tới cảnh cùng cực hơn.

Về khía cạnh mô hình tăng trưởng kinh tế, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho hay: “Cả nước đang đào đất – khoáng sản, đất nông trường, đất khu công nghiệp lên để bán. Tài nguyên rừng và đất cũng được khai thác theo kiểu tận diệt như phá rừng làm thủy điện, khuyến khích xuất khẩu sản phẩm gỗ thịt từ rừng nguyên sinh, khai thác cát trên các dòng sông. Nền kinh tế an phận với lao động giá rẻ, kỹ năng thấp, công nghệ lạc hậu. Chúng ta đang tiến về thời kỳ đồ đá”.

Chúng ta đã duy trì quá lâu mô hình tăng trưởng dựa vào khai thác tài nguyên và sản xuất gia công, lắp ráp dẫn tới tính không bền vững và chậm nâng lên “đẳng cấp” cao về trình độ và chất lượng, ông Thiên nhận xét.

Cần sự giám sát của các tổ chức dân sự

Các chuyên gia kinh tế đều cho hay, đã đến lúc cần tăng cường tính minh bạch trong khai thác tài nguyên khoáng sản để chia sẻ lợi ích giữa các bên liên quan, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm những hệ luỵ, bức xúc trong xã hội.

Ông Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cấp cao cho hay, doanh nghiệp và quan chức nhà nước là những nhóm được hưởng lợi từ quá trình không minh bạch này. Do đó, rất khó đòi hỏi họ chủ động tạo ra thế minh bạch hoá. Vì vậy, cần vai trò của các tổ chức dân sự trong đó có Liên minh Khoáng sản.

Chính phủ phải công bố công khai các khoản nộp cho Chính phủ từ các công ty khai thác khoáng sản và mời các tổ chức phi chính phủ, cộng đồng dân cư tham gia giám sát. Tất cả các thông tin liên quan từ giấy phép khai thác, sản lượng khai thác, đóng góp ngân sách trung ương và địa phương, tác động đến môi trường và xã hội đều phải được công bố công khai và được Liên minh Khoáng sản giám sát. Doanh nghiệp phải có trách nhiệm giải trình.

Theo ông Đặng Hùng Võ, ở Việt Nam sự thiếu minh bạch không chỉ ở nguồn thu theo cơ chế giám sát của Liên minh Khoáng sản mà còn nhiều yếu tố khác như, nhà đầu tư là ai, năng lực ra sao, quá trình khai thác tổn hại tới môi trường như thế nào, việc thu hồi đất bồi thường cho người dân cần công khai minh bạch để bài toán chia sẻ lợi ích công bằng, để thoả mãn được nguyên tắc quản lý mà các nghị quyết đưa ra.

Một trong những nguyên lý để tạo hiệu quả tốt hơn trong công khai minh bạch là tạo ra hệ thống quản trị hiệu quả, đây là yếu tố đi từ dưới lên, làm giảm tính quan liêu của hệ thống quản lý.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Leave A Comment

Cập nhật

Cùng tham gia "Bớt củi - Giữ rừng"
Tham gia